Bánh Tai Phú Thọ có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ, bánh có tên gọi khác là bánh Hòn. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác, và không phải ai cũng làm được chiếc bánh Tai giếng Thánh đúng chuẩn hương vị đặc biệt vốn có.
Bánh Tai Phú Thọ đặc sản miền trung du
Bánh tai là món ăn không còn xa lạ với những người con của thị xã Phú Thọ từ nhiều năm nay, đặc biệt là món bánh tai có truyền thống hơn 5 đời của gia đình cụ Nguyễn Thị Định ở phố Bạch Đằng, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ.
Hình ảnh cụ Định với mái tóc bạc phơ và gương mặt phúc hậu ngồi bán bánh trước cửa nhà đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân thị xã, nhưng không phải ai cũng biết được nguồn gốc đầu tiên của bánh tai nhà cụ Định, cũng như ý nghĩa cái tên gọi “bánh tai Giếng Thánh”.
Nguồn gốc bánh Tai Phú Thọ – Bánh Tai Giếng Thánh
Cụ Định với nụ cười hiền hậu, tự hào chia sẻ về truyền thống làm bánh tai của gia đình: “Đến đời tôi là đời thứ 3 làm bánh tai rồi. Ngày xưa, người ta không gọi là bánh tai đâu mà người ta gọi là bánh hòn. Dần dần thấy giống cái tai mới gọi là bánh tai thôi. Còn bánh tai nhà tôi có tên Giếng Thánh là bởi vì từ xưa các cụ nhà tôi là ở Giếng Thánh nên lấy tên đó luôn. Bây giờ chuyển ra đây gia đình vẫn giữ lại cái tên này”.
Bánh tai Phú Thọ có màu trắng đục, thơm mùi bột quện trong mùi thịt ngầy ngậy. Ăn từng miếng nhỏ mới cảm nhận hết dư vị của chiếc bánh. Bánh tai dễ ăn và nhiều người có thể dùng được bởi bánh được làm từ bột gạo tẻ nên rất lành, thường được dùng làm thứ quà ăn sáng.
Ẩm thực thị xã Phú Thọ thời xa xưa, bánh tai thường được ăn kèm với cháo gạo tẻ, cháo bột thái, chỉ cần chút nước mắm ngon hòa sẵn. Mỗi bát cháo ấy cắt thêm 1, 2 cái bánh tai vào vừa dễ ăn vừa chóng no, có thể lao động suốt buổi sáng. Ngày nay, tùy khẩu vị có người mua bánh về nhà, chấm thêm nước mắm vắt chanh, quất, ớt, tiêu… mà nhấm nháp thì ăn không biết ngán.
Công thức và cách làm bánh Tai Phú Thọ
Để làm được chiếc bánh tai ngon thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo. Đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh.
Sau khi chọn được gạo, đãi thật sạch, ngâm nước từ 3- 4 tiếng, để ráo nước, đem giã hoặc nghiền nhỏ cho thật mịn. Nắm bột thành quả, bột phải kết dính chắc, rồi cho quả bột vào cối đá giã nhuyễn và đánh tơi cho đến khi đạt được độ dẻo cần thiết.
Nhân bánh được làm từ thịt lợn lẫn chút mỡ, giã nhỏ cùng với hành khô và nêm gia vị như: Hạt tiêu, muối, mì chính… Sau khi nặn bánh cùng với nhân, xếp bánh vào khay bằng nhôm hoặc chõ xôi hấp cách thủy khoảng 30 phút bánh sẽ chín.
Trong khi hấp cần để lửa thật to, nếu lửa nhỏ bánh sẽ không chín, điều tối kỵ trong làm bánh Tai là không được để bột vón cục, sẽ khiến bánh vừa mất đi thẩm mỹ lại ko còn vị ngon đặc trưng nữa.
Chiếc bánh đạt yêu cầu thì đảm bảo thơm mùi bột quyện trong mùi nhân thịt thơm ngầy ngậy. Khi ăn bánh sẽ có cảm giác dẻo, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh, tạo ra vị béo mà không ngán.
Khi bánh đã chín xếp ra đĩa để bớt nóng là dùng được cùng với nước chấm pha có vị hơi chua, ngọt và cay vừa phải.
Món quà hấp dẫn từ quê hương Phú Thọ
Bánh Tai của gia đình cụ Nguyễn Thị Định ngon không chỉ bởi cái vị của nó mà còn bởi cái tình, cái tâm của người làm ra thấm đượm trong những chiếc bánh
Bánh Tai Phú Thọ ngon nhất là ăn tại chỗ, kiểu dân dã. Chiếc bánh vừa ra lò, còn thoảng chút hơi nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm trực tiếp, thưởng thức một cách chậm rãi mới thấm hết mùi vị của bánh, đó là sự hoà quyện giữa: dẻo, bùi, ngọt, béo ngậy và thơm.
Bánh Tai Phú Thọ giờ đây không chỉ là ẩm thực tại quê nhà, mà đã trở thành món quà ẩm thực vừa quý vừa lạ với bạn bè khắp đất nước. Những chiếc bánh Tai như gói trọn yêu thương, những hương vị đặc sản của quê hương Phú Thọ đến với tất cả mọi người.
Comments 4