Mâm cỗ của người Mường ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ thường có cơm nếp, cá suối, những hũ măng chua, và đặc biệt thường không thể thiếu món ăn làm từ hoa Chuối đỏ tươi được hái trên rừng.
“Cơm nếp, cơm chăm trên nương, trên nà
Cá nhỏ, cá to trong ao, dưới suối
Đi đuổi trong rừng được thú, được chim
Đi hái, đi tìm được rau, được quả.”
Từ xa xưa, ẩm thực của người Mường nói chung và người Mường huyện Tân Sơn nói riêng đã được đưa vào thơ, nhạc với nhiều món ăn dân dã, độc đáo không phải nơi nào cũng có. Cùng với cơm nếp, cá suối, những hũ măng chua, mục hoa chuối cũng là một món ăn ngon được ưa chuộng trong mâm cỗ của người Mường.
Hoa chuối rừng giúp món ăn có vị ngon, không đắng chát như hoa chuối nhà còn lá táu, lá đu đủ tạo vị đắng, vị thơm đặc trưng của món ăn. Đây cũng như là những gia vị phổ biến trong các món ăn của người Mường.
Hoa chuối sau khi rửa sạch vỏ ngoài, thái lát mỏng rồi bỏ vào trong nước có kèm thêm muối hoặc nước chanh sau đó rửa sạch lại với nước, vắt khô và để ráo.
Tiếp đó, trộn đều cùng các nguyên liệu đã được sơ chế sẵn kèm thêm hạt dổi, mắc khén và các gia vị vừa ăn. Để món ăn thêm dẻo ngậy, kết dính, bà con thường ngâm thêm một chút gạo nếp, giã sơ để trộn cùng món mục.
Sau khi hoàn thành phần chuẩn bị nguyên liệu sẽ đến gói và xôi mục. Mục hoa chuối được gói trong lá dong và xôi từ 1,5 – 2 tiếng tùy số lượng nhiều hay ít.
Mục hoa chuối rừng khi chín, ăn có vị dẻo của cơm nếp, ngọt bùi của thịt nạc vai và sụn, vị thơm của mắc khén, hạt dổi, rau thơm và hơi nhang nhác đắng của lá đu đủ…
Hiện nay, mục hoa chuối không chỉ được làm để ăn ở gia đình, trong các mâm cỗ mà còn được làm thành hàng hóa bán ở một số chợ trong khu vực với bán giá 15.000 đồng/gói. Ngoài món mục, từ hoa chuối rừng cũng có thể chế biến được nhiều món ăn ngon hấp dẫn khác như món nộm hoặc xào từ đó tạo nên sự phong phú, hấp dẫn trong ẩm thực của người Mường.
Nguồn: Dân Việt