Đặc sản bưởi Đoan Hùng có thể tự hào với danh hiệu bưởi ngon số 1 Việt Nam sau khi giành giải thưởng “Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2015”.
Cả ba miền Bắc – Trung – Nam của nước Việt Nam đều có những giống bưởi ngon nức tiếng: Bưởi Phúc Trạch đặc trưng cho miền Trung nắng gió, bưởi Năm Roi chọn cho mình vùng đất Nam Bộ màu mỡ để sinh sôi. Bưởi Đoan Hùng chắt lọc tinh chất từ sỏi đá trung du để ngon, ngọt đến lạ kỳ.
Bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi nổi tiếng, không chỉ ở Phú Thọ, mà còn nổi tiếng ở khắp miền Bắc, cũng như Bố Hạ với cam, Hưng Yên với nhãn, Xuân Đỉnh với hồng xiêm, Láng với rau húng…
Nguồn gốc của Bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ
Đoan Hùng là một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ, thuộc trung du Bắc Bộ, trên ngã ba của hai con sông là sông Lô và sông Chảy. Nói đến Đoan Hùng, người ta thường nghĩ đến những đồi cọ, những đồi chè… và đặc biệt là một loại trái cây đặc biệt: Bưởi Đoan Hùng.
Bưởi Đoan Hùng xưa còn gọi là “Bưởi Phủ Đoan”, là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, tép nhỏ, quả nhỏ, vỏ héo, mềm, đặc trưng mọng nước, ngọt và mát. “Món ẩm thực đất tổ” này còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, ngay cả khi vỏ đã héo khô, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường.
Phân biệt các loại Bưởi Đoan Hùng
Hiểu rõ các giống bưởi, loại bưởi Đoan Hùng sẽ giúp thực khách hiểu được cách chọn Bưởi Đoan Hùng ngon hợp khẩu vị và đảm bảo chất lượng.
Bưởi Đoan Hùng có 2 giống Bưởi ngon nhất, đó là Bưởi Chí Đám (hay còn gọi là Bưởi Sửu) và Bưởi Bằng Luân (hay còn gọi là Bưởi Khả Lĩnh).
Bưởi Sửu Chí Đám phát triển phù hợp trên đất phù sa sông Lô, sông Chảy. Về nguồn gốc, giống bưởi này được nhân dân xã Chí Đám nhân ra từ cây bưởi ngon của nhà lão nông có tên là Sửu cách đây trên 200 năm. Từ đó tên ông được đặt cho giống bưởi. Bưởi Sửu sau 5 năm trồng cho quả có chất lượng tốt, cây 15 tuổi có năng suất từ 100 – 150 quả, bảo quản sau 5 – 6 tháng quả giữ được chất lượng tốt.
Bưởi Bằng Luân có cách đây 200 đến 300 năm là giống có nhiều nhất ở Đoan Hùng, hầu hết các xã trong huyện, đặc biệt là Bằng Luân và Quế Lâm đều trồng giống bưởi này. Bưởi Bằng Luân có dạng lá nhỏ, quả nhỏ có hình cầu dẹt hoặc dạng hình lá to, quả to, tròn đều. Khi chín có màu vàng rơm, màu thịt quả trắng, trục quả đặc, dễ tách múi, tép mềm mọng nước có màu trắng xanh, ngọt đậm, vị thơm.
Bưởi Đoan Hùng còn được chia làm 3 loại: Bưởi tơ (Bưởi non), Bưởi nửa đời, Bưởi già:
* Bưởi tơ: Tuổi đời cây Bưởi dưới 15 năm, khi thu hoạch có quả to vỏ xanh, ăn ngọt mát nhưng không đậm vị. Bưởi tơ được thu hoạch sớm nhất và không để được lâu, thường chỉ được vài tuần. Trọng lượng Bưởi tơ ở mức 1000g – 1500g, nhìn to và đẹp nhất.
* Bưởi nửa đời: Tuổi đời cây Bưởi từ 15-30 năm, quả Bưởi nhỏ hơn đôi chút, vỏ có nhiều chấm mầu nâu (hay còn gọi là vết rám), xấu hơn Bưởi tơ, ăn ngọt thanh hơn Bưởi tơ. Thu hoạch muộn hơn một chút và cũng để được lâu hơn Bưởi tơ, khoảng 1-3 tháng. Trọng lượng từ 700g – 1000g.
* Bưởi già: Gồm những cây Bưởi có tuổi đời trên 30 năm, quả nhỏ, cùi mỏng, vỏ xám hoặc rám nhiều, hình thức không được đẹp mắt, tuy nhiên ăn lại rất ngọt, ngọt nhất trong 3 loại bưởi. Bưởi già thu hoạch muộn nhất, nhưng sẽ để được lâu nhất (từ 5 đến 6 tháng), trọng lượng chỉ từ 600g – 850g.
Đặc sản đất tổ chắt lọc tinh chất từ sỏi đá
Bưởi Đoan Hùng là đặc sản Phú Thọ làm quà sẽ khiến bạn bè 4 phương khen nức nở. Có lẽ làm nên cái hồn cho Bưởi Đoan Hùng là hương bưởi, cái mùi thơm ngan ngát ấy thực khó diễn tả. Ngày hè, nếu có thể, hãy chọn cho mình được một trái bưởi làng Chí, hay bưởi Sửu để thưởng thức vị ngọt lịm, tan nơi đầu lưỡi và thấm cái mát đến tận ruột gan, da thịt.
Bưởi Đoan Hùng ngọt lành, lòng người đất bưởi thảo thơm. Đến với Đoan Hùng, vào các làng trong xã, hỏi thăm địa chỉ khu trồng bưởi, ai ai cũng niềm nở giới thiệu về bưởi đặc sản quê mình. Khi đến vườn bưởi, chủ nhà không tiếc bổ một đôi quả bày ra mời khách thưởng thức, nếu hài lòng mua vẫn chưa muộn. Hương vị bưởi và lòng người vùng ven sông Lô níu giữ những ai từng đặt chân lên miền quê trung du thanh bình này.
Bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam bảo hộ tên gọi, xuất xứ vô thời hạn tại quyết định số 73/QĐ-SHTT ngày 8/2/2006.
Comments 3