Phú Thọ có đặc sản gì mà khiến ai đã từng qua đây đều muốn ghé thăm thêm lần nữa?
Đất tổ Phú Thọ là nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là nơi sản sinh nhiều món ăn dân tộc đặc sản hấp dẫn, ai lỡ nếm một lần sẽ nhớ mãi không quên, ai đã từng qua đây đều muốn ghé thăm thêm lần nữa… Trăm nghe không bằng một thấy, hãy một lần đến với đất tổ Phú Thọ, thưởng thức những món đặc sản bắt mắt lạ miệng, ăn một lần là nhớ mãi.
Bưởi Đoan Hùng – Đặc sản tiến Vua
Bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi nổi tiếng, không chỉ ở Phú Thọ, mà còn nổi tiếng ở khắp cả nước, vì chỉ một lần nếm miếng tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất khiến ai cũng tưởng chừng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan, da thịt.
Khi xưa, nhắc đến Bưởi là nhắc đến Bưởi Đoan Hùng, loại Bưởi duy nhất được lựa chọn để tiến vua, chỉ các bậc vua chúa mới được thưởng thức giống Bưởi đặc biệt này.
Ngày nay, thực khách đã có thêm nhiều lựa chọn chất lượng khác như: Bưởi Năm Roi, Bưởi Da Xanh, Bưởi Diễn… Nhưng Bưởi Đoan Hùng vẫn chưa bao giờ bị lãng quên và thậm chí có thể nói là giống Bưởi quý và khó mua nhất, khó đến tay người dùng nhất trong các loại Bưởi ngon.
Cọ ỏm của miền trung du
Tiết trời sang thu, những cây Cọ đơm hoa, kết trái, đến cuối tháng 10 âm lịch, quả cọ chín, vỏ quả chuyển dần sang màu nâu bóng, hơi đen, cũng là thời điểm người dân quê cọ đi thu hoạch quả về để chế biến thành những món ngon đặc biệt.
Quê hương Phú Thọ nổi tiếng với những rừng cọ xanh ươm, cây cọ là ngọn nguồn cảm xúc thơ văn, là nguyên liệu để làm ra những món ăn dân dã mà thơm ngon rất đặc biệt. Và Cọ ỏm là món ăn dân dã lừng danh tại vùng trung du Phú Thọ này.
Thịt Chua người Mường
Đặc sản Thịt Chua là món ăn đặc trưng của người dân tộc Mường tại Thanh Sơn – Tân Sơn, Phú Thọ. Thịt Chua là món ăn mát, rất dễ ăn và dễ kết hợp với nhiều món ăn khác, rất thích hợp trong những bữa liên hoan của gia đình, bạn bè…
Nếu ghé thăm Phú Thọ, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món Thịt Chua người Mường cuốn trong lá Sung hoặc lá Mơ, xen giữa là ít rau sống vừa thơm vừa ngon vừa đủ vị, lại kết hợp với những cốc bia lạnh thì đảm bảo ngon hết ý.
Bánh Tai Giếng Thánh thấm đượm hồn quê
Bánh Tai có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ, bánh có tên gọi khác là bánh Hòn. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác, và không phải ai cũng làm được chiếc bánh Tai giếng Thánh đúng chuẩn hương vị đặc biệt vốn có.
Bánh tai Phú Thọ có màu trắng đục, thơm mùi bột quện trong mùi thịt ngầy ngậy. Ăn từng miếng nhỏ mới cảm nhận hết dư vị của chiếc bánh.
Bánh Tai Phú Thọ ngon nhất là ăn tại chỗ, kiểu dân dã. Chiếc bánh vừa ra lò, còn thoảng chút hơi nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm trực tiếp, thưởng thức một cách chậm rãi mới thấm hết mùi vị của bánh, đó là sự hoà quyện giữa: dẻo, bùi, ngọt, béo ngậy và thơm.
Canh rau sắn muối chua
Rau sắn không phải là món ăn cao lương mỹ vị, càng không màu mè coi trọng hình thức, nhưng lại đòi hỏi ở người chế biến phải rất cầu kì.
Bát canh rau sắn khi mới nhìn không có gì hoa mĩ. Thế nhưng khi ăn, thực khách sẽ bị chinh phục bởi mùi vị ngon, lạ. Đó cũng là hương vị giản dị của món ăn chỉ có ở vùng trung du này.
Canh rau sắn chua có nhiều công thức nấu, tùy vào khẩu vị của mỗi gia đình, người thích ăn với móng giò, người thích ăn với tép nhỏ, người lại thích nấu cùng cá…
Không ít người có cơ hội thưởng thức, đã tâm đắc mà khen canh rau sắn chính là đặc sản số 1 của Phú Thọ. Nếu có dịp về thăm đất Tổ Hùng Vương, bạn đừng quên thưởng thức món ẩm thực Phú Thọ thú vị này nhé!
…
Phú Thọ có đặc sản gì? Có lẽ kể cả ngày cũng không hết, vì quê hương đất tổ Phú Thọ luôn muốn níu giữ khách ghé qua bằng những hương vị đậm chất thôn quê. Để ai khi đã từng qua đây đều muốn có cơ hội ghé thăm lần nữa.
Comments 1