Nếu có cơ hội về với Chương Xá, Cẩm Khê, bạn đừng bỏ qua cơ hội được ngắm vẻ đẹp tự nhiên có 1 không 2 này nhé.
Mảnh đất Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ ngoài khung cảnh bến nước sân đình, đồng lúa thẳng cánh cò bay thì điểm đặc biệt nhất là giữa cánh đồng làng Chương (tên cũ của xã Chương Xá) vẫn còn cụm cây lộc vừng cổ, mà tương truyền đã có từ cả nghìn năm trước.
Cụm cây này bao gồm 91 gốc lộc vừng mọc đan xen vào nhau trên gò đất giữa đồng – dân làng vẫn gọi là Gò Thờ.
Ông Nguyễn Quý, 69 tuổi, người sinh ra và lớn lên ở Chương Xá cho tôi hay: “Không biết từ bao giờ, từ đời các cụ, ông cho đến bố tôi đã kể về sự hiện diện của cụm cây lộc vừng ở làng mình. Năm 2012-2013 khi đoàn khảo sát về đây lập hồ sơ công nhận cây Di sản Việt Nam, họ tính toán rằng cụm lộc vừng cổ này đã có tuổi đời khoảng một nghìn năm”.
Ngày nay, ở giữa cụm lộc vừng vẫn còn một ngôi mộ thành đắp bằng đá ong, trên xây tường gạch trát vữa nổi lên làm ban thờ hương khói.
Tương truyền đây là ngôi mộ của một nàng công chúa đời vua Hùng đời thứ 18. Cũng theo ông Quý, ngày còn bé, mỗi khi đi chăn trâu qua đây còn thấy có hai cây cọ mọc sừng sững trước ban thờ của ngôi mộ cổ, tượng trưng cho 2 chiếc đèn thờ. Sau đó vì tin vào một số đồn đoán không có căn cứ, một số kẻ xấu đã chặt hai cây cọ cổ thụ đi để đào bới kho báu.
Mấy năm nay dân làng đã trồng hai cây cọ khác thế vào đó để giữ lại vẻ đẹp nguyên bản của cảnh vật xưa. Không chỉ có vậy, theo các cụ cao niên trong vùng thì xa xưa hơn, ở vùng Gò Thờ còn gắn với những truyền thuyết về các vị vua Hùng do thuở ấy quanh gò là một vùng sông nước mênh mông, nên vua và các công chúa, hoàng tử vẫn thường hay đi thuyền ngắm cảnh…
Bất chấp tuổi tác, quy luật tự nhiên, cụm lộc vừng này cứ đến độ cuối đông sẽ đồng loạt trút lá, rồi khi mùa xuân sang thì bắt đầu đâm chồi nảy lộc cho đến giữa mùa hè khoảng tháng 6-7 dương lịch là thời điểm nở hoa đỏ cả một góc trời.
Song song đó, nhịp sống thanh bình hiếm hoi còn sót lại của một vùng quê Bắc bộ tiếp tục nhẹ nhàng trôi với các mẹ, các chị thân thương chăm chỉ lao động sớm hôm ngoài đồng, khi trưa nắng mọi người lại cùng nhau vào trú chân dưới gốc lộc vừng, uống ngụm nước trà xanh mang theo, hàn huyên những câu chuyện làng quê chân chất.
Ngoài mùa ra hoa, lộc vừng còn thu hút du khách khi vào mùa thay lá. Khi đó, cả “cánh rừng” sẽ chuyển thành màu vàng rực. Thời điểm đẹp nhất khoảng tháng 6 âm lịch.