Rêu đá là món rau sạch đặc biệt của Thanh Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ. Khách đến chơi nhà phải quý lắm mới được thiết đãi đặc sản này.
Rêu đá mọc theo mùa, bắt đầu có từ tháng 9, tháng 10 âm lịch và đến tháng 5 thì hết. Rêu tự mọc lên từ tất cả các hòn đá trong suối, không có hoa quả gì hết, khi dài tới một mức độ nào đó thì tự rụng xuống và bị nước cuốn đi. Vậy nhưng năm nào rêu đá cũng mọc đúng mùa như một quy luật của tự nhiên.
Vào những ngày nắng ấm, phụ nữ Mường ở đất Thanh Sơn lại rủ nhau ra suối lấy rêu về chế biến thành món ăn dùng bữa hàng ngày hoặc phơi khô để ăn dần dành cho các dịp lễ tết, cưới hỏi, làm nhà.
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, thì rêu lấy vào mùa xuân là ngon nhất. Muốn ăn rêu sạch, non phải chọn nơi nước suối chảy xiết, có nhiều tảng đá to. Điều quan trọng khi lấy rêu phải biết lựa theo chiều nước chảy để không bị nát rêu, lựa thứ rêu ngon còn non xanh, không được hái cả gốc rễ, chỉ hái phần thân non tơ sạch sẽ, nơi có nhiều tảng đá to rêu bám vào từng mảng.
Rêu đá thường mọc kết thành từng mảng dây dài, tùy từng đoạn suối nước sâu hay cạn mà có màu xanh lục hay xanh non, từng tảng đá to hay nhỏ mà mảng rêu nhiều hay ít.
Những cách chế biến món rêu đá
Để làm món rêu đá được hấp dẫn, quá trình chế biến yêu cầu kỹ thuật khéo léo hay tỉ mỉ của người đầu bếp. Đầu tiên, rêu sau khi thu hoạch về phải được bỏ vào rổ để dưới vòi nước sạch dùng tay giặt nhiều lần nhằm loại bỏ bụi cát hoặc tạp chất bám trong rêu, kế tiếp cho rêu lên một tảng đá to phẳng hoặc thớt rồi dùng chày gỗ đập cho rêu tơi ra. Cuối cùng là rửa lại cho sạch để ráo rồi mới chế biến thành món ăn.
Món rêu đá có nhiều cách chế biến khác như: xào, luộc, nấu canh, nộm nhưng ấn tượng nhất là rêu đá nướng. Rêu ướp gia vị tỏi ớt thường trộn hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén (những thứ hạt tiêu rừng thú vị) cùng ớt tỏi gừng, củ xả. lá chanh, rồi thêm thịt mỡ cuộn trong lá rong hoặc ống nứa non để nướng. Rêu đá nướng có mùi thơm thơm cay cay hòa quyện với mùi nồng của tỏi ớt đưa vào miệng cắn một miếng mềm nhẹ thơm ngon mà không hề thấy ngán.
Theo kinh nghiệm dân gian thì thường xuyên ăn món rêu đá nướng sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và có tác dụng trị nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
Được thưởng thức rêu đá – đặc sản Phú Thọ nổi tiếng hẳn là một niềm vinh dự lớn vì rêu đá thường ít và không thể mang được đi xa nên chỉ những vùng dân tộc miền núi mới có món ăn giản dị mà vô cùng độc đáo này. Hương vị của món ăn rêu đá sẽ khiến du khách không bao giờ quên được.