Tặng những đồng đội của tôi ở Sư đoàn 320, nơi tôi đã công tác từ năm 1980 đến năm 1986.
(1) Tháng 4 năm 1982, tôi nhận quyết định điều về làm Phó đại đội trưởng phụ trách kỹ thuật (1), Đại đội sửa chữa tổng hợp, Sư đoàn 320A(2). Khoác ba lô về đến đại đội là lúc trời vừa sẩm tối, ban chỉ huy đại đội cũng vừa xong một bữa ăn tươi để tiễn anh Nguyễn Văn Mơ, Phó đại đội trưởng, phụ trách chính trị ngày mai về phép. Lúc giao ban, mặt người nào, người nấy đỏ lựng. Lệnh quan trọng nhất được anh Hai phổ biến: “Tối nay, đại đội hành quân diễn tập trong đội hình của sư đoàn bộ cùng các đơn vị trực thuộc khác”.
Vừa giao ban xong, anh Nguyễn Văn Hai, đại đội trưởng, ngấm rượu, để nguyên cả giày, nằm gác chân lên đầu giường gáy khò khò. Ngày mai, anh Mơ về phép, ban chỉ huy đại đội chỉ còn tôi dẫn quân đi. Vừa mới đến đại đội không đầy một tiếng đồng hồ, không biết mặt hầu hết các chiến sĩ của đơn vị mình, tôi dẫn quân lên sân đá bóng cạnh sư đoàn bộ, tập trung. Ba trung đội trưởng đã biến mất từ lúc nào. Tôi dẫn đầu đại đội hành quân trong đội hình của sư đoàn.
Trời tối đen, chỉ nhìn thấy từng bóng người lờ mờ trong đoàn quân. Qua cổng sư đoàn bộ chừng hơn một cây số, một chiến sỹ cao lớn lách lên gần tôi, thì thào “xin phép anh cho tôi nghỉ”. Đấy là Nguyễn Văn Vụ, thợ sửa chữa quân khí, một trong vài chiến sĩ của đại đội mà tôi biết tên. Sau khi tôi đồng ý, cái bóng đen cao lớn ấy nhanh chóng lẩn vào xóm ven đường. Đấy cũng là trường hợp duy nhất xin phép tôi nghỉ hành quân hôm ấy.
Đoàn quân lầm lũi đi qua dốc Đỏ rồi vòng lên phía Yên Lãng. Các cán bộ chỉ huy chạy ngược chạy xuôi để kiểm tra đội hình của đơn vị mình. Cũng như họ, tôi cũng quay lại để kiểm tra đại đội của mình, nhưng có điều, tôi chẳng biết đâu đã là cuối của đại đội mình và lúc quay lên, thì tôi thì không biết đâu là đại đội của mình nữa. Đành khoác ba lô đi cạnh hàng quân. Mò mẫm mãi rồi tôi cũng tìm được đơn vị của mình… Quân của tôi, lần lượt trốn vào các xóm ven đường mà không có cách nào kiểm soát…
Buổi hành quân kết thúc, tại địa điểm tập kết, đại đội tôi còn đúng 3 chiến sĩ. Khi nghe tham mưu trưởng sư đoàn ra lệnh “Đại đội 30, về vị trí tập trung, báo cáo”. Không thể báo cáo sư đoàn về thực trạng quân số của đại đội mình, tôi đành lờ đi như không nghe được lệnh, thúc 3 chiến sĩ của mình hành quân về thẳng đơn vị…
Sau này, khi đã thân thiết, lão “Lơ Văn Mơ” cười khà khà bảo tôi “Hà hà, hôm ấy tôi và anh Hai bảo nhau: để xem ông kỹ sư chỉ huy quân sĩ thế nào”…
Vào thời điểm ấy, sư đoàn tôi mới ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam được 2 năm, số cán bộ chiến sĩ của sư đoàn nằm lại các nghĩa trang của Tây Nguyên đã nhiều hơn biên chế của cả một sư đoàn. Phần lớm anh em thợ trong đại đội đều đã phục vụ quân đội quá lâu, mong mỏi được ra quân. Đáp ứng nguyện vọng ấy, nhiều lính cựu của đại đội từ thời mặt trận B3 đã được ra quân, số còn lại đang chờ đến lượt mình, một số chiến sĩ mới đang dần được bổ sung … Lính mới nhanh chóng tiếp thu nếp sinh hoạt của lính cũ và thường kể lại cho nhau những chuyện của lính thợ ngày xưa, nhiều chuyện, nhuốm màu dân gian.
Trong các câu chuyện ấy, phần nhiều là chuyện về “Hải bọ”(3). Hải bọ là thợ sửa chữa xe thuộc lớp đàn anh, lính từ thời mặt trận B3, giỏi, ngang tàng và chịu chơi. Dạy “Thịnh tém” sửa xe hon da, lúc cầm cờ lê xiết ốc nắp máy để thị phạm, Hải bọ mắm môi, mắm lợi, tay lên gân hết cỡ để xiết ốc. Bắt chước “thầy”, Thịnh tém cũng mắm môi, lấy hết sức xiết ốc, nhưng chỉ được nghe tiếng con bu lông nắp máy gãy khô khốc và nhận một bài học từ ông thầy nhí nhố “Đồ ngu, người ta làm ra chiếc cờ lê 12-14 ngắn thế là chỉ để xiết lực nhẹ, mày mắm môi mắm lợi xiết thì còn gì là bu lông…”. Thời ở Tây Nguyên, “Hoàng đen” phụ trách tốp thợ sửa một chiếc xe Hồng Hà, sửa xong, đi thử thì thấy nước trong két làm mát sôi ùng ục. Giở mọi phép ra chữa, nhưng nước vẫn sôi. Đang bất lực thì Hải bọ đi chơi ở đâu về qua, đứng xem Hoàng đen “múa võ” mấy phút rồi bảo “Để đấy cho tao, vào nhà lấy rượu, ta ra đèo Phượng Hoàng thử xe và uống rượu”. Sau khi tốp thợ của Hoàng đen vào nhà trở ra, tất cả lên xe đi thử. Kỳ lạ thay, nước hết sôi, xe chạy êm, máy rất mát dù phải hùng hục leo đèo Phượng Hoàng. Sau này, khi gặp tôi, Hải bọ kể “hôm ấy, đứng xem Hoàng đen sửa xe, tôi phát hiện két nước của xe có vết cánh quạt quyệt vào, nhìn kỹ lại thì thấy lái xe đã dùng kìm bẻ các cánh quạt ở đầu động cơ thẳng lại để không phá hỏng két nước, nên lúc bọn nó vào nhà, tôi chỉ dùng kìm bẻ lại cánh quạt về đúng hình dáng cũ”… Một bữa, Hải bọ đèo Sinh móm ra Đại Từ chơi. Lúc trở về, thay vì phải lội qua suối thì Hải bọ lại phóng vào con đường cũ, đường dẫn đến một cây cầu bắc qua suối đã hỏng, chỉ còn trơ lại dăm chiếc dầm cầu sắt, vắt qua suối, mỗi dầm cầu chỉ rộng chừng ba chục phân , phía dưới, lòng suối lởm chởm đá lớn, đá nhỏ. Sinh móm chỉ kịp hỏi “sao lại vào đường này” thì nghe Hải bọ quát “ngồi im, không thì chết”. Sợ đứng tim, Sinh móm dúm dó, ôm chặt Hải bọ, để mặc Hải bọ phóng vút trên chiếc dầm cầu chênh vênh để sang bờ bên kia như làm xiếc…
Vào một buổi tối sau buổi hành quân ấy vài ngày, tôi xuống trung đội Sửa chữa xe chơi. Trung đội trưởng Đặng Ngọc Hoạt tiếp tôi như kiểu “đại ca” tiếp “đại ca”. Bàn tiếp khách là hai chiếc giường sắt kê sát nhau ở giữa sân với hai tấm phản trần, không chiếu. Trên đó chễm trệ một chiếc can 20 lít rượu Vân và hai chồng bát B52(4) ngay ngắn, đồ nhắm là vài hạt lạc rang khiêm tốn trong một chiếc bát con con đặt giữa hai giường. Can rượu do tên Dân, một thợ sửa chữa xe tăng vừa về tranh thủ đem lên. “Đại ca” Hoạt ra lệnh rót rượu, tên Dân rót đầy một bát B52 rượu, rồi hai tay bưng lên xun xoe mời tôi “mời đại đội cạn trước”. Thật thà, hung hăng và dại dột, tôi cầm bát rượu uống một hơi hết sạch trong tiếng reo hò của tên Dân, tên Hoàn, tên Phòng và vài tên khác. Rượu bỏng cháy khủng khiếp từ họng xuống đến dạ dày. Dăm phút sau, rượu ngấm, ruột gan lộn phèo, tôi chạy vội vườn sắn sau nhà, nôn thốc, nôn tháo… Nhưng cũng nhờ bát rượu đó, mà khi quay lại “bàn rượu” ngồi chỉnh tề, tôi đã trở thành “đại ca” và chỉ phải uống lấy lệ…
Có lẽ từ đó, lính gọi tôi là “Đại đội”, phân biệt với anh Hai là “Bọ Hai”, và anh Mơ là “Lơ Văn Mơ”.
(2) Ban chỉ huy đại đội gồm anh Nguyễn Văn Hai, anh Mơ và tôi.
Bọ Hai(5) là lính từ những năm 62, 63, đã gần 50 tuổi, gấp đôi tuổi tôi. Bọ nguyên là lính lái xe, nên mỗi khi chuyện về lái xe, bọ thường chuyện say xưa, thấy tôi chăm chú nghe, bọ hào hứng lắm. Khác với tôi, bọ thích uống rượu. Tiền mua rượu chẳng có, bọ mua men rượu về ủ với cơm nguội thành cơm rượu. Mỗi sáng, bọ xúc một bát ăn và nhiệt thành mời tôi. Tôi ăn chẳng thấy ngon, nhưng không nỡ chê vì sợ phụ lòng bọ. Bọ cười khà khà bảo “cứ ở với tôi một thời gian nữa, tôi sẽ luyện cho anh, anh sẽ nghiện món này cho xem…”.
Lão Lơ Văn Mơ quê ở một vùng núi Thanh Hóa, hơn tôi khoảng dăm tuổi.Trước khi đi bộ đội, lão đã là giáo viên, đi lính trở thành lái xe, đã dạy ở trường 255. Bởi vậy, lão lái xe giỏi và mồm mép linh hoạt lắm. Ngồi cả hội với nhau, không chê được tôi trong khoản ”rượu, chè”, lão thường khen mà như chê tôi “Ông Thịnh là loại được rượu, được chè nhưng chưa đàn bà”. Những lúc chuyện vui, để chứng minh rằng mình không phải loại “chưa đàn bà”, tôi thường khoác lác với anh em là mình đã có “một vợ, hai con trai”. Chẳng hiểu do vẻ mặt thật thà của tôi hay là do những điều tôi bịa xung quanh chuyện này nghe có vẻ thật quá, nên dù không tin, nhưng đám lính vẫn bán tín, bán nghi. Tên Thu, tên Vĩnh và một số tên khác cứ hỏi dò Bọ Hai xem tôi đúng là có vợ hay chưa, nhưng bọ chỉ cười. Cuối năm 82, khi về nghỉ phép, tôi bị ốm, Phòng Kỹ thuật cử anh Thái, Trung đội trưởng trung đội sửa chữa quân khí về thăm. Khi lên, đám lính bu lại hỏi anh Thái xem có đúng là tôi đã có vợ con hay chưa? tôi và anhThái được dịp kẻ tung, người hứng. Anh Thái bịa “thằng nhỏ thứ hai nhà anh Thịnh kháu lắm, nó bưng đĩa táo mời tôi mà tay dứ dứ…”.Tên Lù Chí Tha, tên Vĩnh, tên Thu tròn mắt nghe. Chúng tôi tung hứng như thật, ai cũng phải tin, dù trong lòng còn ngờ vực lắm. Năm sau, trong lần tôi đưa anh em đại đội về ăn cưới tên Tuế, lái xe của đại đội. Qua nhà, tôi đưa thằng cháu con bà chị đi cùng. Tên Vĩnh, tên Thu còn xoắn lấy thằng bé, tra hỏi “chú Thịnh đã có vợ hay chưa?”.
Bọ Hai chơi thân với các anh Thắng, anh Hùng, anh Văn ở Ban quân lực của sư đoàn. Ngày tết, ngày lễ, hay có bữa ăn tươi nào, chúng tôi thường mời các anh xuống chơi. Thấu hiểu chúng tôi, những công việc liên quan đến chế độ của anh em trong đại đội thường được các anh trong Ban Quân lực giải quyết dễ dàng. Cũng nhờ thế, anh em lính cũ thường được lần lượt ra quân theo nguyện vọng. Bọ Hai hể hả giải thích “cán bộ ở đại đội này chỉ quan hệ vì lính thôi”.
Một buổi chiều, anh Thanh, Trưởng ban quân nhu của sư đoàn xuống chơi. Hai ông già ngồi rì rầm trò chuyện. Xong chuyện, Bọ Hai bảo với tôi “tôi ra Đại Từ nhận lợn cho ban quân nhu” và tự lái chiếc xe Vọt Tiến của đại đội đi, không cho tên Dương lái xe đi cùng. Lúc này, anh Lơ Văn Mơ, anh Hoạt và anh Thái đã chuyển về trung đoàn 64, anh Quang trung đội trưởng trung đội gia công lên thay anh Mơ, chẳng giúp được gì về chuyện xe cộ. Giao ban đại đội xong, vẫn chưa thấy Bọ về. Thịnh tém và tên Dương lái xe lên gặp tôi, lo lắng “Đại đội ơi, giờ này mà Bọ vẫn chưa về, chắc có chuyện gì rồi, phải ra xem sao!”. Tôi đồng ý. Sẵn có chiếc xe HONDA 67 của Ban quân pháp đang gửi chữa, nhưng không có phụ tùng thay thế, nên dù sửa xong, xe vẫn sục dầu, và ở trong tình trạng “vừa đi, vừa đẩy”. Tên Dương chở tôi đi, còn Thịnh tém đi mượn xe đạp để đạp ra sau. Trời tối om. Đến đoạn đường ruộng rẽ vào trại lợn ở đầu thị trấn Đại Từ, chúng tôi gặp chiếc Vọt Tiến của mình sa xuống ruộng, thùng xe trống không, chẳng thấy lợn đâu, hai bánh xe nằm dưới ruộng, hai bánh gác trên đường, cả hai cầu đều bị sát đất, không thể chạy được. Bọ Hai nằm trong ca bin, hai chân gác ra ngoài cửa xe, gáy o o. Mùi thức ăn lẫn hơi rượu bị nôn ra đâu đó, nồng nặc. Tên Dương đập cửa, gọi Bọ Hai dậy. Câu đầu tiên Bọ nói với chúng tôi như một lời thanh minh “Tại thằng Bình xi nhan dở ẹc…”. Tên Dương bàn với tôi chạy ra lâm trường gần đấy, gặp anh Ngọc – Giám đốc lâm trường, mượn chiếc xe Hồng Hà mà chúng tôi vẫn thường sửa giúp để kéo chiếc Vọt Tiến lên. Tên Dương phóng xe Honda đi, mươi phút sau, hắn trở lại với chiếc xe Hồng Hà. Ruộng khô, bờ ruộng không cao, xe nghiêng ít, nên chỉ vài phút sau chúng tôi đã kéo được chiếc Vọt Tiến lên đường. Trả chiếc Hồng Hà xong, ba chúng tôi tìm đường chở về cùng hai chiếc xe. Bọ Hai nhất quyết không cho tên Dương lái chiếc Vọt Tiến để chứng minh tay lái của mình vẫn “lụa”. Không còn cách nào khác, tên Dương phải ngồi phụ cho Bọ, còn tôi chịu trách nhiệm đi chiếc Honda về nhà, dù tôi chưa đi xe máy bao giờ.
Chẳng biết đã mấy giờ tối, nhưng đường Đại Từ tối om, vắng ngắt. Khi tôi phóng xe trên đường, chiếc Vọt Tiến từ đằng sau vọt lên, đánh võng trên đường, đến giữa thị trấn thì dừng lại ở nhà em Nga, bồ của tên Dương. Khi tôi vào nhà Nga, thấy Bọ đang oang oang nói với tên Dương “Tau đã căn vào giữa đường… tau lái…”. Dương nói nhỏ với tôi “Đại đội ạ, không để Bọ lái được đâu …”. Chẳng cần hắn nói, tôi cũng đã rõ. Tôi lựa lời với Bọ Hai “Em biết là Bọ không say, lái tốt, nhưng Bọ chịu khó ngồi cạnh, xem và bảo thằng Dương lái, cho nó quen tay lái đi. Bọ giành hết phần lái thì bao giờ nó thành tài được”. Nghe bùi tai, Bọ Hai đồng ý. Cái Nga kéo tôi ra góc nhà, tròn mắt, thì thầm “ anh gọi chú ấy là “Bọ” mà không sợ chú ấy giận à?”…
Tôi ngồi lên chiếc xe Honda cho Dương đẩy nổ, rồi phóng về. Trời tối đen thui, xe không đèn, chỉ nhìn thấy đường là một dải trắng lờ mờ giữa hai vệt đen bên đường, tôi cứ nhằm giữa cái vệt trăng trắng ấy mà phóng. Xe nhảy chồm chồm trên những tảng đá to bằng đầu trâu, đầu ngựa. Qua dốc Đỏ được một đoạn, xe chết máy. Trời tối bịt bùng, đang loay hoay với chiếc xe hỏng thì một bóng đen đạp xe lọc cọc tiến đến trước mặt tôi. Đấy là Thịnh tém ra tiếp ứng. Biết mọi việc đã xong, phấn khởi,Thịnh tém hô “Đại đội lên xe, tôi đẩy”. Xe nổ máy, tôi phóng một mạch về đơn vị. Đấy cũng là lần đi xe máy đầu tiên trong đời tôi.
Hàng xóm của đại đội 30 là tiểu đoàn huấn luyện 28. Anh Đính, tiểu đoàn trưởng, thường hay sang chơi với Bọ Hai và chúng tôi. Đấy là một người chắc, đậm, chất phác và uống rượu rất khỏe. Trong lúc trà dư, tửu hậu, anh kể, các anh bên tiểu đoàn 28 thường thách nhau tu cả chai 65 rượu, tu xong, phải dùng miệng hất vỏ chai ra đằng sau, sao cho vỏ chai lọt qua song cửa sổ ra ngoài, nếu vỏ chai vướng phải song cửa sổ thì bị phạt uống tiếp. Chẳng hiểu sao, chuyện đến tai lính. Vào cuối một buổi sáng, tôi thấy ba tên Voòng A Cảnh, Ngọc và Vĩnh vừa sửa xe xong, đã tót vào nhà anh Chung ở cạnh đơn vị, mua rượu. Lúc ra, ba tên cắp nách ba chai tót lên thùng chiếc xe Vọt Tiến ngồi uống. Thì ra, bọn chúng cũng bắt chước anh Đính tu cả chai. Lúc sau, tôi thấy ba tên ấy khật khưỡng, mồm nói, tay vung, chân chuyệch choạng đi về…
(3) Đại đội có ba trung đội, gồm các trung đội sửa chữa xe, gia công và quân khí. Mỗi trung đội đều có một tiểu đội trưởng với họ tên thật ấn tượng: Voòng A Cảnh, Lù Chí Tha và Giàng A Dũng(6). Nhưng đấy không phải họ và tên đệm thật của các anh, mà là họ tên do Hoàng đen, trong một phút xuất thần đã đặt cho họ khi nhìn thấy tình cờ ba vị này ngồi với nhau.
Khi tôi về đại đội, trung đội quân khí của Giàng A Dũng do anh Bình là trung đội trưởng thay anh Thái mới được điều vào làm trung đội trưởng sửa chữa của trung đoàn 64. Lính quân giới mang đặc điểm của ngành, anh nào anh nấy chỉn chu, ít quậy phá.
Cuối dãy nhà ở của trung đội quân giới, có một gian nhỏ, được ngăn ra làm phòng sửa chữa khí tài quang học. Trong phòng có tấm ga trắng, căng sát vách, trông như một phòng khám trong trạm xá. Làm việc tại đây là Yên, một thợ sửa chữa quang học, quần áo luôn bảnh bao, dáng thư sinh. Yên là một trong ba chiến sĩ đã hành quân về đến địa điểm tập kết cùng tôi hôm trước.
Một sáng, tôi vào thăm phòng sửa chữa khí tài quang học, Yên đang ngồi với Vinh sáu ngón và Bảy (Bảy là công nhân sửa chữa xe, nhưng đi lính, không hiểu tại sao lại được điều về làm thợ sửa chữa vũ khí). Trên mặt bàn mà ba chàng lính ngự lâm đang ngồi là một ca rượu. Yên đưa ca rượu mời tôi. Khi tôi vừa nhấp thử một ngụm, một mùi hăng nồng hung hãn sông lên mũi. Té ra, đấy là ca cồn công nghiệp để bảo dưỡng khí tài, ba ông tướng thèm rượu đem pha uống. May mà không ai bị ngộ độc…
Cách uống rượu của ba tên này cũng lạ, cách nhắm đồ nhắm để uống rượu là ngắm con gà mái của Bảy nuôi. Con gà mái không có trống, cứ đẻ sòn sòn. Nghe nói, nó thèm trống đến mức nếu có ai chạm tay vào nó, nó lăn kềnh ra, chổng cả hai chân lên trời và chờ đợi… Với ba tên ấy, uống rượu suông và ngắm gà, cũng như đang được uống rượu, nhắm với thịt gà.
Cũng giống Bảy, khi mới về đại đội, tôi cũng mua một đôi gà mới về nuôi. Cách nuôi là thả chúng vào chuồng, để chúng tự ăn, tự lớn. Khu vực đóng quân của đại đội rộng mênh mông, đôi gà thả sức chạy và lớn nhanh như thổi. Chẳng mấy chốc, mỗi con phải nặng tới hai ký. Không hiểu sao, tôi mua đôi gà này từ cùng một đàn mà lại thuộc hai giống khác nhau, một chị gà lùn tịt, một chị gà cao kều. Mỗi sáng, hai chị rời chuồng, đi kiếm ăn bên nhau, một cao kều, một lùn tì trông thật hài hước. Một buổi chiều, chỉ thấy chị gà cao về chuồng. Ngay sau buổi giao ban, các tay mũi nhòm mồm đã có mặt tại ban chỉ huy đại đội. Quyết định nhanh chóng được đưa ra là phải cất ngay chị gà cao vào nồi cháo, dù chị chưa kịp đẻ trứng.
Thịnh tém và Lù Chí Tha rất giỏi trong việc này, có thêm tên Nam thủ kho giữ chân loong toong , phụ việc, nên chỉ một thoáng chị gà đã biến mất, thay vào đó là sự hiện của một nồi cháo gà. Chỉ có điều, chị gà đã to mà nồi cháo còn to hơn, nên chỉ thấy thịt gà loáng thoáng. Lò Văn Xây, một thợ nguội nhưng rất giỏi trong việc mò và khoắng thịt gà, đảm nhiệm việc múc cho mỗi người một bát. Bát cháo loãng, điểm lơ thơ vài sợi thịt gà, nhưng không hiểu sao, ai ăn cũng thấy ngọt…
Khác với trung đội xe và trung đội quân khí. Trung đội gia công của Lù Chí Tha gồm những tên chững chạc, điềm tĩnh. Chững chạc, điềm tĩnh nhưng tẩm ngẩm, tầm ngầm. Anh Trúc lái xe Vọt Tiến cũng thuộc biên chế của trung đội này. Anh Trúc quê Nghệ An, một anh chàng cao lớn, râu quai nón với vẻ đẹp dữ dằn. Vì thế, anh Trúc được mấy cô gái Đại Từ yêu. May mà lúc chàng ra quân, không có tai họa gì xảy ra…
Khi anh Trúc ra quân, tên Dương được điều về thay. Dương là người Bắc Ninh, về Ban Xe sư đoàn từ năm 1977, trước làm nhân viên trong ban rồi sau làm thủ kho. Vì là người của Ban Xe, hắn thích lái xe lắm, thường trộm xe để tự tập lái. Hải bọ kể với tôi “Hồi ở Nha Trang, một hôm, tôi lái xe ra phố, thấy phía trước một xe téc của sư đoàn đang đánh võng trên đường như đang say rượu. Tên tái xe khóa van không cẩn thận, van bật ra, xăng trong téc chảy ồ ồ ra đường, tưới ướt đầm đìa cả một đoạn phố dài. Dân đi đường khiếp vía, chạy dạt… Tôi cố phóng lên để bảo lái xe. Khi đã lên ngang với ca bin xe téc, nhìn sang thì thấy tên Dương mặt mũi đầm đìa mồ hôi đang ôm ghì vô lăng để lái, mồm hắn vặn vẹo theo tay đang đánh vô lăng. Lúc xe dừng lại được thì cả téc xăng gần chục khối đã chảy hết nhẵn…”.
Lúc sắp ra quân, Dương xin anh Bùi Nguyên Tuyến, Trưởng ban Xe của sư đoàn, đi thi lấy bằng lái xe. Nhưng biết trình độ lái xe của hắn như thế, anh Tuyến không cho. Lừa lúc anh Tuyến đi phép, Dương lên xin anh Nguyễn Thuận Quảng, Sư phó, chủ nhiệm kỹ thuật sư đoàn. Chẳng biết hắn tỷ tê thế nào, cụ Quảng đồng ý, và thế hắn có bằng lái xe, trở thành tài xế và được điều về đại đội tôi, lái chiếc Vọt Tiến thay anh Trúc. Sau này, khi tôi gặp anh Hưng xoăn, giáo viên trường lái xe quân đoàn, anh Hưng bảo “Đợt ấy, thằng Thiệu, thằng Dương lái xe như chuồn chuồn ngô, nhưng thông cảm anh em, nên thôi, cho qua…”.
Chẳng biết vì sao, Dương rất thân với tôi. Lúc rỗi rãi, hắn thường lên giường tôi nằm, thủ thỉ trò chuyện. Dương kể với tôi mọi chuyện, kể cả chuyện hắn nhặt được một tấm ảnh khoả thân và để quên trong túi quần, lúc vợ giặt quần áo moi ra được…. Là kẻ Đào Hoa, mới ở Đại Từ có hai năm, hắn đã có đến hai cô bồ. Cả hai đều tên là Nga, đều đẹp, đều trắng nõn nà. Tôi cũng không hỏi xem hắn cùng yêu hai cô một lúc hay khi cô đầu đi lấy chồng thì mới yêu cô thứ 2. Cũng qua chuyện của Dương, tôi mới biết gái Đại Từ đẹp và yêu mãnh liệt đến thế nào. Dương bảo tôi, giọng chắc nịch “Nhất định em sẽ kiếm cho Đại đội một cô thật đẹp…”. Nhưng chưa kiếm được, hắn đã ra quân.
Lính của trung đội gia công là vậy, và Trung đội trưởng Quang cũng thế. Khi anh Quang thay anh Mơ làm phó chính trị, tôi thấy anh hay ngồi cửa ngắm cô Mai, con ông Năm trâu, đang thả trâu ở vườn chè của đại đội. Nhìn dáng cô Mai ở xa xa, tôi chỉ thấy chiếc áo cánh tím, chiếc nón trắng nghiêng nghiêng, nhưng anh Quang chắc thấy nhiều hơn thế. Rồi anh lỉnh ra nhà ông Năm trâu chơi. Đi chơi được vài lần, anh cười bảo tôi “Có lẽ tôi phải lấy vợ hai thôi anh ạ”.
Em út của trung đội gia công đồng thời cũng là em út của đại đội là Đoàn Đình Vận. Vận là thợ tiện, sinh năm 1960, kém tôi đúng hai tuổi và khoác ba lô về đại đội trước tôi chỉ trước tôi một ngày. Vận quê ở Ninh Bình, một thanh niên nông thôn chất phác, khỏe mạnh. Vận quí tôi như anh trai, về phần mình tôi cũng quí nó như em ruột của mình. Trong đại đội của mình, Vận là người được tôi dành cho một tình cảm đặc biệt.
Những lúc rỗi việc, Vận thường giúp tôi làm những chiếc bơm xe đạp để tặng các anh cán bộ trong sư đoàn. Sản phẩm làm thêm của trung đội gia công lúc đó thường là những con dao cực sắc được rèn từ thép nhíp ô tô, loại thép mác 65G do hai thợ rèn là Trung và Đáng làm. Còn bơm xe đạp do Thu và Vận làm. Mỗi khi về phép, các anh coi con dao và chiếc bơm xe là món quà quí cho gia đình.
Vật liệu chính để làm bơm xe là những chiếc trục các đăng của xe JEEP làm thân bơm và vỏ đạn M79 làm nắp bơm. Một lần, tôi xin được vài quả đạn M79 để làm bơm. Tên Thành, một tiểu đội trưởng của trung đội quân giới hứa “để em mượn khẩu M79 về bắn mấy quả đạn này lấy vỏ cho Đại đội”. Nhưng đợi mãi, chẳng thấy hắn đem súng về, tôi và Vận đem mấy quả đạn lên công trình xa, kẹp vào ê tô, định gõ vào kíp cho đầu đạn bắn ra nổ để lấy vỏ. Kẹp đạn xong, Vận bảo tôi “Đại đội xuống đi, để mình em xử lý”. Tôi xuống xe, ra xa đợi. Rồi một tiếng nổ ục ở trong xe, quả đạn M79 vọt ra, nổ ở cuối vườn chè. Tôi thấy Vận xuống xe, người quay quay, tay ôm tai, đi thẳng về nhà. Tôi chạy theo hỏi, hóa ra, đạn nổ trong thùng xe công trình xa kín, gây sức ép làm Vận bị choáng, may mà không nghiêm trọng. Chúng tôi hú vía vì hành động ngu ngốc của mình…
GHI CHÚ
(1) Vào đầu những năm 80, Quân đội chuyển sang chế độ “một thủ trưởng”, theo chế độ này, các đại đội phó được gọi là “phó đại đội trưởng”.
(2) Sư đoàn 320 A là sư đoàn “Đồng Bằng”, thuộc Quân Đoàn3, Sư 320B sau đổi thành sư 390 thuộc Quân đoàn 1.
(3) Hải bọ là con một gia đình làm nghề vàng ở Thành phố Vinh. Anh thuộc loại người khá giả thời bấy giờ, nhưng sống rất nghĩa tình. Khi tôi về đại đội, anh đã ra quân và chỉ gặp anh một lần khi anh quay lại thăm đơn vị vào năm 1983, khi đơn vị đang chuyển từ Đại Từ về Hương Canh. Nhìn thao tác anh đóng cửa hậu chiếc Din 130, tôi biết, đấy là một người thợ tài hoa. Anh cùng tôi chạy từ Đại Từ ra Thành phốThái Nguyên, để gặp và ăn cơm với tên Dương, lúc ấy đã chuyển về công tác tại Nhà văn hóa khu Gang Thép. Lúc chia tay ở Phù Lỗ, anh gặp riêng tôi, đưa ít tiền, nhưng tôi từ chối. Nghe tôi kể lại, anh Văn, Ban Quân lực đi cùng hôm ấy tâm đắc lắm.
(4) Bát B52: là loại bát sắt được trang bị cho quân đội thời chống Mỹ, mỗi bát đong được nửa cân gạo hoặc nửa lít nước. Do dung tích “khủng” của nó, bát được lính ta gọi là bát “B52” .
(5) Khi tôi những dòng này, các anh Nguyễn Văn Hai (Bọ Hai), Bùi Nguyên Tuyến, anh Phần … đã đi xa, những dòng hồi ký này như một nén hương tưởng nhớ đến các anh.
(6) Tên thật của “Lù Chí Tha” là “Đào Chí Tha” và “Voòng A Cảnh” là Dương Văn Cảnh.
Một bài viết của Thinh Vu Dinh tại Fanpage Thị xã Phú Thọ:
https://www.facebook.com/PhuThoTown/posts/2014554381894995