CẦU TRẮNG (Viết tặng những người đồng hương đang sinh sống muôn phương nhớ Quê hương trong những ngày dịch dã)
Ai đã từng may mắn được sinh ra và lớn lên trên cái thị xã xinh đẹp, đã từng được người Pháp chọn là thủ phủ của một vùng hẳn không thể quên cây cầu nhỏ mang tên Cầu Trắng.
Không biết từ khởi đầu, khoảng dưới cầu là kênh hay suối, nhưng trong ký ức của tôi, dưới chân cầu là những thanh ray và tà vẹt của tuyến đường sắt nơi nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.
Tầm bốn tuổi, Bố đạp xe cho tôi ra Cầu chơi. Bàn tay bé xíu run run bám lấy những cọc tre được nối bằng dây chạc làm lan can. Tôi ngó xuống khoảng thẳm dưới kia mặc cho giọng Bố lạc đi: “Cẩn thận, con gái” và hai cánh tay Người dang ra sẵn đỡ. Bao yêu thương và chở che suốt cuộc đời này của Người dành cho tôi, không hề khiến tôi trở nên yếu đuối mà trái lại, làm cho tôi biết bao dung và bao bọc, tôi chỉ ngại lòng người trong thiên hạ khó lường chứ chưa bao giờ sợ bất cứ hoàn cảnh nào phải đối mặt.
Lớn hơn chút nữa, thi thoảng Bà nội lên chơi, tôi hay được Bà dắt ra chợ Thị xã, còn gọi là Chợ Mè để ngắm chợ là chính, rồi khi ra về” lúc lắc héo mòn một xâu” bồ quân chín đỏ hay Táo ta vàng thơm xiu xíu. Và lần nào, khi vượt qua một con dốc dài, có tên Dốc Tỉnh, hai bên đường là những cây long não và xà cừ cổ thụ, thân to mấy người ôm không xuể, hai bà cháu cũng dừng chân bên một gốc cây, nơi bà chủ quán kê vài cái ghế gỗ và chiếc bàn con, trên bàn bày mấy đĩa lạc luộc, vài gói kẹo dồi, dăm bao thuốc lá, và không thể thiếu cái ấm tích ủ chè xanh hay nước vối.
Tôi chỉ ăn lạc vì không thích uống chè, nhưng lại rất thích ngắm màu vàng sóng sánh khi nước được rót ra và hít hà mùi hương nhẹ thơm không gì sánh được của chè xanh tươi được hãm chuẩn vị. Mùi hương ám ảnh đến nỗi mãi mãi về sau, tôi luôn chọn sữa tắm có hương chè xanh. Tôi bẻ vụn chiếc bánh đa giòn tan ăn cùng những hạt lạc bùi ngậy, ngắm nhìn đôi môi ăn trầu của Bà tươi thắm lên nhờ hơi nóng của chén trà và lắng nghe câu chuyện của Bà với bà chủ quán. Hầu như là hai người xa lạ, nhưng câu chuyện thật là rôm rả từ thời tiết, mùa vụ, cách nuôi gia súc, cách muối dưa, cách têm trầu… thuần phác và thân thiện là đặc trưng của một thời như thế.
Dù tôi có thích nghe đến đâu, tôi cũng sẽ rời ngay đi nếu nghe thấy tiếng còi tầu từ đằng xa.
Tôi sẽ cố chạy lên đỉnh dốc, đến chỗ Cầu Trắng để từ trên cao ngó xuống, tôi có thể nghe tiếng ruỳnh ruỵch của chuyển động trên đường ray, nhìn con tầu bẻ cua uốn lượn ở khúc quanh và tôi thích giơ tay vẫy hành khách trên tầu mặc dù biết chắc, họ sẽ khó nhìn từ dưới lên thấy mình: “Về nhà với người thân và sống hạnh phúc nhé!” Trái tim bé nhỏ của tôi luôn thầm thì…
Thói quen đó luôn được duy trì, mỗi khi đi ngang cầu, gặp tầu tôi đều giơ tay vẫy và nhiều năm sau, một ngày kia, khi đoàn tàu đã chạy sang phía bên kia cầu, tôi nhìn thấy một cánh tay giơ lên vẫy lại, cả một khuôn mặt nhoài ra qua cửa sổ.
Vài lần sau, còn có nhiều cánh tay nữa, nhiều khuôn mặt nữa vẫy lại, thoáng chốc ấy, tôi chợt nhận ra, tóc mình đã ngang vai mượt mà, hai má đã hồng mịn và ánh mắt đã long lanh… bâng khuâng thì ra mình đã thành thiếu nữ.
Khi tầu đi khỏi, tôi lưu luyến quay lại với Bà. Câu chuyện xem chừng cũng đến hồi kết, Bà đập đập cái nón vào tay để giũ bụi rồi khoan thai nói: “Cho tôi hai đĩa lạc và xâu bánh đa”.
Tôi phản đối: “Con không ăn nữa, con no rồi”.
Bà vuốt tóc tôi: “Mang về cho bố mẹ con và anh trai”.
Cũng từ đó, tôi luôn thấm cái quy tắc phải nhớ đến những người thân dù lúc hoạn nạn hay khi may mắn hạnh phúc, miếng ăn sẻ chia, gian nan chung sức.
Rồi tôi lớn lên, đi học Đại học, ngồi trên mỗi chuyến tàu, khi đi qua bất cứ khu dân sinh hay cây cầu nào, tôi đều ngước nhìn xem có cô bé nào đó giơ tay vẫy hay không. Mấy chục năm sau, khi đi tàu trên sông Seine giữa thủ đô Paris hoa lệ, mỗi lần tàu chui qua một cây cầu, thì những người đang ngồi trên hai bờ sông hóng gió đều đồng loạt vỗ tay, những người khách trên tàu đều giơ tay vẫy lại… hân hoan và thân thiện…lòng tôi chợt nhớ thương cây Cầu Trắng quê mình.
Chỉ duy nhất một điều ái ngại hồi ấy, là vào ban đêm, trên con đường vắng ngắt rậm rì những cây cổ thụ, đã từng có những vụ án, đã từng có những tệ nan… mà cô thiếu nữ là tôi bắt buộc phải vượt qua con đường đó để về nhà.
Thường thì bố đi đón tôi. Nhưng cũng có những chuyến tàu bị hoãn, bị tăng bo, vì thế không phải lúc nào cũng có người thân đi đón. Có một cậu bạn thân, đã từng học cùng từ cấp một, đến cấp ba, rồi học cùng trường đại học, luôn đi cùng từ Hà Nội về và kèm tôi từ ga qua Cầu Trắng, thêm một đoạn đường qua trường Sa Đéc để về đến nhà tôi. Cậu bạn mảnh khảnh, hai chân khuỳnh khuỳnh hiên ngang như vệ sỹ nhưng cả hai đều nghe thấy tim mình đập thình thịch. Cậu ấy chẳng biết rằng, cô bạn dịu dàng của mình, ngoài vài miếng võ tự vệ do anh trai học ở Học viện KTQS truyền dạy, thì một bàn tay luôn kẹp hai chiếc manh-xà-lam sắc lẽm. Anh trai luôn nói:” Trong cuộc đời, phải luôn chủ động phòng vệ”. Tôi luôn coi trọng thân thể mình, thà chết không chịu uế tạp. Và suốt 4 năm đầu học Đại học, tôi luôn có những chiếc Manh-xà-lam như thế, vừa để bảo vệ mình, vừa tránh cho bạn mình không bao giờ phải ân hận với những điều không đáng phải chứng kiến.
Bốn năm như vậy, cho đến khi tôi hoàn toàn tin tưởng ai đó có thể chở che cho mình.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những bước chân quýnh quáng, bước thấp bước cao cố đi qua con dốc Tỉnh, chỉ cần chạm đến cầu, nghĩa là bình an.
Rồi Cầu Trắng bé nhỏ cũng không đáp ứng được với sự phát triển của phương tiện giao thông, lưu lượng xe qua cầu quá lớn. Người ta xây một con dốc mới, một cây cầu mới khang trang song song với cây cầu cũ và con dốc cũ. Nhìn cây cầu già đi và yếu đi, những dây chạc bung dần, lòng chợt nhớ về những ngày qua, khi đi qua cây cầu cũ, mọi người đều lắng nghe và nhường nhịn. Chỉ đủ một làn xe, nên ai đến trước, đi trước, không bóp còi inh ỏi, không quát nạt tranh lối, những chiếc xe trâu, xe bò… cũng nép vào nhường nhau, đâu có cần văn bản pháp quy hay hình phạt nào.
Có hôm, một chiếc xe chở rau đi qua nghiêng bánh, rơi rau giữa cầu, người đang chờ hai bên cầu dựng chân chống chạy ra nhặt giúp chất lên xe. Cuộc sống thật đẹp biết bao!
Người Phú Thọ không phải ai cũng giống nhau sống gần Cầu Trắng, nhưng đều yêu thương và dành một góc trái tim cho cây cầu này. Người Phú Thọ đi muôn phương, thành danh, mỗi người một lĩnh vực, nhưng đều có cốt cách mang hơi hướng từ mảnh đất xinh đẹp ấy.
Ngoài thành công và bản lĩnh, thì đàn ông Phú Thọ biết chiều chuộng và nâng niu phụ nữ đã chinh phục biết bao nàng dâu tài đảm của muôn phương: “Trai Phú Thọ làm khổ gái thập phương”. Tôi luôn tự hào mình lớn lên nơi đây, cùng những cô gái Phú Thọ vừa tài, vừa sắc.
Những cô gái Phú Thọ thường có làn da mịn màng, vóc dáng thanh thoát, giọng nói nhẹ như người Hà Nội, đảm đang gia chánh, giỏi dạy con, khéo chiều chồng. Nhưng bạn cũng nên nhớ, nếu thật lòng muốn kết duyên cùng một cô gái Phú Thọ, tốt nhất hãy làm người đàn ông đàng hoàng, nếu không muốn cả đời đau khổ vì mất cô ấy.
P/s: Viết cho ba mươi năm rời xa và thương nhớ. (Phạm Vĩnh Hà)
Cây Cầu Trắng thân yêu!
Cầu Trắng quê hương tôi đã đi vào ký ức của biết bao người. Ai cũng đã đi qua cây cầu này, con đường này nó là kỷ niệm một thời của một đời người thật khó mà quên được.
Cây cầu Trắng đã bao đời
Đón bao khuân mặt của người qua đây
Hoa Long Não trắng thơm bay
Tinh khôi trong nắng đắm say tình người.
Nhìn cây cầu Trắng bồi hồi
Rưng rưng nhớ lại một thời tuổi thơ
Gió vờn long não đu đưa
Rung rinh trong nắng thơm bờ tóc ai.
Ngắm cầu một buổi sớm mai
Nhớ về cái thủa đợi ai trên cầu
Dù ai đi đâu, ở đâu
Nhìn hàng long não, cây cầu nhớ thương. (10/2020 – Thơ: Mai Văn Nhân)
Ngõ cây cầu trắng thân quen
Nhà em ở đó cạnh bên đập tràn
Đường tàu Hà nội chạy ngang
Ngược lên tít tận Làng dàng lào cai
Bây giờ cầu đã sinh hai
Đường lên đường xuống thành hai cây cầu! (Nguyễn Thanh)
Hình ảnh Cầu Trắng – thị xã Phú Thọ những năm gần đây
Vị trí Cầu Trắng – thị xã Phú Thọ trên Google Map: https://goo.gl/maps/NZBXmu1dKgtD2b3m7