Ngày 10/3 âm lịch hàng năm, dân tộc ta lại một lòng hướng về lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng thực sự biết về sự tích Đền Hùng Phú Thọ cũng như vua Hùng là ai? Vậy hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan Đền Hùng Phú Thọ
Đền Hùng gắn liền với sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Tên đầy đủ là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là quần thể đền chùa thờ phụng các vị vua Hùng và tôn thất của nhà vua. Đền được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì, đến thời Hậu Lê – thế kỷ 15 được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô hiện tại.
Đền Hùng nằm ở đâu? Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Tính từ chân núi lên đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh, cao 175m.
Sự tích Đền Hùng Phú Thọ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia. Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đền Hùng Phú Thọ có nhiều yếu tố gắn bó đời sống tâm linh của người Việt. Không chỉ vài chục năm, vài trăm năm mà nó đã tồn tại từ hàng nghìn năm. Đến nay, nhiều yếu tố trong đời sống tâm linh vẫn đi cùng dân tộc. Chính điều này đã thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.
Một số di tích chính gồm:
- Đền Hạ: Tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng nở thành trăm người con.
- Đền Trung: Tương truyền là nơi các vua Hùng cùng Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và bàn việc nước.
- Đền Thượng: Nơi tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng như cầu mưa thuận gió hòa.
- Lăng Hùng Vương: Mộ của Vua Hùng thứ sáu.
- Chùa Thiên Quang: Nằm kế bên đền Hạ, trước đây có tên gọi là Viễn Sơn Cổ Tự, sau đổi thành Thiên Quang Thiền Tự.
- Đền Giếng: Nơi công chúa Tiên dung và công chúa Ngọc Hoa (hai con gái của vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc.
Sự tích Đền Hùng Phú Thọ đầy thú vị, bí ẩn
Năm 2007, Quốc hội chọn ngày 10/03 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc Giỗ nhằm nhớ ơn các vị vua Hùng.
Sự tích về Đền Hùng được lưu truyền qua bao thế hệ, là sự tích đầy hấp dẫn thú vị. Tuy nhiên, câu hỏi Đền Hùng Phú Thọ thờ ai, Vua Hùng là ai vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi, chưa tìm được câu trả lời chung thống nhất.
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là câu nói của Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong vào sáng ngày 19/9/1954 tại Đền Giếng. Câu nói này được trích theo hồi tưởng của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng, người có mặt trong buổi nói chuyện lịch sử trên. Theo đó, Bác giảng giải:
“Đền Hùng thờ các vua Hùng. Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là Tổ tiên của dân tộc ta. … Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước“.
Mặt khác, có nhiều giả thuyết xoay quanh 18 đời vua Hùng Vương bởi con số 18 đời vua trị vì hơn 2600 năm gây ra không ít hoài nghi.
Một số thuyết khác cho rằng, không phải con số 18 là tương ứng với 18 đời vua Hùng mà là 18 nhành/ngành với tổng cộng 180 đời vua. Dữ liệu này được tìm thấy trong các bản Ngọc phả, thần tích như bản Ngọc phả Hùng Vương được soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê. Hay như trong tác phẩm khác như Tân đính Lĩnh Nam chính quái của nhà sử học thời Hậu Lê là Vũ Quỳnh cũng viết 18 nhành vua Hùng.
Có những thuyết trên bởi người ta nghi hoặc ai có thể sống lâu được đến vậy. Trong Việt sử tiêu án, nhà sử học Ngỗ Thì Sĩ có viết: “Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được”. Nhà sử học Trần Trọng Kim cũng có mối hoài nghi tương tự trong Việt Nam sử lược: “…Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ nữa thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy”.
- Cây vạn tuế 800 năm tuổi ở đền Hùng
- Kinh nghiệm tự đi du lịch Đền Hùng dịp giỗ tổ Hùng Vương
- Hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương có lịch sử và ý nghĩa như thế nào?
Vua Hùng là ai? Vua Hùng họ tên đầy đủ là gì?
Theo truyền thuyết, có 18 đời vua Hùng Vương với những tên gọi sau:
- Kính Dương Vương (Húy là Lộc Tục), tuổi thọ 260. Số năm làm vua là: 215.
- Hùng Hiền Vương (còn gọi là Lạc Long Quân, húy là Sùng Lãm). Tuổi thọ 506, số năm làm vua: 400.
- Hùng Lân Vương, húy là Lân Lang. Tuổi thọ 260. Số năm làm vua: 221.
- Hùng Diệp Vương, húy là Bảo Lang. Tuổi thọ 646. Số năm làm vua: 300.
- Hùng Hi Vương, húy là Viên Lang. Tuổi thọ 599. Số năm làm vua: 200.
- Hùng Huy Vương, húy là Pháp Hải Lang. Tuổi thọ 500. Số năm làm vua: 87.
- Hùng Chiêu Vương, húy là Lang Liêu Lang. Tuổi thọ 692. Số năm làm vua: 200.
- Hùng Vĩ Vương, húy là Thừa Vân Lang. Tuổi thọ 642. Số năm làm vua: 100.
- Hùng Định Vương, húy là Quân Lang. Tuổi thọ 602. Số năm làm vua: 80.
- Hùng Hy Vương, húy là Hùng Hải Lang. Tuổi thọ 512. Số năm làm vua: 90.
- Hùng Trinh Vương, húy là Hưng Đức Lang. Tuổi thọ 514. Số năm làm vua: 107
- Hùng Vũ Vương, húy là Đức Hiền Lang. Tuổi thọ 456. Số năm làm vua: 96.
- Hùng Việt Vương, húy là Tuấn Lang. Tuổi thọ 502. Số năm làm vua: 105.
- Hùng Anh Vương, húy là Châu Nhân Lang. Tuổi thọ 386. Số năm làm vua: 99.
- Hùng Triệu Vương, húy là Cảnh Chiêu Lang. Tuổi thọ 286. Số năm làm vua: 94.
- Hùng Tạo Vương, húy là Đức Quân Lang. Tuổi thọ 273. Số năm làm vua: 92.
- Hùng Nghị Vương, húy là Bảo Quang Lang. Tuổi thọ 217. Số năm làm vua 160.
- Hùng Duệ Vương, húy là Huệ Lang. Tuổi thọ 221. Số năm làm vua: 150.
Như vậy có thể thấy, tổng số năm của các đời vua Hùng lên tới 2796 năm. Một khoảng thời gian rất dài. Do đó, điều này làm dấy lên nhiều nghi vấn rằng các vua Hùng không thể sống lâu đến vậy được.
Sự tích Đền Hùng Phú Thọ với câu hỏi Vua Hùng là ai còn được thể hiện trong một số câu thơ về câu chuyện 18 đời vua Hùng:
“Xưng Hùng Vương, cha truyền con nối
Mười tám đời một mối xa thư
Cành vàng lá ngọc sởn sơ
Nước xưng một hiệu, năm dư hai nghìn”
(Thiên Nam minh giá)
Hay như:
“Thập bát truyền vi quân vi vương, trùng xuất tiên nga duy mạt tạo
Ngũ thập tử quy sơn quy hải, biệt trung thần nữ thiệu anh phong”
Nghĩa là:
“Mười tám đời truyền làm quân làm vương, hai vị tiên nga cuối dòng họ
Năm mươi con lên núi, xuống biển, một nàng thần nữ nối ngôi cha”
Câu khác
“Nam Thiên thập bát thế xa thư, sơ đầu đệ nhất thánh
Tây nhạc ức vạn niên hương hỏa, thượng đẳng tối linh thần”
Nghĩa là:
“Trời Nam 18 đời truyền kiếp, buổi đầu đệ nhất thánh
Tây nhạc ức vạn năm hương hỏa, thượng đẳng tối linh thần”.
Sự tích về Đền Hùng Phú Thọ trải qua 18 đời vua Hùng Vương thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Có thể nói, về với vùng đất Tổ linh thiêng là về với cội nguồn dân tộc. Vì vậy, nếu có thời gian, hãy ghé thăm Đền Hùng để chiêm ngưỡng cảnh quan cũng như hiểu rõ hơn di tích lịch sử tại đây nhé!