Sáng 27/1/2022 (tức 25 tháng chạp năm Tân Sửu), tại Đền mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Hạ Hoà đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 25 tháng Chạp, là ngày “Tiên thăng” của Tổ Mẫu.
Dự lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng Lâm – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vương Thị Bẩy – TUV, Giám đốc Sở Tài chính; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.


Trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ, lãnh đạo huyện Hạ Hoà đã kính cáo về kết quả phát triển kinh tế – xã hội mà huyện đạt được trong năm vừa qua. Mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra, song với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, huyện đã thực hiện đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu đề ra: Tốc độ kinh tế đạt mục tiêu; thu ngân sách nhà nước gần 200 tỷ đồng, đạt 218% dự toán được giao; có thêm 4 xã được công nhận nông thôn mới; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện.


Tại buổi lễ, các đại biểu và bà con nhân dân đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, người mẹ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con, nguồn gốc của cộng đồng người Việt, cũng là khởi nguồn của hai tiếng “đồng bào” gắn bó keo sơn của dân tộc Việt Nam.


Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên Lễ giỗ được tổ chức với quy mô rút gọn, đảm bảo trang trọng, chỉ tổ chức phần lễ. Lễ vật gồm 5 tráp lễ (bánh, quả, rượu, trà, trầu) cùng với hương, hoa, mâm cơm chay, cơm mặn để dâng lên Mẫu và các thánh thần. Các đại biểu cùng người dân đã thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào dâng hương.
Tương truyền rằng nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Sương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp không gian. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật.
Sau khi kết duyên, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Sương về núi Nghĩa Lĩnh, Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con. Khi các con lớn lên Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khó mà hoà hợp”, bèn chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển để lưu truyền đựơc lâu dài, về sau tất cả các con đều hoá thần. Trong 50 người con theo mẹ thì người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời Vua Hùng trị vì đất nước trong 2621 năm (từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 trước công nguyên).
Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Một ngày kia bà đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Tây Sơn, thấy ba bề sông nước uốn quanh lung linh bóng núi, đất đai màu mỡ, cỏ cây hoa lá tốt tươi, là nơi hội tụ của cá chim, muông thú bà liền chọn nơi này làm chốn dừng chân và cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Thế rồi từ đó vùng đất này trở nên trù phú, vạn vật tốt tươi.
Khi trang ấp đã ổn định, bà lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng bà lại trở về Hiền Lương – nơi bà đã chọn gắn bó cuộc đời mình. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, sau khi thay xiêm áo bà giữ lại dải khăn đào và theo các Tiên nữ bay về trời, bà cố bay thật thấp để nhìn thấy con cháu và nơi ở lần cuối, rồi thả dải lụa đào vương trên cây đa cổ thụ.
Từ đó, hằng năm, nhân dân lấy ngày 25 tháng chạp là ngày “Tiên thăng” và mùng 7 tháng giêng là ngày “Tiên giáng”. Chỗ bà thả dải lụa, sau này đã được người dân trong vùng dựng lên ngôi miếu phụng thờ, đời đời hương khói – đó là miếu thờ Mẫu Âu Cơ.
Theo Thu Hương – Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ