Tượng Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) chính thức được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Theo truyền thuyết, mẹ Âu Cơ sinh ra dân tộc Việt Nam trong một bọc trăm trứng đã trở thành bất hủ trong tư tưởng, tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam. Đồng bào ta coi Mẫu là người mẹ chung của dân tộc Việt, Tín ngưỡng thờ Mẫu có lẽ đã bắt nguồn từ ấy để thế giới phải công nhận đó là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Và mới đây, người dân Đất Tổ và cả nước càng thêm vinh dự, tự hào khi Tượng Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) chính thức được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Ngôi đền ngói đỏ in đậm dấu ấn thời gian, tĩnh mịch, trang nghiêm dưới tán đa cổ thụ sum suê, toả bóng chở che nắng mưa sớm chiều; dải lụa hồng vương vấn từ ngọn đa cao tới tận cuối mảnh sân gạch rộng; những lối nhỏ líu lo chim hót dưới những hàng cây quanh năm xanh tốt… Trong hương sắc mùa xuân, lấm tấm mưa phùn, thoang thoảng trầm hương… về thăm Đền Mẫu Âu Cơ khiến người ta cảm thấy gần gũi, thân quen như những ký ức từ ngày thơ bé.
Ông Nguyễn Công Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương chia sẻ: “Đền Mẫu Âu Cơ được nhân dân xã Hiền Lương xây dựng và thờ phụng từ nhiều đời nay. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, của đời sống xã hội nhưng cơ bản đền vẫn giữ được trọn vẹn các giá trị. Chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong vùng rất tự hào vì là những người con được gần Mẫu nhất để thay mặt con dân nước Việt ngày đêm hương khói, thờ phụng và giới thiệu, quảng bá đến đồng bào, du khách mọi miền hành hương về Đất Tổ, về Đền Mẫu Âu Cơ”.
Năm tháng trôi qua cùng nhiều thăng trầm, thời gian in dấu trên hầu hết mọi thứ có mặt trong không gian, duy chỉ có Tượng Mẫu Âu Cơ linh thiêng trong đền thì gần như không hề thay đổi, đó là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, mang tính biểu trưng liên quan đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn với hình tượng Cha Rồng – Mẹ Tiên vĩ đại. Lạc Long Quân được coi là Quốc Tổ và Âu Cơ là Quốc Mẫu, sinh ra “một bọc trăm trứng” ở lại Phong Châu thu phục lòng người, xưng vương, xây dựng kinh đô và dạy “dân Lạc Việt” khai khẩn đất hoang, cấy trồng lúa nước…
Ông Nguyễn Minh Hảo- Trưởng Ban Quản lý Đền Mẫu Âu Cơ chia sẻ: “Tượng Mẫu Âu Cơ ở Đền Mẫu Âu Cơ so với những tượng Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, Mẫu Đông Cuông (Yên Bái), Mẫu Man Nương (Dâu Keo – Bắc Ninh), có một sự khác biệt hoàn toàn về phong cách, bố cục, trang phục, hoa văn trang trí và kỹ thuật, thể hiện vị thế và tầm vóc của vị Quốc Mẫu, chứa đựng nhiều yếu tố của nghệ thuật cung đình…”.
Tượng Mẫu Âu Cơ được tạc trên chất liệu gỗ mít, sơn son thếp vàng; là hiện vật gốc độc bản, được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất của thời đại dành cho phức hợp đình – đền – miếu ở Hiền Lương. Pho tượng khắc hoạ hình ảnh chân dung một người phụ nữ Việt với gương mặt phúc hậu, đoan trang và thánh thiện, dường như là một chân dung lấy từ nguyên mẫu có thật ở ngoài đời nên không có nhiều dáng vẻ của một vị thánh, vị thần hay Phật, có lẽ đây là yếu tố tạo nên sự gần gũi, thân thương và hòa đồng đối với mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, qua thần thái, trang phục và tư thế trên ngai vàng, lại thấy Tượng Mẫu Âu Cơ phảng phất đâu đó các yếu tố của Phật, của thánh, của thần và của vua, để có sự thiêng liêng, bí ẩn, tôn kính đối với người chiêm bái, tạo khoảng cách vừa đủ để tôn giáo, tín ngưỡng đi vào cộng đồng trong mối giao cảm, hòa đồng. Đây là một đặc điểm khác biệt của tôn giáo, tín ngưỡng Việt mà pho tượng Mẫu Âu Cơ có thể được xem là ví dụ điển hình.
Bà Lê Thị Thoa – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá (Sở Văn hoá, thể thao và du lịch) cho biết: “Sự độc đáo của Tượng Mẫu Âu Cơ trước hết là hình ảnh một người phụ nữ ngồi trên ngai vua với biểu tượng rồng, hổ phù và phượng – vốn chỉ có nhà Vua, Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu được sử dụng, như một trong những biểu hiện của quyền lực. Những thành tố ấy, đồng thời cũng là thành tố của nghệ thuật cung đình, chỉ xuất hiện ở những cung điện, đền miếu tại Hoàng cung và những nơi thờ tự được triều đình chăm lo, coi sóc với tư cách là những Quốc Từ, Quốc Tự, Quốc Miếu.
Đền Mẫu Âu Cơ là Quốc Từ, mẹ Âu Cơ là Quốc Mẫu, theo đó, hình ảnh này, phượng, hổ phù trên ngai tưởng như là một sự hiển nhiên, nhưng dưới con mắt của những Nho gia thuộc chế độ phong kiến trung ương tập quyền là một biệt lệ “độc nhất vô nhị”. Chính vì thế, pho tượng mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ hoàn toàn khác biệt và mang giá trị độc đáo so với những tượng Mẫu khác được thờ trên cả nước”.
Một yếu tố độc đáo nữa cần nói đến là tài năng điêu khắc và sơn thếp với những mảng hoa văn được bố cục khá dầy đặc nhưng lại rất hài hòa bằng những mảng khối, trải theo băng dọc, băng ngang, hoặc khuôn trong những vòng tròn hoặc bán nguyệt, lúc thì lại nổi lên cuồn cuộn qua những nét chạm khắc khỏe khoắn, nhưng cũng có lúc tỉa tót với những nét chạm tinh xảo. Lớp sơn thếp tuy đã trải qua hơn trăm năm nhưng màu vàng quỳ vẫn còn rực rỡ, màu đỏ sơn ta vẫn trầm ấm, tạo nên sắc độ lung linh, huyền diệu của đồ thờ tự…
Vì sự độc đáo và giá trị của Tượng Mẫu Âu Cơ, ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ (Niên đại thế kỷ XIX, thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa là Bảo vật Quốc gia.
Tượng Mẫu Âu Cơ trở thành Bảo vật Quốc gia không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế,…; đó là tình cảm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ thành kính dâng lên Mẹ Âu Cơ – Người mẹ của dân tộc Việt Nam, dâng lên các Vua Hùng với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc.
Để bảo vệ và phát huy giá trị của Tượng Mẫu Âu Cơ, UBND huyện Hạ Hòa đã xây dựng kế hoạch bảo vệ đặc biệt đối với Bảo vật Quốc gia một cách tuyệt đối, một mặt đáp ứng các yêu cầu, điều kiện kỹ thuật bảo quản và trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập đồng thời gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ để đời đời con cháu luôn nhớ về nguồn cội và thêm biết ơn tổ tiên. Đó là đạo đức, là lẽ sống và đạo lý mà ông cha đời đời căn dặn con cháu; đó cũng là sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm bảo về giang sơn gấm vóc, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn thịnh và phát triển.