Cây vạn tuế cổ có 3 nhánh tượng trưng cho 3 miền Bắc Trung Nam nhưng chung một cội nguồn.
Đến khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ), ngoài những nơi thờ tự, cột đá thề, giếng ngọc, hạt lúa thần… du khách còn được chiêm ngưỡng cây vạn tuế cao lớn trước cửa chùa Thiên Quang cạnh Đền Hạ.
Cây cao hơn 5 mét, chia làm ba nhánh. Đường kính của gốc khoảng 35 cm, đường kính ngọn chính khoảng 25 cm, hai nhánh có đường kính thân khoảng 20 cm. Thân cây nghiêng khoảng 30 độ. Do đó, năm 2009, khu di tích đã làm cột chống bằng thép để giữ cây không bị đổ.
Theo quan sát của những người thường xuyên chăm sóc cây, cứ hai năm cây vạn tuế sẽ ra một tán lá mới. Năm đầu cây ra búp, năm thứ hai búp trở thành tán. Khi đếm các tán lá đã rụng từ thân cây, các nhà khoa học ước tính cây vạn tuế này có tuổi thọ khoảng 800 năm.
Đây là một trong những cây có tuổi đời lớn nhất trong khu di tích, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử. Theo văn bia tại chùa Thiên Quang, ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Trần có tên chữ là “Viễn Sơn cổ tự”, đến thế kỷ 15 đổi tên thành “Thiên Quang thiền tự.” Qua nhiều lần trùng tu, chùa có tên là Thiên Quang như ngày nay.
Theo ghi chép lịch sử, ngày 19/9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền Hùng. Người đã ngồi dưới bóng cây vạn tuế trước cửa chùa Thiên Quang và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Câu nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” cũng được Bác nói trong dịp thăm đền Hùng năm 1954.
Ngoài cây vạn tuế 800 năm tuổi, khu di tích đền Hùng còn có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như cây đại, cây thông…
Theo Khương Nha / vnexpress.net