PHÚ THỌ QUÊ MÌNH – THỊ XÃ TUỔI THƠ – NGÀY XƯA ƠI
“Tôi về lại thủa ấu thơ
Đi tìm lại những giấc mơ thủa nào
Xa xa bóng cọ nghiêng chào
Hoa sim tím ngát để xao xuyến lòng
Tôi về lại phố bên sông
Đâu con thuyền nhỏ bềnh bồng êm trôi
Đâu ngôi nhà cũ của tôi
Bên ô cửa nhỏ mẹ ngồi đan len
Đâu rồi bóng chị cùng em
Nô đùa nghịch ngợm ở bên gốc bàng
Bóng cha về dưới chiều vàng
Bóng anh tôi chạy cùng đàn trẻ chơi
Bao nhiêu hình bóng xa xôi
Hãy cùng tôi nhé về nơi hẹn hò
Bạn bè tôi nữa bây giờ
Có ai còn đó để chờ tôi không?
Bóng thời gian phủ mênh mông
Ngày xưa ơi mãi ở trong tim này.”
Thơ của em tôi: Vũ Thị Thúy Hồng
KÝ ỨC
Năm 1961, gia đình tôi chuyển về Thị xã Phú Thọ. Trong con mắt của đứa bé ba tuổi như tôi, thị xã Phú Thọ lúc ấy tuyệt đẹp. Buổi tối, ngồi trên càng chiếc xe đạp Lincon của bố vào bệnh viện thăm mẹ tôi vừa sinh em bé, hình ảnh những con phố nhỏ sạch sẽ với vạch sơn phân làn đường, những hàng cây, những nếp nhà lá vàng ánh điện còn đọng lại trong tim tôi đến tận bây giờ.
Khi mới chuyển về, chưa mua được nhà, nhà tôi phải ở nhờ nhà bà Phòng, sau đó chuyển đến Ty Lâm nghiệp (cơ quan bố tôi đang công tác), rồi lại từ Ty Lâm nghiệp, chuyển về ở nhờ nhà bác Chuẩn Chứ, để tiện làm nhà trên mảnh đất mới mua ngay cạnh nhà bác. Tôi còn bé quá, nên chưa hiểu được nỗi khổ của những người phải đi ở nhờ, sau này, chỉ nghe mẹ tôi mỗi khi nói về bác Chuẩn lại khen lòng tốt của bác, bởi mùa hè nóng bức, cánh thợ cũng đang ở nhờ nhà bác Chuẩn, cứ đến tối lại đốt lửa đun nấu đùng đùng trong gian bếp gia đình tôi đang ở, bác Chuẩn phải xuống quát “Các ông các bà có tắt lửa đi không, để các cháu còn ngủ chứ!”.
Gian bếp nhà bác Chuẩn chật, buổi tối, chị Yến, chị Mai và anh Cường tôi thường phải sang ngủ nhờ nhà bác Đốc, trong cửa hàng Lâm thổ sản cạnh nhà bác Chuẩn. Có lần, anh tôi ngủ mê, đang đêm chạy ra ngoài, lội vào cả mấy chục thùng sơn ta, đang bày trong cửa hàng, tôi chỉ thấy mọi người giúp tẩy sơn dính đầy đến đùi anh tôi, chẳng thấy nói gì đến chuyện bắt đền …
Phố nhà tôi ở ngày ấy gọi là phố Sông Thao. Dãy phố dài khoảng một cây số, một đầu là thư viện của thị xã, đầu kia là xưởng xẻ. Nhà nằm giữa phố, một bên là nhà bác Chuẩn Chứ, bên kia là nhà bác Học, nhà có cụ bà, vợ chồng bác Học và anh con trai cũng tên là Thịnh. Kế đến là nhà ông bàThanh Thỏa, nhà bác Chiểu rồi đến nhà cô Nhật… phía bên kia phố là dòng sông Thao mênh mang sóng nước. Tối mùa hè, dòng sông lấp lánh ánh trăng, ông bà Học và anh Thịnh – con trai của ông bà thường đem ghế ra hè ngồi hóng mát dưới gốc cây bàng trước nhà. Bọn trẻ chúng tôi thường chia làm hai nhóm chơi quanh cột đèn trước nhà bác Chuẩn. Nhóm con gái có chị Vân, cái Thuận, cái Bảo… chơi dung dăng, dung dẻ, còn nhóm con trai hay tập trận giả hoặc trốn tìm.Vừa chơi, vừa chộp bắt bọn châu chấu bay về tìm nguồn sáng. Có hôm, còn bắt được cả cụ dế mèn to đùng. Chiều hè, sau cơn mưa rào, thị xã sạch bong. Nước mưa trong veo chảy trong các cống ven đường như những dòng suối nhỏ. Lúc ấy, tôi thích đi trên hàng gạch bó miệng cống theo dòng nước, vừa đi, vừa đếm số gạch từ 1, tới 100. Chị Ngân, con bác Đốc chạy ra bế tôi lên và véo má (ừ, mà chẳng hiểu sao, hồi đó tôi chưa đi học mà biết đếm đến 100).
Hàng ngày, mẹ tôi tần tảo đi làm thuê nuôi chúng tôi. Hồi còn ở ty Lâm nghiệp, mẹ tôi sang trường Sa Đéc trông con cho các thầy cô giáo. Nhà trẻ bé tý, chỉ có bốn nhóc với những tên thật đẹp và ghép thật vần: Thu Lý, Thúy Hồng, Mạc Phi, Duy Linh. Có lần, tôi theo mẹ sang trường chơi, đến nhà cô Qui, tôi thích mê mô hình có hàng cột điện bé tí xíu đặt trên bàn. Chuyển về phố Sông Thao, mẹ tôi đan len thuê. Mấy anh em chúng tôi bé quá, chẳng giúp được gì cho mẹ, thường dẫn nhau đi chơi khắp thị xã. Hai anh em chúng tôi, đứa 6 tuổi, đứa 4 tuổi, dắt nhau đi khắp các phố. Chúng tôi ra vườn hoa, vào xem giếng Cóc. Kiễng chân nhòm 5 vết ngón chân khổng lồ dưới đáy giếng rỗi cưỡi lên hai ông cóc đá bên giếng. Có những buổi tối, hai anh em dắt đến tận ty Lâm nghiệp, xem văn nghệ. Xem xong, lại dắt nhau về, trong tay là vỏ hộp diêm có chú dế cụ, thỉnh thoảng lại phóng càng, đạp tanh tách vào vỏ hộp. Có tối, ra vườn hoa chơi, khi trở về, cố nán lại nghe các bác họp dân phố ở ven đường bắt nhịp hát:
“Râu tôm mà nấu ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon
Hò lơ, lơ lí lơ, lắng tai nghe tiếng ai hò lờ…”
Thị xã luôn bình yên…
Những sáng mùa thu đẹp trời, chúng tôi hay sang đường chơi trên bờ sông trước cửa nhà, đứng xem các anh họa sỹ đến vẽ bến đò ngang hay tìm cỏ gà trên bãi cỏ trước nhà Triển lãm để chơi. Những trưa hè, trời nắng, tôi hay đứng ở hiên nhà nhìn rặngvải chín đỏ bên kia sông, đoàn người tan chợ vừa qua đò, quang quang, gánh gánh chạy lúp xúp trên bãi cát bồi để đỡ bỏng chân.
Tôi cũng thích ra xem anh Kỳ, con bác Chuẩn câu cá ngạnh ở sông bằng câu quăng. Hay vác cần câu ra câu tôm cùng với bọn con nhà thuyền chài, dù tôi chẳng bao giờ câu được con nào trong khi bọn chúng câu hết con này đến con khác. Câu xong, bao giờ bọn chúng cũng ném mồi thật xa để dấu nghề.
Tiếng là ở phố, bọn trẻ chúng tôi cũng chẳng có nhiều trò chơi, ngoài đánh khăng, đánh đáo, mùa vải chín, chúng tôi thường lượm hại vải làm quay để chơi. Những con quay hạt vải được ngâm bùn quay tít. Nhà bác Học có một chiếc bàn gỗ, hàng năm được sơn lại bằng sơn ta bóng loáng. Một lần, tôi theo mẹ sang nhà bác Học chơi, đang lúc mẹ tôi và bà cụ đang mải chuyện trò, tôi đánh quay lên mặt bàn nhẵn bóng. Chưa bao giờ tôi lại thấy quay tít thế, hai bà giật mình kêu to, tôi vội vơ quay chạy biến…
Bao năm trôi qua từ ngày ấy, những hình ảnh của tuổi thơ luôn trong tim tôi trên suốt đường đời. Năm 2004, lớp tôi về kỷ niệm ngày thành lập trường. Tôi dậy từ bốn giờ sáng, đi dọc bờ sông về nhà mình, lắng nghe tiếng lao xao ở cổng chợ Mè của những người đi chợ sớm, cố tìm thấy những tiếng động thân quen của thời thơ bé. Lòng dạ nôn nao, mong nhìn thấy dáng mẹ ngày nào…
Năm 2015, cũng trong đợt về thăm trường, chiều tối, trước khi về Hà Nội, tôi trở lại nhà mình. Nhà đã nhiều lần đổi chủ. Mảnh đất nhà tôi xưa đã bị cắt ra bán cho nhiều chủ. Phần chính của nhà được xây 3 tầng, tầng một để bán cà phê. Chủ nhà là một bác sĩ trẻ, vui vẻ tiếp chuyện tôi. Tôi cố gắng lắm, nhưng chẳng tìm được nét gì của ngôi nhà thân yêu thời thơ bé. Bâng khuâng trở về, tôi chợt nhận thấy, con đường bờ sông sạch sẽ ngày nào, nay sao nhiều rác…
Vẫn biết rằng, mọi việc trên đời đều phải đổi thay. Nhưng sao tôi vẫn ước ao THỊ XÃ TUỔI THƠ của tôi giữ được những nét đẹp yên bình xưa như, những hình ảnh thời thơ bé đã chẳng bao giờ phai trong trái tim tôi.
Hà nội, ngày 26/5/2017.
Facebook Thinh Vu Dinh
https://www.facebook.com/PhuThoTown/posts/1896127163737718
Comments 2