Năm lên 6 tuổi, tôi đi học vỡ lòng. Buổi đầu, mẹ dắt tôi đến lớp. Đường đến lớp phải đi qua nhà bác Chuẩn, rẽ phải qua cửa hàng Lâm Thổ Sản, qua mấy nhà nữa, cuối cùng qua nhà ông Tô méo là đến lớp. Toàn bộ đoạn đường chỉ hơn trăm mét, hè rộng, sạch, phủ bóng cây xanh. Nỗi sợ duy nhất trên đường đến lớp của tôi là qua cửa nhà ông Tô méo. Ông Tô méo nghiêm nghị, hét ra lửa. Mẹ kể, hồi anh tôi học vỡ lòng, qua cửa nhà ông Tô, nhõng nhẽo, ông Tô chạy ra quát “Được đi học tại sao mà phải khóc”, anh tôi sợ khiếp vía, hết nhõng nhẽo từ đấy. Trong suốt thời gian học vỡ lòng, tôi không bị ông Tô quát lần nào, nhưng rất sợ đàn ngỗng sư tử nhà ông Tô. Con ngỗng sư tử đực to lớn, hung hăng, thấy tôi đi qua là sẵn sàng vươn dài cổ lao ra cắn giữa tiếng cà kíu cổ vũ ầm ĩ của lũ ngỗng cái. May sao, trong suốt năm học, tôi không bị nó cắn lần nào.
Lớp học nằm trong một ngôi chùa, đối diện cổng chợ Mè. Cổng chùa, có một ngôi miếu nhỏ, qua cổng vào ngay sân chùa, sâu phía trong là vườn chùa với ngôi nhà ngang của cụ Tự. Hồi chúng tôi học, chùa được chia làm hai phần, gian hậu cung luôn đóng cửa kín mít, bày các tượng phật để thờ cúng, chỉ có cụ Tự vẫn vào quét dọn hàng ngày. Ba gian ngoài rộng rãi, với các cột gỗ to, được dọn sạch sẽ để làm lớp học cho bọn trẻ chúng tôi. Cô giáo của chúng tôi là cô Chi, phố tôi vẫn thường gọi là cô Chi Gòong, cách gọi ghép tên cô với tên của mẹ cô Chi.
Tôi đến lớp muộn, Cô Chi chạy ra ngoài đón tôi vào lớp, xếp tôi ngồi bàn đầu ngay cạnh cái Xe. Cả lớp đang học bài đầu tiên. Buổi đầu, chỉ học hai chữ cái “a” và “c” và học đánh vần “a, cờ , cờ a ca”. Cô gọi tôi lên bảng đọc và đánh vần, nhưng tôi xấu hổ, không lên bảng dù cô đã xuống dắt tay tôi. Tôi níu chặt lấy bàn, quyết không đi. Co kéo với học trò chẳng được, cô phải lần lượt gọi cái Hương và thằng Hùng là hai đứa con cô lên bảng. Chúng nó tay chỉ, miệng đọc “a, cờ, cờ a ca” ro ro…
Tất cả rồi cũng quen dần, mỗi buổi đến lớp đều có niềm vui. Mỗi chiều đi học, tôi xách tòng teng chiếc túi xách cũ của các chị và anh chuyền lại, túi được may bằng những miếng vải vụn hình tam giác màu xanh, đỏ, có hai quai, có thể khoác vào vai, cũng có thể xách bằng tay. Trong túi, ngoài bảng đen, bút, phấn, chỉ còn một quyển vở kẻ ô ly và cuốn sách tập đánh vần mỏng dính. Đàn ngỗng sư tử nhà ông Tô nếu không đi ăn, thường bị nhốt trong vườn nhà, nên tôi thường an toàn đến lớp. Sân chùa rộng, cụ Tự đã quét sạch bóng. Lũ học trò đến lớp sớm tha hồ nhảy nhót. Cây Ngọc Lan trong sân chùa thỉnh thoảng thả xuống sân vài bông hoa, chúng tôi lao vào nhặt, chí chóe, ầm ĩ, nhưng cụ Tự chẳng bao giờ mắng. Hoa Ngọc Lan bỏ trong túi áo ngực thơm lừng…
Từng ngày, từng ngày, chúng tôi học từng chữ, từng bài. Từ những bài tập đánh vần “con dê kêu be be” trong những buổi đầu, đến những bài dạy giản dị:
“Con ong nho nhỏ
Lưng nó cong cong
Đi khắp cánh đồng…”
Nhiều bài trong đó, đến tận bây giờ vẫn đọng lại lung linh trong tôi:
“Bướm em hỏi chị
Chị ơi vì sao,
Hoa hồng lại khóc?
Không phải đâu em,
Đó là hạt ngọc!
Người gọi là sương,
Sao đêm gửi xuống
Tặng cô hoa hồng!”
Khi đọc bài này, Chị Mai tôi thích lắm, đã sửa lại hai chữ cuối của bài thơ tặng cho em gái tôi:
“Đó là hạt ngọc!
Người gọi là sương
Sao đêm gửi xuống
Tặng cô Thúy Hồng!”
Rồi những tiết kể chuyện, chúng tôi đắm mình trong thế giới thần tiên với những khỉ con, hươu con, thỏ con… sống động, nhân văn. Để sau này, mỗi khi gặp lại lũ ấy ngoài đời, tôi như được gặp lại những người bạn cũ.
Tôi cũng có người bạn thân đầu tiên: thằng Nghĩa, một thằng cu mặt vuông to, người đậm chắc. Chẳng hiểu sao, nó lại thích chơi với tôi…
Bài học trên lớp không nhiều, về nhà, chỉ cần ít phút ôn lại là nhớ. Vậy mà, tôi không hiểu sao, đám con gái phố tôi lại hay ôn bài thế. Lúc thì chị Vân, cái Thuận trải chiếu ngồi túm tụm trên hè, đồng thanh đọc rất to:
“Đêm qua gió mát ngoài hiên.
Có anh bạn Tí ngủ quên mắc màn
Họ nhà muỗi rủ nhau sang
Giương vòi ra đốt anh mang bệnh liền
Thế rồi sốt rét liên miên”.
Có hôm, cái Bảo còn cao hứng, đem sách đứng tựa cây phượng trước nhà, đánh vần ra rả hết bài này đến bài khác. Nó đọc to hết cỡ, đến mức, tôi đứng cách xa dăm chục mét, vẫn nghe rất rõ. Đã thế, lại còn đánh vần từng chữ, từng từ mới chết chứ. Khi nghe nó lảnh lót “ô-i-ôi, t-ôi-tôi, a l-a la huyền là, â-y ây, c-ây cây, u-a ua, l-ua sắc lúa…”, tôi đồ rằng, nó chỉ khoe mẽ thế thôi, chứ thực ra, khi ấy bọn tôi đã có thể nhìn mặt chữ mà đọc luôn rồi, cần gì phải đánh vần à uôm, lâu như thế.
Lũ con trai thì chẳng thấy chăm học thế, chẳng biết ban ngày chúng làm trò gì, tối đến, chỉ thấy chơi. Hết trận giả lại đuổi bắt… Một lần, thằng Quang con cô Nhật còn kéo lũ con nhà ông bà Thanh Thỏa thách tôi ra đấm nhau, vì trước đó, tôi có khoe với anh Cường, vật thì tôi thua Quang, nhưng đấm nhau thì tôi được nó. Chuyện chỉ có thế, nên nó quyết gặp tôi bằng được để so tài cao thấp… Một lần khác, thằng Long, cháu bác Học, cùng với cái Dung em gái nó sang chơi. Chẳng hiểu chuyện trò thế nào, tôi với nó lại chia tay bằng trận ẩu đả. Tất nhiên, lần này trận chiến chỉ dừng lại mức thằng Long đi vài bài cước, đá tung cây gậy ghép bằng suốt sợi của tôi, chứ tôi chẳng dại gì tỷ thí với nó vì nó to khỏe hơn tôi nhiều.
Khi không học, có thể đi quanh các phố. Qua chùa, có một ngã ba, rẽ vào một phố mà trước kia tôi ít vào. Phố đi qua sau Chùa, bắt đầu là nhà bác Thẳng, một ngôi nhà lá trát toóc-xi xinh xắn, mảnh vườn trước nhà được rào bằng hàng rào nứa thấp tịt ngang đầu gối, chắc chỉ để trang trí. Tôi thường thấy bác Thắng ngồi uống trà trong nhà, ngay cả trong lúc uống trà, trông bác cũng nghiêm trang, đạo mạo. Nhiều năm sau này, khi vẽ nhà cửa, tôi hay vẽ theo mẫu nhà bác Thắng, điểm thêm vài cây ăn quả thường thấy ở nông thôn vào đầu nhà. Đi vào sâu hơn, sẽ tới nhà cô Chi, nhà cô cũng vườn, cũng sân, nhưng không đẹp bằng nhà bác Thắng. Tôi không vào nhà cô, chỉ đứng ngoài cổng ngó, thấy cái Hương đang bưng bưng, bê bê, dọn dẹp. Đến phố nhà cái Xe thì cứ đi thẳng qua đường rẽ ở sau chùa, đến ngã tư, rẽ phải. Nhà nó một ngôi nhà lá nhỏ, có một cửa sổ kiểu cửa liếp. Nghe nói, cái Sĩ chị cái Xe bị đao, đầu to tướng không đi lại được. Tôi đứng ngoài ngó qua cửa sổ, chẳng thấy gì ngoài một cái giường buông màn…
Một buổi, tôi đến lớp sớm. Trong lớp chỉ có cái Xe và thằng Bảo, tôi đang lúi húi cất sách vở bỗng thấy Bảo nhảy dựng lên và chạy tuốt ra sân. Tôi ngẩng lên và điếng người, hóa ra cửa vào gian thờ bên trong đã mở từ lúc nào, hai ông hộ pháp to lớn, dữ tợn lừng lững ngay cạnh cửa. Tôi và cái Xe cũng vọt ra sân. Thì ra, cụ Tự đã mở cửa gian thờ và đang quét dọn trong đó.
Một buổi khác, khi học, cảm thấy có gì là lạ, thì ra, cô Chi đã bịt vàng hai răng cửa. Hình như, bịt răng vàng là mốt thời bấy giờ…
Mọi chuyện hàng ngày cứ diễn ra bình dị như thế… cho đến khi bóng đen chiến tranh dần hiện ra ở cuối năm học. Đầu tiên là không khí trong thị xã Phú Thọ bình yên của tôi dần đổi khác. Đi chơi ở vườn hoa, tôi thấy các anh chị thanh niên tập quân sự trước của tòa nhà thị chính. Rồi một hầm tăng xê dài xuất hiện trong vườn chùa. Chúng tôi còn bé quá để có thể hiểu được những điều khắc nghiệt đang dần đến với thị xã của mình. Mỗi buổi học, chúng tôi vẫn đến sớm nhảy nhót trên miệng tăng xê để giành nhau những quả dâu chín rơi trong vườn chùa hay cả dưới lòng hào…
Năm học kết thúc, chúng tôi chia tay nhau mà không biết rằng, chỉ ít ngày nữa, mỗi đứa sẽ tan đi một ngả và vĩnh viễn chẳng được gặp lại nhau. Một buổi trưa đầu hè, tôi đang chạy sang bờ sông trước cửa nhà, gặp cu Nghĩa từ phía xưởng xẻ đi qua nhà tôi. Nó cười toét miệng, dúi vào tay tôi một món quà… đó là một quả cà độc dược, thứ cà dại mọc rất nhiều dọc bờ sông phố nhà tôi. Đó là đứa bạn thân, cũng là đứa bạn cuối cùng trong lớp chia tay tôi.
Nhiều năm sau, tôi trở lại ngôi chùa – lớp học đầu tiên của thời thơ ấu. Ngôi miếu trước cổng chùa đã bị phá, phần chùa ngày xư a dành làm lớp học cũng không còn, chỉ còn ba gian hậu cung phía sau. Tôi không vào, sợ phải chứng kiến thêm sự thiếu vắng, hoang tàn nữa…
Lớp học không còn, nhưng những hạnh phúc bình dị trong những buổi học tuổi ấu thơ đã gieo vào tâm hồn chúng tôi những mầm thiện và kịp đâm chồi, không còn chỗ cho cái ác gieo rắc và nảy sinh… Niềm hạnh phúc đó của đời người không phải người nào cũng may mắn có.
Phần I: Ký ức về thị xã tuổi thơ
Tác giả: Facebook Thinh Vu Dinh
Bài viết được đăng trên fanpage thị xã Phú Thọ
https://www.facebook.com/PhuThoTown/posts/1909408425742925
Comments 1