Kể từ khi bước chân vào đại học và thoát ly vào Sài Gòn, tôi đã xa Thị xã Phú Thọ, xa gốc đa trên 40 năm, nhưng trong ký ức vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm về tuổi thơ đã trôi qua êm đềm dưới gốc đa ấy.
Số 1 phố Nguyễn Du nhà tôi ở đó, ngay dưới gốc cây đa này (bây giờ là nhà Truyền thống TX Phú Thọ). Đó là một con phố trung tâm chạy giữa lòng Thị xã bắt đầu từ gốc đa xuống đến đồn Công an. Bây giờ người ta đã đặt lại tên đường, tên phố hình như là Tháng Tám thì phải, tôi tra bản đồ trên google thì thấy ghi như vậy. Khi tôi lớn lên và nhận thức được thế giới xung quanh thì cây đa đã sừng sững như tự thủa nào.
Tán đa rất rộng phủ kín cả một góc phố, nên về mùa hè nhà tôi luôn được che chở bởi bóng mát của nó. Những trò chơi trẻ con đậm chất nhà quê cũng bắt đầu từ cây đa. Đầu tiên là những chiếc lá được làm thành những chú nghé ọ một cách rất đơn giản mà bất cứ đứa trẻ nào cũng làm được; cắt xéo từ hai bên vào hoặc lấy tay xé từ từ theo gân lá cách phía dưới cuống khoảng 1cm để làm hai cái sừng, cuộn tròn phần thân lá còn lại và buộc một sợi dây vào đầu cuống lá luồn qua bụng lá kéo ngược ra phía sau, giật giật mấy cái là đã có một chú nghé ọ ngọ nguậy trông rất dễ thương. Trò chơi thứ hai là lấy những búp lá đa già hơi heo héo, xoe xoe trong lòng bàn tay cho bong lớp da bên ngoài rồi thổi phồng lên cho đến khi bể ra kêu cái bốp, là cũng cảm thấy sung sướng lắm rồi. Đặc biệt khi cho vào miệng thổi, búp đa có vị chua chua dễ chịu, nếu ăn được cũng chẳng sao.
Ở gần cây đa cũng có cái lợi, lá cây đa là nguồn chất đốt bổ sung rất tốt cho nhà tôi trong thời buổi bao cấp khó khăn “gạo châu, củi quế” khi ấy. Vào mùa lá rụng, bố tôi thường dậy sớm quét lá đa hốt lên hè phố phơi mấy nắng cho khô, rồi dồn vào một cái sọt tre to để đun dần. Có hôm lá chưa kịp khô đem nấu cơm mà nước mắt cứ cay xè vì khói. Mỗi năm tết đến, tôi còn nhớ thường là ngày 28 hoặc 29 tết ngay dưới gốc đa trước cửa nhà tôi, mấy nhà đầu phố gần nhau hay góp vài cân gạo nếp để gói bánh chưng và nấu chung bằng một cái thùng tôn to đùng, chứa được khoảng 20 cái. Bánh được nấu từ lúc 5 hoặc 6 giờ chiều hôm trước và phải đủ 12 tiếng, để đến sáng hôm sau vớt ra là vừa. Thú vị nhất là mấy anh em tôi được ngồi trông bánh qua đêm để châm thêm củi cho đủ độ sôi và châm thêm nước để không bị cạn. Trời mùa đông ngồi bên cạnh bếp được bắc bằng mấy cục gạch, lửa lúc nào cũng đỏ hồng, nóng sực nên không thấy rét là gì; về khuya mấy anh em còn lùi thêm mấy củ khoai lang hoặc mấy bắp ngô nướng ăn cho ấm bụng. Mỗi khi nhớ lại, tiếng lửa cháy kêu lép bép, mùi cháy cạnh của khoai và ngô có cảm giác còn thơm bùi cho đến tận bây giờ…
Xung quanh cây đa còn có những câu chuyện nghe ớn ớn. Người lớn hay nhát “Thần cây đa, ma cây gạo” nên bọn trẻ con chúng tôi sợ lắm. Trước kia không biết từ khi nào, ngay cạnh cây đa người ta xây một ngôi miếu, không rõ thờ cái gì, rễ đa theo thời gian buông xuống cuốn theo hình mái ngói của ngôi miếu. Tuy nhiên sau ngày hòa bình lập lại, vào khoảng những năm 1961,1962 gì đó để xây dựng đời sống mới và bài trừ mê tín dị đoan, bên ban văn hóa Thị xã đã cho người phá ngôi miếu. Nghe anh tôi kể lại không ai dám vào phá, duy nhất chỉ có một bác xung phong (anh tôi còn nhớ tên của bác, nhưng không tiện nêu ra ở đây); đang đục phá thì bác bị xà beng bật ngược trở lại dội vào ngực dẫn đến bị chấn thương và sau này cứ ốm lên, ốm xuống mãi. Người tin có thần linh cho rằng bị quả báo, người không tin cho là ngẫu nhiên do người đời thêu dệt lên. Tiếc quá! bỏ qua những chuyện hoang đường giá như ngôi miếu còn đến bây giờ, thì có phải càng làm tăng thêm vẻ cổ kính và linh thiêng cho cây đa không. Tôi đã nhiều lần trèo lên gốc đa và nhìn thấy những phế tích của nó còn mắc trong những hốc cây như mảnh bát hương có hoa văn màu xanh lam, mảnh ngói màu nâu đỏ, mảnh âu nhựa dùng để đựng hoa quả màu vàng… Đến tận bây giờ rễ đa vẫn còn giữ nguyên khung hình của ngôi miếu, tạo thành một lối đi ở giữa thân cây đa. Còn một chuyện nữa, thi thoảng vào những đêm khuya khoắt lạnh lẽo, không biết từ đâu chim lợn bay về kêu eng éc suốt đêm trên ngọn đa nghe sởn gai ốc. Mẹ tôi bảo rằng, mỗi khi chim lợn kêu là điềm báo thể nào hôm sau trong Thị xã cũng có người chết. Lúc đó chỉ còn biết chùm chăn kín mít và ngủ thiếp đi mà thôi.
Những câu chuyện tuổi thơ không đầu, không đuôi như vậy cứ in đậm trong tâm trí của tôi và theo thời gian cây đa đã trở thành nhân chứng lịch sử của các thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở Thị xã Phú Thọ. Người Phú Thọ gọi tên cây đa một cách trân trọng là Cây đa lịch sử vì nó gắn liền với sự kiện ngày 1/5/1940 những người cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đã treo lá cờ đỏ búa liềm lên cây đa này để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Về nguồn gốc cây đa tôi cho rằng ít nhất cũng phải có tuổi đời bằng với tuổi của Thị xã, tức là khi người Pháp lập nên Thị xã từ làng Phú Thọ (tên cổ gọi là làng Mè) vào năm 1903, hẳn nhiên lúc đó làng đã có cây đa này rồi.
Qua trang tin Thị xã Phú Thọ.net tôi được biết Văn phòng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã nhận được hồ sơ đăng ký của anh Đoàn Việt Tiến, Tổ chức Hành động vì môi trường (AFEO) thay mặt bà con Phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ gửi hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng công nhận Cây đa lịch sử, có tuổi hơn 100 năm, chu vi 18,5m, chiều cao gần 30m tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ là cây Di sản Việt Nam, cần được bảo vệ nghiêm ngặt và chăm sóc đặc biệt. Tôi ước mong Cây đa của tuổi thơ tôi, của Thị xã Phú Thọ sẽ sớm được công nhận là Cây di sản Việt Nam; tôi cũng mạo muội nghĩ rằng giá như Thị xã cho phép khôi phục lại ngôi miếu để các ngày lễ tết, người dân và người đi xa về có chỗ thắp nhang tưởng nhớ các bậc tiền nhân và tôn vinh Cây đa này thì hay biết mấy./.
P/s: Hưởng ứng loạt bài chia xẻ ký ức tuổi thơ TX Phú Thọ của bạn tôi facebook Thinh Vu Dinh.
>>> Ký ức về thị xã tuổi thơ, Phú Thọ quê mình.
Bài viết của tác giả: Tuan Nguyen tại Fanpage Thị xã Phú Thọ:
https://www.facebook.com/PhuThoTown/posts/1919397134744054