Năm 64, khi phía chân trời đang hiện dần lên bóng ma của chiến tranh, thị xã của chúng tôi vẫn trong những ngày bình yên…
Tháng 5, thị xã tưng bừng kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một tấm bản đồ rất to được dựng ở đầu Triển lãm, đối diện nhà bác Chuẩn, tôi đứng ở hè bên này nghe lõm bõm người ta thuyết minh cho khách ghé qua xem, “… giai đoạn 1, giai đoạn 2…”.
Chưa biết chữ, tôi nằm bò bên cạnh anh Cường để vừa xem, vừa nghe đọc cuốn truyện tranh về Điện Biên Phủ, thích mê những cảnh bộ đội hành quân kéo pháo, ảnh các anh Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, cảnh bộ đội chiến đấu…. Triển lãm đang mở cửa, tôi xỏ giày ba ta, đi theo chị Yến xem. Đi đứng thế nào, vừa đến cửa triển lãm, bị chiếc guốc cao gót của chị Yến quệt phải gót chân, đau quá, phải bỏ cả xem, mò về. Buổi tối, chiếu phim Tây Du ký tại bãi cỏ trước của triển lãm, tôi đi xem, thấy Tôn Ngộ Không biến hóa, nhảy nhót với cây gậy sắt lúc hóa to, lúc thu nhỏ …
Ngày 1/6, mẹ dắt chúng tôi ra Cửa hàng Bách hóa tổng hợp mua cho chúng tôi mỗi đưa một món quà. Tôi được một con thỏ nhựa, nửa đỏ, nửa vàng, anh Cường được một con vịt hồng, cánh xanh, mỏ vàng, có bốn bánh xe, có thể chạy được khi lên dây cót. Hồng cũng được một món quà , nhưng tôi không nhớ rõ là con gì. Trừ con vịt của anh Cường chạy một thời gian thì gẫy bánh, toàn bộ các con vật còn lại đều được giữ gìn nguyên vẹn và luôn là những người bạn thân thiết theo chúng tôi suốt thời thơ bé.
Những năm trước, cứ hè về, mẹ lại đưa chúng tôi về Yên Bái thăm bà ngoại. Bà tôi đã ngoài 80, tóc bạc trắng. Bà sống với vợ chồng bác Khánh, anh trai mẹ tôi tại một trang trại tại xã Cổ Phúc, Trấn Yên, Yên Bái. Các anh, các chị con bác cũng sàn sàn tuổi chúng tôi. Vì vậy mỗi lần về chơi, chúng tôi tha hồ chạy nhảy, tìm ổi chín ngoài cổng, tìm dứa chín trên đồi, chẳng kể gì cái nắng chang chang giữa các buổi trưa hè. Tối đến, chúng tôi tụ tập trên sân hát những bài mà trẻ con thời ấy đứa nào cũng thuộc
“Sáng hôm nay
Anh tôi vác cuốc
Vác cuốc ra thăm đồng
Anh cuốc như thế này
Là anh cuốc như thế kia
Như thế này là như thế kia…”.
Một lần tìm dứa, chị Kim và chị Yến xách dao lên nương dứa trên gò, lũ chúng tôi, đứng dưới chân gò, ngóng cổ đợi. Khi hai chị cắt được một quả dứa to, chín vàng, xách tai dứa giơ lên, lũ chúng tôi đứng dưới sung sướng reo hò. Chị Kim ném quả dứa xuống, cả lũ đâm bổ lại, nhưng tất cả bị tẽn tò vì quá dứa đẹp mã đã bị sóc moi ruột ăn rồi. Hai chị nhìn chúng tôi chưng hửng, cười phá. Mỗi lần thấy chúng tôi bêu nắng, bà thường cầm một roi tre, lẳng lặng ra ngồi dưới gốc mít đầu nhà, gọi chúng tôi về. Khi cả lũ đã về đủ, bà bảo “Tí Hồng đâu, lại đây với bà”, đợi cái Hồng em tôi lách chách lại ngồi cạnh bà xong, bà đét cho mỗi đứa còn lại một roi. Tôi bé nhất hội, thường được bà tha bổng…
Hè năm ấy, chúng tôi không về thăm bà, mẹ cho chị Yến dắt chúng tôi về Hà Nội, vừa đi chơi, vừa về ăn cưới chị Phú, con bác Giáo, anh cả bố tôi. Cái Hồng bé nhất phải ở nhà với mẹ. Chị Yến dắt ba chị em chúng tôi đi, cùng với món quà biếu bác là một con gà mái tơ to, đẹp mỡ màng và một quả mít dai rất to, tròn, gai đều tăm tắp mà mẹ đã phải chọn rất công phu ở chợ Mè.
Xuống ga Hàng Cỏ, bốn chị em lên tất cả một chiếc xích lô đi về Đội Cấn, tới nhà ông bà Chi Thành, bạn mẹ tôi hồi nhỏ. Bác xích lô dặn chở thế này là quá qui định, nên khi gặp công an, phải lấy nón che tôi lại để không bị phạt. Xe về tới Lê Hồng Phong, thấy một anh công an đang đứng gác tại cổng một cơ quan nào đó. Tôi hô to “Công an”, ý muốn cho bác xích lô che tôi đi. tất cả phì cười.
Chơi ở nhà ông bà Chi Thành mấy ngày, chúng tôi về nhà bác. Nhà bác tôi ở khu tập thể của ngành giáo dục tại làng Tám, Giáp Bát. Hồi ấy, vùng này còn rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Cả nhà rất thích những món quà của mẹ tôi, ngay lập tức, quả mít được đem ra phơi nắng cho chóng chín. Trước khi ăn cơm, tôi cùng anh Cường, và cu Tuấn , con anh Uông ra trêu chó của nhà hàng xóm, vừa bị chó đuổi, vừa bị mắng khi về nhà. Trưa hè, nắng nhức nhối, khác hẳn những trưa hè mát mẻ tại phố nhà tôi. Tôi không quen ngủ trưa, ngồi ở đầu nhà nghe anh Uông đọc truyện cho cu Tuấn. Cu Tuấn cũng bằng tuổi tôi, chưa đi học, nhưng chắc nó đã được nghe bố đọc truyện nhiều lần nên khi anh Uông trêu nó đọc “cái thùng biết bay” thành “cái thúng biết bay” thì nó cãi liến thoắng. Buổi chiều, khi các anh chị về đông đủ, bổ mít, thì ôi thôi, đấy là quả mít non, dù bề ngoài rất đẹp mã. Cu Tuấn tiếc rẻ, cứ gặm mấy múi mít sượng.
Cưới chị Phú xong, mấy chị em lại qua nhà ông trẻ Tu ở phố Quang Trung rồi trở về nhà ông bà Chi Thành. Hà Nội mười năm sau giải phóng cũng yên bình như thị xã của chúng tôi. Chị Hà, con ông bà Chi Thành, đưa chúng tôi đi chơi khắp nơi. Có lần, chị Yến mải chọn chỉ thêu của mấy đứa bé bán hàng dong trước cửa ga Hàng Cỏ, nhỡ cả tàu điện. Chúng tôi ngồi trên tàu điện, cuống cuồng gọi, nhưng không kịp, chị phải lên chuyến sau trở về…
Hết ở Hà Nội, mấy chị em lại dắt nhau về quê nội ở Thị xã Bắc Ninh, chơi ở nhà hai bác gái. Nhà Bác Năm tôi ở ngay đầu thị xã, gần Suối Hoa. Nhà tựa lưng vào đường tàu, quay mặt ra đường quốc lộ. Trước và cạnh nhà là một mảnh vườn rộng, Bác chỉ mảnh vườn bảo ”bác dành mảnh đất cho bố chúng mày, bao giờ về quê xây nhà”. Bên kia đường là một cánh đồng, thiếu một dòng sông, nên mùa hè nóng bức. Cơm nhà bác thường chỉ có muối vừng… tôi được mẹ chiều, quen ăn ngon, ăn cơm muối vừng không nuốt được. Bác mắng “tại mẹ chúng mày chiều nó quá”…
Hết hè, chúng tôi trở về nhà. Năm ấy, tôi bắt đầu đi học, còn anh Cường đã học lớp 2. Rồi tôi cũng biết đọc, biết viết và biết tự đi mua cho mình vài thứ cần thiết. Khi thì mua một ngòi bút, khi thì mua cuốn vở, và có lần ra hiệu sách mua cuốn vần vỡ lòng tập bốn. Một cuốn sách mỏng, ngay trang đầu có một bài thơ giản dị, vẫn mãi còn trong trí nhớ tôi
“Cây hồng nho nhỏ
Mới nhú chồi xinh
Em cào sạch cỏ
Cho cành tươi xanh…”.
Đầu năm 65, ngày mùng 2 tết thị xã Phú Thọ bị cháy mất hơn trăm nóc nhà. Nơi bị cháy, đâu như ở phố Cao Bang, Lê Đồng, gần nhà bác Cầu và bác Kế. Đứng ở bến đò ngang trước nhà chúng tôi, cũng thấy rõ ngọn lửa bốc lên trời, tiếng kẻng báo động, tiếng người nháo nhác gọi nhau đi chữa cháy. Bác Cầu phải cho thằng Căn, thằng Hưng sơ tán ra ở đầu nhà triển lãm bên phía nhà tôi. Chúng đứng ở bãi cỏ trước triển lãm, nhấp nhổm ngóng về. Mẹ tôi chạy ra bảo chúng vào nhà, nhưng chúng không chịu. Đám cháy rồi cũng được dập tắt. Nhà bác Cầu, bác Kế không việc gì.
Thị xã lại nhanh chóng trở về với cuộc sống thường ngày. Bến sông trước nhà, thuyền chài vẫn về đấy đậu mang theo lũ trẻ con vạn chài suốt ngày bơi lội như rái cá dưới sông. Tôi vẫn hay ra sông xem anh Kỳ câu cá ngạnh, có những buổi trưa, anh Kỳ hứng chí bơi qua sông, đi lang thang trên bãi cát bồi, còn tôi lang thang bên bờ bên này moi đất sét về nặn đồ chơi.
Thỉnh thoảng, chúng tôi ra cắt tóc tại cửa hiệu ngay dưới gốc cây đa lịch sử. Nghe nói, cây đa đã vài trăm tuổi. Trước cách mạng, Cụ Đô, một người thuộc lớp đảng viên đầu tiên của thị xã, đã trèo lên cây đa để treo cờ đỏ búa liềm, từ đó cây đa được đặt tên là “cây đa lịch sử”. Bác chủ hiệu cắt tóc là một người vui tính, chuyện trò luôn miệng và cũng biết mẹ tôi. Có hôm, chúng tôi vừa tới của hiệu, bác đã vui vẻ thông báo “tao vừa thấy mẹ chúng mày mua một con gà mái to, cắt tóc gọn gàng đi rồi về ăn thịt gà”. Hôm ấy, đúng là mẹ tôi đã mua một con gà mái to thật, nhưng không thịt mà để nuôi. Con gà đẻ được hơn chục trứng rồi ấp. Vì trứng không có trống, nên chỉ nở được mỗi một chú gà con. Nhưng gà mẹ lại vụng về, giẫm chết gà con. Khi con nó chết, nó cứ nằm chỗ đó ủ cho con không chịu đi…
Tôi cũng hay theo anh Cường sang nhà bác Kế chơi với anh Bình. Trẻ con nhà bác Kế cùng lứa với trẻ nhà tôi. Trừ anh Hùng lớn hơn, còn chị Ngọc học cùng chị Yến, chị Thủy học cùng chị Mai, anh Bình học cùng học với anh Cường, nên chúng tôi dễ thân thiết. Có tối sang chơi, khi về, tôi đã ra đến vườn rau trước nhà, nhưng quay lại vẫn thấy anh Cường và anh Bình đang chí chóe, du du, đẩy đẩy khi đo xem ai cao hơn. Lúc ra, anh Cường giải thích “lúc đứng đo, thằng Bình định ăn gian, đứng kiễng chân lên, tao lấy chân khèo nó một cái làm nó liêu xiêu, la oai oái…”.
Thỉnh thoảng, mẹ lại cho chúng tôi mấy hào để dắt nhau ra cửa hàng ăn đối diện với ga Phú Thọ ăn chè đỗ đen. Cửa hàng mới xây, có hai tầng rộng rãi. Ngồi trên tầng hai, có thể thấy các đoàn tàu đến, rồi đi. Ngay phía bên kia đường, tháp nhà thờ cao cao vượt trên dãy nhà mặt phố, nhưng lúc nào cửa cũng đóng im…
Cứ như thể, tuổi thơ của chúng tôi trôi đi từng ngày, từng ngày bình dị, tưởng chẳng bao giờ đổi thay… Nhưng bóng ma chiến tranh đã vần vũ hiện ra và đang tới rất gần, làm đảo lộn cuộc sống bình yên của chúng tôi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được hơi thở của chiến trang là khi mấy anh em chúng tôi ra vườn hoa chơi, thấy các anh chị thanh niên đang tập quân sự trước toàn nhà thị chính. Chỉ là tập đội ngũ, nhưng đấy cũng là điều khác lạ trong một thị xã yên bình. Rồi cuối năm học vỡ lòng, một giao thông hào và hầm trú ẩn xuất hiện trong vườn đình. Thị xã bắt đầu phải ăn độn, lương thực ăn kèm với gạo hàng tháng là bánh mì. Cuối tuần, các gia đình tới sân đình nhận khẩu phần bánh. Bánh mì ruột đen, ăn có vị chua chua, khó nuốt. Khu phố yêu cầu các gia đình đào hầm trú ẩn. Mẹ tôi và chị Yến đào một chiếc hầm bên kia đường, trên bờ sông trước nhà. Hầm nằm trên đầu dốc xuống sông, ngay trên miệng hầm có một cây bưởi con, cao chừng năm chục phân, cành nhiều gai nhọn. Ngồi trên miệng hầm, vẫn ngắm được thuyền bè qua lại trên sông, nên tôi thú lắm.
Hè về, cũng là lúc máy bay Mỹ bắt đầu gầm rú trên bầu trời. Mỗi lần có máy bay, mấy chị em chúng tôi phải chạy qua đường để xuống hầm trú ẩn. Có lần, tranh thủ lúc tránh máy bay, tôi và anh Cường chạy xuống bờ sông moi đất sét, nặn máy bay, nặn bom và cắm lên gai cây bưởi trên miệng hào, theo các thế lượn, bổ nhào, cắt bom. Chúng tôi đang khoan khoái ngắm tác phẩm điêu khắc sinh động của mình trên cây bưởi thì mẹ tôi ra, nhìn thấy, mắng “Trời ơi, các ông con lại muốn nó thả bom xuống đây à?”…
Tiếng máy bay gầm rú ngày một nhiều, lũ trẻ con chúng tôi bắt đầu phải đi sơ tán khỏi thị xã. Đợt sơ tán đầu tiên, chị Mai dắt anh Cường, tôi, em Hồng cùng với chị Tuyên và anh Thọ nhà bác Thắng về Thanh Minh, một làng quê cách thị xã dăm cây số. Tảng sáng, sáu đứa trẻ tay ôm chiếu, ôm ghế, cơm nắm, cơm đùm dắt díu nhau đi. Chiều chạng vạng, lại dắt díu nhau về. Ngôi nhà chúng tôi đến ở nhờ là một ngôi nhà khang trang, ba gian, hai trái, sân gạch rộng thênh thang, có hàng cau cao vút ở trước sân, có thể trông thấy khi vừa mới bước vào đầu làng. Nhà sạch sẽ thoáng mát, vườn rộng, nhưng chúng tôi chẳng thể chạy đi chơi, phần vì nắng tháng sáu chói chang, phần vì đang lạ lẫm, chẳng có bạn, nên thường phải trải chiếu ngồi chơi trên hiên nhà. Có vài trò, chơi mãi cũng chán, bữa trưa, chỉ có cơm nắm, muối vừng nên lại càng chán, chỉ mong chóng đến tối để được về nhà…
Đợt sơ tán thứ hai, chúng tôi phải sang ở nhờ nhà chú Hùng, cô Hợi bên xã Hiền Quan, một xã nằm ở phía bên kia sông. Nghe đâu, chú Hùng là người làng với bố tôi, năm trước, cô Hợi đưa con sang thị xã chữa bệnh cũng ở nhà tôi mấy ngày. Chị Yến ở nhà trông nhà, mẹ tôi và chị Mai dắt ba anh em đi. Chúng tôi đi từ tảng sáng, qua đò ngang, đi dọc lên phía thượng nguồn chừng vài cây số, ngồi đợi mẹ tại một vườn nhãn cổ thụ bên bờ sông để mẹ tôi đi trước tìm nhà chú Hùng. Có mấy chiếc thuyền chài cũng bỏ neo ở đó, những chiếc thuyền này thường neo đậu ở bến gần nhà tôi, nên bọn trẻ thuyền chài tôi cũng quen mặt. Hình như chỗ này là vương quốc của bọn chúng nên thấy chúng nghịch như giặc. Lũ giặc con ấy gọi chúng tôi là “bọn tản cư”, rồi đứa nào, đứa ấy trần trục trục leo nhãn thoăn thoắt nhanh như một lũ khỉ. Mấy chị em tôi trải chiếu ngồi đợi mẹ dưới gốc cây, nhìn chúng nghịch thấy đỡ sốt ruột, ăn cơm nắm với muối vừng cũng đỡ khô và thời gian cũng trôi nhanh hơn. Gần cuối giờ chiều, mẹ tôi mới tất tả quang quang, gánh gánh, quay lại dẫn chúng tôi đi.
Nơi chúng tôi đến cách đó chừng mươi cây số, một dãy ao rộng, vuông vắn bên con đường đất rộng dẫn vào xóm. Nhà chú Hùng nằm ở đầu xóm, lối vào nhà phải qua một sân đất bên bờ ao nhỏ, bên bờ một cây nhãn to, bóng che gần hết sân, cành la, cành bổng đều trĩu quả. Tiếp đến là sân nhà với một ngôi nhà tranh nhỏ và nhà ngang, vườn chuối rộng phía sau nhà với những cây chuối xác xơ. Chú Hùng công tác ở xa, nhà chỉ có bà mẹ chú Hùng, cô Hợi với hai đứa con nhỏ, chị Thanh và anh Chung là em chú Hùng. Bà mẹ chú Hùng chưa già lắm, nhưng mặt mũi đã quắt queo, khó tính. Đến nơi, trời đã gần tối, mẹ tôi vội chạy ra vườn cắt ít là chuối khô để nấu cơm, bà cụ trong nhà vội chạy ra không cho lấy. Mẹ tôi đành ra bờ rào gần đấy nhặt mấy cành củi khô, nhưng bà vẫn khăng khăng không cho nhặt vì “đấy là củi của hàng xóm”. Cô Hợi nói nhỏ với mẹ tôi “kệ, chị cứ nhặt đi chị ạ, nhặt nhanh còn nấu cơm cho các cháu”…
Ở quê, buồn hơn nhiều so với ở thị xã, chẳng biết chơi gì, tôi lang thang đi dọc đường làng. Một đàn cá nổi lên mặt ao, bơi thành vòng tròn, miệng đớp đớp, tôi vội chạy về vớ cần câu của anh Chung, móc mồi giun và cố thả vào giữa đàn cá. Cá chưa kịp cắn câu thì bên kia bờ ao đã thấy một con bé le te chạy ra, la hét “thằng kia, sao mày câu trộm cá nhà tao”. Tôi vội vác cần câu chạy biến.
Những buổi trưa tháng sáu oi nồng, chẳng ngủ được, chúng tôi ra ngồi chơi dưới gốc nhãn bên bờ ao, xem chị Thanh và anh Chung hái nhãn đem đi bán, hái nhãn xong, bao giờ chị Thanh cũng chạy lại đưa chúng tôi một túm nhãn to…
Sơ tán ở nhà chú Hùng chừng nửa tháng, chúng tôi lại được trở về nhà. Đường về bao giờ cũng ngắn hơn đường lúc đi, mẹ đưa chúng tôi lên đò dọc, xuôi về thị xã. Phố tôi, mọi người đã đi sơ tán, phố xá vắng teo nhưng cây bàng trước cửa lá vẫn mướt xanh. Chạy ùa vào nhà, thấy mọi vật trở nên thân thiết lạ thường. Cây na nhỏ cuối vườn khi chúng tôi đi đã bói trái đầu tiên to bằng đầu ngón tay út, nay vẫn chỉ có một quả ấy, nhưng đã to bằng nắm tay tôi. Dậu mùng tơi leo trên hàng rào nứa nghiêng nghiêng giữa vườn nhà tôi với sân sau của Cửa hàng Lâm thổ sản đã cho từng chùm quả tím. Vết mọt nước giống hình một chiếc máy bay trên cánh chiếc tủ lệch đựng đồ cũng trở nên thân thiết lạ thường…
Vài ngày sau, vào lúc tảng sáng, hai chiếc xe tải của ty Lâm nghiệp đến đón chúng tôi về nơi sơ tán của ty ở Xã Trung Giáp, Huyện Phù Ninh, cách thị xã chừng mươi cây số. Chúng tôi từ biệt ngôi nhà tuổi thơ của mình mà không biết rằng, sẽ mãi mãi chẳng bao giờ được trở lại…
Nhiều năm sau, những lúc chị em chúng tôi ôn lại những ngày thơ bé, hay nói về ngôi nhà của mình, nơi gắn liền với hạnh phúc một thuở của gia đình tôi. Tại đó, em tôi đã bước đi những bước chập chững đầu đời. Cũng tại đó, mỗi lần tôi ốm, đầu ong ong, nhức nhối, nằm nghe mẹ hát ru
“…Bồ lân có rễ.
Cây nghệ có hoa
Nhà ta có một cụ già
Thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên…”,
thấy đầu bớt nhức, ấm áp hơn và chập chờn thiếp đi trong giấc ngủ…
Viết tặng những người tôi yêu dấu.
Ngày 10/8/2017
Một bài viết của Thinh Vu Dinh tại Fanpage Thị xã Phú Thọ:
https://www.facebook.com/PhuThoTown/posts/1919491148067986
Xem thêm: Đi học – Thị xã tuổi thơ (II)
Comments 1