LNĐ: Trong ký ức tuổi thơ về TX Phú Thọ, có một dòng hồi ức như là một món nợ mà tôi không thể không chia sẻ. Đó là hồi ức về trạng thái kinh tế của Thị xã những năm 1960 – 1980, bấy giờ chủ yếu dựa vào ngành Tiểu thủ công nghiệp: Các Hợp tác xã tập thể; các xí nghiệp, xưởng SX quốc doanh… Bản thân tôi những năm từ lớp 4 đến lớp 10 đã gắn bó với việc giúp mẹ tôi kiếm thêm công điểm của HTX nhờ vào việc đan mũ lá và có thể tự tay làm hoàn chỉnh một chiếc mũ lá.
Thị xã Phú Thọ vốn chỉ là một tỉnh lỵ hành chính do người Pháp lập nên, về kinh tế hầu như chẳng có gì cả. Năm 1962 khi Thành phố Việt Trì được thành lập, các cơ quan hành chính của Tỉnh và Tỉnh ủy Phú Thọ bắt đầu rút về Việt Trì làm tỉnh lỵ mới, nên từ đó trở đi TX Phú Thọ dần dần chìm vào quên lãng. Vào những năm 1958 – 1965, khu Công nghiệp Việt Trì do Trung Quốc giúp ta xây dựng là cả một đại công trường, không khí rất hoan ca… một bài hát mà tôi còn nhớ mãi là bài “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” của nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác năm 1956 hầu như được phát sóng thường xuyên trên Đài tiếng nói Việt Nam và lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy cứ vô tư nghêu ngao lời bài hát đã bị “xuyên tạc”: Bố mày chết trên cầu Việt Trì, đêm hôm qua đánh điện về nhà, trên công trường đang đưa đám ma, ò e í… (việc này xin sorry hương hồn nhạc sĩ Hoàng Hà lượng thứ cho vì nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà). Và lúc này, phong trào hợp tác hóa ở miền Bắc đang diễn ra rất rầm rộ; ở TX Phú Thọ cũng vậy lần lượt các cá thể hành nghề thủ công được vận động đưa vào các HTX tập thể và lần lượt các xí nghiệp, xưởng sản xuất quốc doanh ra đời để tận dụng lợi thế dồi dào của các loại nông lâm sản miền Trung du và tay nghề thủ công của các tầng lớp dân cư.
Dọc theo phố Nguyễn Du khi ấy là một con phố sầm uất bậc nhất Thị xã, ít nhất có 5 HTX và Tổ hợp tác: Đầu tiên, cách nhà tôi (số 1 Nguyễn Du) một căn là Tổ hợp tác Dép cao su được đặt ngay tại nhà chú Nghĩa hàng xóm, một thợ làm dép cao su có tiếng. Đế dép, quai dép được tận dụng cắt ra từ lốp xe ô tô và săm xe ô tô cũ. Cắt đế dép cao su là cả một nghệ thuật điêu luyện, tôi đã nhiều lần quan sát một cách say mê những đường cắt táo bạo, ngọt sắc nhưng cũng không kém phần mềm mại của các chú để tạo hình nên đế dép các cỡ khác nhau. Cả miền Bắc lúc đó dường như chỉ đi dép cao su (bộ đội cũng vậy, nhưng bộ đội thì đi dép cao su đúc của Trung Quốc trang bị); sau này dép nhựa Tiền phong ra đời mới dần dần thay thế dép cao su. Nhớ lại thời gian này mà cứ cười thầm trong bụng, anh chàng nào cẩn thận sẽ phải thủ sẵn trong người một chiếc rút dép bằng thép lá, phòng khi bị tuột quai dép; bí quá thì phải sử dụng hai mảnh tre mỏng, nhưng nhớ quệt vào bánh xà phòng ướt cho trơn để dễ rút.
Thứ hai là HTX Mộc 1/5 nằm bên dãy số chẵn, đối diện với Cửa hàng Dược phẩm, chuyên đóng giường, tủ, bàn ghế… và chẳng đặng đừng bao giờ cũng có sẵn dăm ba cỗ áo quan để phục vụ cho việc mai táng. Bố tôi mất năm 1979 cũng được các bác, các chú ở đây đóng cho một cỗ áo để về với lòng đất, tôi chỉ còn nhớ tên được hai người đó là bác Hối và chú Tráng nhà cùng phố. Bác Hối là bố của bạn Thanh Hối, bạn gái học cùng lớp cấp III phổ thông với tôi. Xin nói ngay, một nét đặc trưng ở Thị xã của bọn học trò chúng tôi gọi bạn cứ đệm theo tên bố, ví dụ: Tôi tên Tuấn thì được gọi là Tuấn Lữu, các bạn tôi Phong Phương, Hùng Ấm, Cương Tích, Tuấn Sơ, Hải Đồng, Quang Tiếu, Đức Miêu, Thúy Thuần, Dung Đào, Nhung Thưởng (việc phạm húy này cũng phải cúi ba lạy để xin các cụ xá tội cho)… Ngoại trừ có một số trường hợp đặc biệt thì được đặt thành biệt danh theo tính cách và tướng mạo như Khanh ốc, Lâm bò, Phùng lạc đà, Thịnh mán, Thịnh túi, Thịnh mủ, Vinh xấn, Thỏa trứng, Sơn ri, Hòa giật, Dũng đà mồi hay bo Nam (để giải mã những biệt danh này cũng phải mất vài trang giấy A4, xin hẹn một dịp khác). Nhà tôi gần xưởng mộc nên thỉnh thoảng lại qua mua mấy bao tải mùn cưa và những mẩu gỗ đầu thừa đuôi thẹo về làm chất đốt, ngoài ra còn được bổ sung thêm lá đa như tôi đã từng chia sẻ. Có lẽ từ thế hệ 8X trở đi chắc ít ai còn biết cái lò mùn cưa là như thế nào, vì đến đầu thập niên 80 bếp dầu đã trở nên phổ biến lắm rồi. Đơn giản lò mùn cưa là một cái thùng được gò hàn bằng sắt tây, đường kính khoảng từ 25 – 30cm (nếu cẩn thận hơn thành bên trong sẽ được đắp một lớp đất sét dày khoảng 3cm để giữ nhiệt). Lò được đặt thẳng đứng, bên hông, sát đáy có đục một lỗ tròn để làm cửa lò; dụng cụ làm lò là một ống tre đặt chính giữa lò (cũng có thể sử dụng một cái chai thủy tinh thon cao, giống như chai nước ngọt bây giờ), cái lỗ ở bên hông cũng được chèn vào bằng một cái ống tre nằm ngang, sau đó đổ mùn cưa từ trên xuống rồi lèn thật chặt, nhưng lèn vừa phải thôi vì lỏng quá thì lò mau tàn, chặt quá thì mùn không cháy hết; khi chặt cứng rồi thì rút hai ống tre ra, lỗ ống tre nằm ngang sẽ thông với lỗ ống tre đứng. Nhóm lò từ lỗ nằm ngang bằng đóm nứa, quạt nhẹ bằng quạt nan, từ từ mùn cưa sẽ bén lửa và dùng ống thổi cũng bằng tre để thổi cho mùn cưa thêm đượm lửa cháy hồng lên, khi đó là có thể bắc nồi lên nấu được rồi.
Thứ 3 là Tổ hợp tác Khắc dấu 19/5 chuyên khắc dấu, được đặt ngay tại nhà bác Nhân thuộc dãy số lẻ; ở Thị xã người làm nghề này rất hiếm chỉ có khoảng vài ba thợ thôi, tôi nhớ thêm có tên bác Vượng nữa. Thịnh Nhân là con bác Nhân; người trông lỏng khỏng, cứ như ông cụ non, nhưng chơi cờ tướng rất khá vì cứ ngồi chầu rìa xem các bác chơi và học lóm, nên có lúc nó có thể đấu ngang ngửa với các bác lớn tuổi. Khách hàng của các bác chủ yếu là các cơ quan hành chính, xí nghiệp trường học và các HTX… Nghề khắc dấu là một nghề tinh xảo, dụng cụ cũng rất tinh xảo, sắc bén, không cẩn thận là đứt tay như chơi. Loại gỗ dùng để làm con dấu chỉ có thể bằng gỗ Lồng Mực (lúc này cũng có dấu đồng nhưng rất hiếm), điểm đặc biệt của loại gỗ này chính là thớ nằm ngang (tất cả các loại gỗ khác đều thớ dọc) vốn mềm, dai, thớ mịn, dễ hút mực rất phù hợp cho việc tạo hình và nét khắc trên gỗ.
Hợp tác xã thứ 4 là HTX Bình Minh chuyên sửa chữa đồng hồ, nằm bên dãy số chẵn khoảng giữa phố (đối diện với nhà Phong Phương), khá bề thế trong một ngôi nhà xây bằng gạch, lợp ngói. Nghề này cũng rất tinh xảo, đòi hỏi độ chính xác cao, dụng cụ chuyên dụng nhỏ xíu, các bác phải có thêm kính lúp để tác nghiệp. Thời bấy giờ đa số là các loại đồng hồ cũ đeo tay nổi tiếng như Rolex, Omega của Thụy Sĩ; Cartier của Pháp và Poljot của Nga (Liên Xô)… chủ yếu là lên giây cót, tự động rất hiếm; sau ngày miền Nam giải phóng các loại đồng hồ tự động Senko, Citizen của Nhật mới tràn ra miền Bắc. Đồng hồ treo tường có Odo của Pháp, nhà nào có thì đã là sang; đồng hồ báo thức để bàn có các loại Con gà của Trung Quốc, Slava và Sevani của Liên Xô… Các bác thợ tay nghề có tiếng lúc đó tôi nhớ có bác Chỉnh, bác Hiếu, bác Phú, bác Minh cồ và bác Mạch… Trọng Mạch là con bác Mạch, đến nay vẫn còn duy trì nghề truyền thống của bố truyền dạy. Đặc biệt người mà tôi ấn tượng nhất là bác Ba Lố nhà ở sát ngay cạnh nhà tôi, cũng là một thợ sửa đồng hồ nổi tiếng của Thị xã. Cái tên của bác đã ấn tượng rồi, nhưng con người của bác còn ấn tượng mạnh hơn, đó là một người đàn ông cao to như Tây, trong những dịp lễ tết bác đi giày tây, đầu đội mũ phớt, tay chống ba toong thì thôi rồi! Có lẽ bác như là một dân Tây còn sót lại của Thị xã. Ngoài ra bác rất đam mê gà chọi và chim cá cảnh, trong nhà lúc nào cũng nuôi ít nhất một cặp gà chọi. Lũ trẻ con chúng tôi hồi đó rất say mê và thích thú được theo dõi những màn chọi gà thường được tổ chức ngay trước cửa vườn hoa Thị xã. Khoảng đầu năm 1965, không hiểu vì sao bác lại chuyển cả nhà vào phố Vàng, huyện Thanh Sơn là một huyện miền núi theo phong trào vận động đi kinh tế mới của Thị xã; và dường như còn có một nguyên nhân nữa như bạn tôi Vũ Đình Thịnh đã viết trong bài “Bóng ma chiến tranh – Thị xã tuổi thơ” rằng: vào đầu năm 1965 bóng ma chiến tranh đã bắt đầu hiển hiện trên bầu trời của một Thị xã bé nhỏ, hiền hòa khi Mỹ tuyên bố ném bom phá hoại miền Bắc với lời lẽ hăm dọa sẽ đưa chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá.
Hợp tác xã thứ 5 nằm trên phố Nguyễn Du là HTX May mặc Sao Vàng, bên dãy số lẻ gần cuối phố (thuộc khu vực cơ quan hành chính của Thị xã bây giờ); sau có thêm một Cửa hàng may mặc nữa sát ngay gốc Cây đa lịch sử và là đầu phố Tân Hưng (Trần Phú sau này), vốn dĩ là nhà của bá Nghiệp – mẹ của Thứ Nghiệp, bạn cùng thời luôn. Chủ nhiệm HTX là bác Phượng, thương binh chống Pháp; ngoài ra trong Ban chủ nhiệm có chú Thảo và bác Ấm thợ may đều là người cùng phố với nhà tôi nên tôi biết rõ. Bác Ấm có hai người vợ là hai chị em ruột, nhưng ở riêng, người đầu phố, người cuối phố cho nên cũng không vấn đề gì. Hùng Ấm là con trai bác, cùng lứa với chúng tôi. Ở Thị xã còn có một hiệu may nổi tiếng đó là hiệu may Đông Á, chuyên may đồ veston, gần nhà Tiến Tổng. Kế bên HTX May mặt Sao vàng là Cửa hàng ăn uống. Hồi xưa ở khu vực này mỗi khi các ngày lễ tết các cụ, các bác thường tổ chức đánh Tổ tôm điếm như là một thú vui tao nhã của người lớn tuổi. Tôi ngồi xem chả hiểu gì cả, chỉ thấy các cụ rung đùi tom tom chát, rồi xướng bài chi chi nẩy, ù lèo, ù thông tôm… mà thấy vui ra phết.
Đấy là nói về các HTX nằm trên phố Nguyễn Du, bây giờ tôi xin kể tiếp về 3 HTX mà nguyên liệu làm ra sản phẩm chủ yếu được lấy từ cây cọ, một loại cây huyền thoại của “Quê em miền Trung du”. Đó là HTX Đồng Tâm chuyên làm mũ lá, HTX 8/3 chuyên đan làn cọ xuất khẩu và HTX Quang Trung chuyên dệt mành cọ xuất khẩu. Cả ba HTX đều nằm trên dốc sân bay, đoạn đường dẫn lên sân bay dã chiến của quân đội dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp trong chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nằm ngay dưới chân dốc bên tay trái là HTX Đồng Tâm, nói đến HTX Đồng Tâm tôi nhớ ngay đến bá Bảo vợ của bác Bảo Lỗ thợ cắt tóc (ở Phú Thọ bác gái được gọi là bá) là người có công đầu tiên dạy làm mũ lá cho phụ nữ của Thị xã lúc đó chưa có công ăn việc làm. Bá Bảo người nhỏ nhắn, rất nhanh nhẹn và hay ăn trầu dạy nghề ngay tại nhà mình; lớp đầu tiên trong đó có mẹ tôi tên Dung, thím Cam tôi, bá Nhân (vợ bác Nhân khắc dấu) và nhiều người nữa trong hợp tác mà tôi còn nhớ như in từng khuôn mặt: Bá Xuân, bá Hồi, bá Vượng, cô Thọ, cô Dung… Chủ nhiệm HTX lúc đó là bá Thêm, răng đen nhánh, tóc vấn khăn nhung, khuôn mặt phúc hậu. Nói về các công đoạn để làm ra một chiếc mũ lá rất dài, sơ lược thế này: Khuôn mũ bằng gỗ có sẵn, vót nan (thường bằng thân cây luồng, vì đốt dài, dẻo, dễ uốn cong) uốn thành vành tròn theo các khấc đã định vị trên khuôn và cột lại bằng sợi móc của cây Móc; sau đó bắt đầu lợp lá cọ đã phơi khô và dấp nước cho mềm để dễ vuốt, dùng chỉ bằng sợi đay khâu vào nan mũ; sau khi có cốt mũ lợp thêm lớp mo nang cho cứng, rồi mới lợp xếp nếp lớp lá cọ đã được là trên lưỡi cày nung nóng làm cho lá cọ thẳng ra và láng bóng; cuối cùng là khâu hoàn thiện đóng chóp mũ bằng sắt tây, nẹp sợi tế của cây Tế đã được tết lại giống như tết tóc quanh bầu mũ và khâu bọc vành mũ bằng dải nhựa màu xanh, hoặc đỏ. Hình thức trả công lúc đó tính theo công điểm, mỗi nhóm người làm một công đoạn: nhóm chuyên làm vành, nhóm chuyên làm cốt mũ, nhóm chuyên lợp và nhóm chuyên hoàn thiện; không nhớ rõ nhưng đại khái: mỗi bộ vành, hay mỗi cốt mũ… được tính là 1 điểm, 10 điểm là một công, một công bao nhiều tiền cứ thế nhân lên (đã có yếu tố khoán trong đó, làm nhiều thì điểm nhiều, công nhiều).
Nói về HTX 8/3 lúc này nằm ngay trên đỉnh dốc sân bay rẽ vào bên trái khoảng vài chục mét; chếch về bên trái cổng HTX đi xuống một con dốc nhỏ là nhà Thịnh mán. Nhà Thịnh mán một thời là tụ điểm mà chúng tôi thường hay đàn đúm trà lá, hát ca; đương nhiên có Thịnh mán, tôi, Vinh xấn, Hải Đồng, Hoan Hạnh, Quyết Ngô (sau này lấy em Thịnh là cái Vinh làm vợ). Chủ nhiệm đầu tiên của HTX 8/3 là bá Bình, sau bá Bình được tín nhiệm đưa lên làm Phó Chủ tịch Thị xã thì bá Duyệt lên thay; xã viên 8/3 tôi chỉ biết có bá Tuệ là mẹ của Thịnh mán, ngoài ra có rất nhiều các em gái trẻ đẹp thường chỉ học hết lớp 7 rồi đi làm. Tôi còn giữ một tấm ảnh kỷ niệm chụp chung với các em khi tôi còn sinh hoạt ở chi đoàn của HTX (thời gian mà HTX Đồng Tâm đã được sáp nhập vào HTX 8/3). Thoạt nhìn đan làn cọ có vẻ đơn giản hơn so với làm mũ lá rất nhiều, nhưng lại đòi hỏi độ dẻo và độ khéo của bàn tay, ngón tay. Nhìn các em đan làn nhoăn nhoắt, nhoăn nhoắt cứ như múa… Nguyên liệu là những cuộn dây thừng để làm cốt và lá cọ được chế biến từ búp cọ đã được phơi khô sau khi đưa vào lò sấy diêm sinh cho trắng sáng ra; kích cỡ thì được đan vào khuôn gỗ đã có sẵn; sản phẩm làm ra chủ yếu được xuất khẩu sang các nước XHCN cùng phe ta lúc đó.
Hợp tác xã thứ 3 là HTX Quang Trung chuyên làm mành cọ xuất khẩu cũng xuất đi các nước XHCN, nằm ở khoảng lưng chừng dốc mé bên tay phải. Mành cọ được dệt bằng máy dệt thủ công và nguyên liệu được làm từ cuống lá cọ đã được đưa vào máy chẻ và bào nhẵn thành những nan cọ đều, thẳng tắp. Chủ nhiệm HTX là bác Trường; Phú Trường là con trai bác, cũng là bạn học cùng thời với chúng tôi. Đấy cứ loanh quanh trong Thị xã là biết nhau hết! Viết đến đây tôi xin dừng lại một chút để nói thêm về bá Nguyễn Thị Bình, nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của Thị xã, người đã gắn bó và trực tiếp phụ trách ngành Tiểu thủ công nghiệp trong suốt thời gian đó. Bá Bình là mẹ của hai anh em sinh đôi Quang và Điển; lên cấp III Quang học cùng lớp 8D với tôi, còn Điển học lớp 8A; nhà rất gần nhau chỉ cách bề ngang của con phố, tôi ở đầu phố Nguyễn Du, còn anh em Quang ở đầu phố Lê Đồng; tôi với Quang là một cặp bạn học đi bộ với nhau trong suốt 3 năm cấp III. Mẹ Quang, trong tâm trí của tôi là một người phụ nữ rất đẹp, dáng cao ráo, tóc búi cao, nước da trắng hồng, khuôn mặt và cặp mắt trông rất thuần hậu, nói năng nhỏ nhẹ… Điều mà tôi cảm phục nhất ở bá là, mặc dù cương vị cao, công việc rất bận rộn, nhưng trong nhà bá lúc nào cũng nuôi từ hai đến ba con lợn để cải thiện thêm thu nhập cho gia đình gồm 8 nhân khẩu, không phải là một điều dễ dàng gì.
Chuyển sang phố Lê Đồng, khi ấy chỉ có một HTX đó là HTX Cơ khí 2/9 chuyên sản xuất gò hàn các loại đồ dùng trong sinh hoạt gia đình như chậu tôn, thùng tôn, thùng ô roa dùng để tưới cây, gầu múc nước… và rèn dập cuốc xẻng, dao kéo các loại… sau này còn làm cả khung xe đạp nữa. Nhắc đến phố Lê Đồng không thể không nhớ đến trận cháy kinh hoàng vào đêm mồng 2 Tết năm 1962 mà bạn tôi Vũ Đình Thịnh đã mô tả trong bài viết “Bóng ma chiến tranh…”. Sau trận cháy, lũ trẻ con chúng tôi cứ tha thẩn lượm lặt những gì còn sót lại như: những đồng xu cháy vón cục, những chi tiết trục bánh xe cong queo của đồng hồ… chẳng để làm gì, nhặt lên ngó nghiêng, tần ngần một chút rồi lại vứt xuống. Trong Ban chủ nhiệm HTX lúc đó có bác Lại Văn Sáng, người mà anh em chúng tôi và các anh em con của bác (anh Sửu, chị Hằng, chị Hiếu, anh Sinh, Sâm, Sơn) rất thân thiết với nhau, ngỡ như có quan hệ họ hàng. Vẫn còn nhớ bác hàng ngày đi làm thường đi bộ hoặc đi xe đạp ngang qua nhà tôi, người dong dỏng, nước da ngăm đen, rắn giỏi, hay mặc áo ngắn tay và đeo cặp kính trắng trông rất trí thức. Hồi ấy vẫn còn Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội (đảng của tầng lớp tư sản và trí thức tiến bộ) mà bác là đảng viên Đảng dân chủ. Chị Hiếu bảo, hồi bấy giờ Chi bộ đảng Dân chủ ở Thị xã hoạt động rất mạnh, bác Khảm là Bí thư; chị thường phải đi báo tin cho các bác đến họp ở nhà mình hoặc nhà bác Ất. Bố tôi tuy là thợ cắt tóc, nhưng rất có cảm tình với đảng Dân Chủ và cũng có thời gian tham gia sinh hoạt nên bố tôi thường xuyên đặt mua báo Dân chủ, có cái gì trong báo tôi cũng đọc hết. Tôi còn chơi thân với anh Ngà (gần nhà Tuấn Sơ) và anh Bình (con bác Cả làm nghề bánh kẹo) là nhân viên của HTX chỉ vì có cùng sở thích đàn hát. Khi ấy anh Ngà có cây đàn của tiệm làm đàn nổi tiếng Thị xã lúc bấy giờ là bác Châu Đàn; hình thức cây đàn hơi thô, nhưng bù lại tiếng rất ấm và vang. Anh em chúng tôi cùng với Tuấn Sơ hay tụ tập đàn hát với nhau là thế.
Nói về nghề cắt tóc của bố tôi cũng có một thời gian được đưa vào tập thể. Đó là vào những năm 1960, lúc đó tôi còn bé tí, nhưng anh Phú tôi còn nhớ rõ bố tôi, chú Cam tôi, bác Bảo Lỗ, bác Đức (người rất say mê bóng đá và thường làm trọng tài các trận đấu tranh giải của Thị xã), anh Nhân và một số người khác được tập hợp vào HTX lấy tên là Cộng Lực, cửa hàng đặt ở khu vực rạp chiếu bóng bây giờ. Nhưng chỉ được một khoảng thời gian, không biết bao lâu, thì ai lại về nhà nấy, có lẽ không phù hợp. Lạ một cái đến khi tôi xuất ngũ chuyển ngành về ngành Thương nghiệp dịch vụ Quận 10, Tp Hồ Chí Minh vào năm 1987 (lúc này đã bước vào giai đoạn thoái trào của thời kỳ tiến hành cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam, được gọi nôm na là “đánh tư sản”) thì lại thấy nghề cắt tóc vẫn còn được tập hợp đưa vào các cửa hàng quốc doanh hẳn hoi… Đúng là quá ấu trĩ! Và cả cái công cuộc cải tạo đó, sau này được đánh giá là phá hoại cơ sở kinh tế miền Nam là chính; để rồi bây giờ lại phải cất công xây dựng cái gọi là kinh tế Thị trường có định hướng XHCN, trong đó thừa nhận sự phát triển của thành phần kinh tế tư bản tư nhân và đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Nhớ lại mà cứ cảm thấy chua chát!
Ngay góc ngã tư, đầu con dốc phố Cao bang, lối lên Bệnh viện Thị xã là Cửa hàng HTX Tiền Phong chuyên sửa chữa và lắp ráp xe đạp. Hồi bấy giờ được mua phân phối một chiếc xe Phượng Hoàng của Trung Quốc hoặc xe Thống Nhất thì được coi như trúng số độc đắc, vì hàng hóa rất khan hiếm, cái gì cũng phân phối, bốc thăm từng cái xích, líp trở đi… Cuối con dốc, nằm bên tay phải (từ ngã tư Cao Bang đi qua nhà Lợi Cự lên Sân bay) là HTX Phèn chua và xưởng làm Đậu phụ. Thật là cơ khổ, lúc đó (nghĩ mà rớt nước mắt) đến bã đậu cũng còn được bà con mua về để xào lên làm thức ăn!
Một nghề nữa tưởng chừng như rất khó để đưa vào làm ăn tập thể đó là nghề lái xe trâu và xe bò (nhưng mà là người kéo vì nhẹ hơn xe trâu) cũng được đưa vào HTX vận tải Đồng Thắng, chuyên phục nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Thị xã lúc đó: Gạch, ngói, sỏi, cát, gỗ, đá … Phong Phương kể lại, ông cụ thân sinh ra nó khi ấy làm trong xưởng gạch ngói Thống Nhất (xưởng này lúc đầu trong biên chế HTX Đồng Thắng, nằm ở đầu thôn Thanh Minh lối qua Trường Y). Chủ nhiệm HTX là anh Hậu ngọng… Nói đến Phong Phương, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Hai đứa học chung lớp vỡ lòng ngay bên cạnh nhà nó, năm 1965 lên cấp I rồi đi sơ tán mỗi đứa mỗi ngả; năm 1968 đi sơ tán về lại học cùng nhau suốt những năm cấp II Sa Đéc. Đến bây giờ nó vẫn nhắc, hồi ấy muốn đi chơi đâu phải xin phép bầm là đi chơi với thằng Tuấn Lữu thì bầm mới đồng ý, do mẹ Phong rất quý tôi vì tính tình thật thà, hiền lành. Và có một chuyện cho đến bây giờ tôi vẫn còn áy náy và ân hận mãi. Chẳng là hồi ấy tôi rất mê chuyện, dày cỡ nào cũng đọc. Đến chơi nhà nó thấy có cuốn tiểu thuyết “Vỡ bờ” tập 1 của nhà văn Nguyễn Đình Thi – là bộ tiểu thuyết sử thi bề thế, gồm 2 tập, dày tới trên ngàn trang; nội dung đề cập tới cuộc sống và đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của các đảng viên cộng sản trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất. Tên bộ tiểu thuyết là sự rút gọn của câu ngạn ngữ “tức nước vỡ bờ”, và đã có manh nha từ những câu thơ được chính tác giả viết trước đó nhiều năm (bài “Đất nước”, viết trong kháng chiến chống Pháp): “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Hấp dẫn là vậy nên tôi phải năn nỉ và cũng nể lắm Phong mới cho tôi mượn đem về (vì cuốn này là của anh Tuấn, anh trai của Phong cũng đi mượn). Hỡi ôi! tôi còn đang đọc dở thì bị ai chôm mất. Đến nhà nó để báo tin và xin lỗi thì nó mặt đỏ tía tai cả lên, anh Tuấn rất giận, còn tôi không biết dấu mặt vào đâu… rồi chuyện cũng qua, nhưng để lại trong tôi một kỷ niệm không bao giờ nguôi.
Cuối cùng không thể không nhắc đến các xí nghiệp, xưởng sản xuất quốc doanh của Thị xã. Mang tiếng là quốc doanh, nhưng cũng chỉ sử dụng một phần máy móc, về cơ bản vẫn sử dụng lao động chân tay là chính. Danh sách đếm trên đầu ngón tay có: Xí nghiệp bánh kẹo (phố Nguyễn Du) chuyên sản xuất bánh quy, kẹo lạc, kẹo giấy các loại… và một sản phẩm không thể nào quên mỗi khi Xuân về là những hộp mứt Tết. Xưởng sản xuất chuối khô xuất nằm ở cuối vườn hoa lối rẽ sang bên trái đi xuống kho than 10, gần ga xe lửa. Bạn tôi Bảo Liễu (con Thầy Liễu) rất thích chuối khô Phú Thọ, mỗi lần cái Thuần Thập (con bác Thập có một thời gian nhà ở phía đối diện trước cửa nhà tôi) về quê, nó chỉ dặn nhớ mang vào làm quà cho nó. Tiếp theo là xưởng cưa, xưởng bột sắn (nằm trên đường đi qua ga Phú Thọ, phía Lò Lợn trên đường ra Bến phà Ngọc Tháp); sau này còn có thêm xí nghiệp May mặc ở phía sau Trường tiểu học Lê Đồng đi vào. Chấm hết!
Nhớ lại một thời gian khó đã qua mới thấy hết những giá trị lịch sử của nó; các HTX, xưởng sản xuất của Thị xã Phú Thọ lúc ấy như là một cứu cánh tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ gia đình và đã tham gia đóng góp một phần sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Chính vì vậy năm 2000, Thị xã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Rồi sau nhiều năm dài bị quên lãng, được biết ngày 13/12/2013 HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án nâng cấp Thị xã Phú Thọ trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, trong những năm qua, cùng với sự ưu tiên đầu tư của tỉnh, sự phấn đấu, phát huy nội lực của Thị xã, hạ tầng kỹ thuật đô thị của thị xã đã được cải thiện, nâng cao, không gian đô thị được mở rộng. Nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư mới, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải, cây xanh, vỉa hè được cải tạo, xây dựng đồng bộ… đến nay đã đạt và vượt tiêu chuẩn đối với đô thị loại III.
Đặc biệt, Khu công nghiệp Phú Hà thuộc địa bàn Thị xã được quy hoạch, đầu tư và đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Hiện nay, Thị xã có 16 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động và góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở văn hóa, xã hội của Thị xã tương đối toàn diện, bao gồm 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 1 trường nghề, 3 bệnh viện cấp tỉnh; các cơ quan nghiên cứu, xí nghiệp quốc phòng, kho tàng quốc gia tập trung ở quanh khu vực; các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia và giao thông đối ngoại kết nối thị xã với các đô thị, các huyện trong khu vực hoàn thành, đi vào sử dụng… sẽ tạo điều kiện cho Thị xã Phú Thọ phát triển mạnh các mặt kinh tế – xã hội, các loại hình thương mại, dịch vụ và trở thành một Thành phố trong tương lai không xa./.
P/S: Vì là hồi ức, có cái nhớ, có cái quên nên có thể còn nhiều thiếu sót; nếu các anh chị và bạn nào quan tâm comment, đính chính hoặc bổ sung – thì xin phép những lời bình, đính chính, bổ sung ấy như là một phần của bài viết; để chúng ta cùng nhau nhớ về một cách trọn vẹn những hình ảnh, những kỷ niệm thân thương một thời của Thị xã Phú Thọ mến yêu.
Cuối Thu 2017!
Một bài viết của Facebook Tuan Nguyen trên Fanpage Thị xã Phú Thọ:
https://www.facebook.com/PhuThoTown/posts/1961728317177602