Từ bao đời nay, cá thính đã trở thành món ăn quen thuộc, đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân vùng đất Tổ.
Với phương thức gia truyền truyền từ đời nay sang đời khác, cá thính đã trở thành một món đặc sản của mảnh đất trung du không biết tự bao giờ.
Để làm được một mẻ cá thơm ngon phải đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế của người làm ra nó. Nguyên liệu làm cá là bất cứ loại cá nào, cả có vảy lẫn da trơn. Nhưng quen thuộc và ngon nhất vẫn là cá mè, cá trắm.
Cá bắt buộc phải tươi ngon, to và chắc. Sơ chế qua bằng cách bỏ lòng, đánh vảy, để nguyên con với cá nhỏ, cắt khúc với cá to. Làm sạch phía bụng cá và thái vừa miếng, sắt đôi cho miếng cá mỏng để dễ ngấm gia vị.
Cá ướp muối một ngày một đêm, muối được nhồi cả vào bụng cá. Sau đó lấy cá ra ép cho chảy hết nước rồi để se thịt lại. Xát thính quanh miếng thịt cá và nhồi cả vào bụng rồi xếp vào hũ. Mỗi lớp cá được cách bởi một lớp thính nâu vàng. Sau cùng, người ta xếp lớp thính trên cùng dày nhất và bao kín miệng hũ, lót rơm dày.
Thính dùng để ướp cá thường được rang từ đỗ tương và gạo nếp, khi mang rang nhớ để lửa vừa phải nếu to quá dễ làm cháy thính. Còn nếu để lửa nhỏ quá thì thính khó vàng, không có mùi thơm đặc trưng. Khi hạt gạo và đỗ tương đã vàng thơm ta mang đi giã nhỏ ti, càng nhỏ bao nhiêu ướp cá càng ngon.
Công việc này ở nông thôn các bà, các mẹ thường giã bằng tay vì thế để được một mẻ thính ngon phải cần mẫn và khéo léo. Nếu không có đỗ tương và gạo nếp thì chúng ta có thể thay bằng thính ngô nhưng ăn không ngon bằng.
Cuối cùng, úp ngược lọ xuống một cái chậu đựng nước muối sao cho “vung” mo cau không chạm vào nước. Sau 3-4 tháng, cá đã đạt đến vị thơm ngon nhất là lúc gỡ ra để dùng.
Muốn cá thính thơm ngon hơn, người ta cho thêm vài lá ổi vào cùng. Sau một thời gian, lấy cá ra cạo sạch thính cũ và cho thính mới vào. Miếng cá phải khô, chặt thịt, thơm dậy mùi thính và lá ổi mới đạt yêu cầu. Cá thính để càng lâu càng ngon hơn.
Cá ướp thính thường chỉ rán hoặc nướng. Nhưng món cá nướng luôn được chuộng hơn cả bởi nó có mùi thơm đặc trưng của thính quyện vào mùi than, mùi khói. Cách nướng cá cũng thật đặc biệt. Không nướng cá trực tiếp trên than hồng, mỗi miếng cá được cặp vào một thanh tre tươi.
Từng cặp cá đem cắm xung quanh bếp lửa than hồng. Lửa than tỏa ra, cá chín dần dần bằng hơi nóng tỏa ngang, thỉnh thoảng lại xoay đảo qua, đảo lại cho hai mặt cá chín đều. Cá nướng như vậy không bao giờ bị cháy. Mùi thơm của thính đỗ tương, gạo nếp, cộng với mùi cá chín vàng bay ra thật quyến rũ.
Món cá thính đạt chuẩn khi gỡ có thịt đỏ au hoặc màu hổ phách. Từng thớ thịt thấm đẫm vị thơm, chua ngọt, béo ngậy và đậm vị muối là hoàn hảo.
Hương vị của món ăn này thật đặc biệt. Chất thịt cá không khô như cá mắm biển, không nhão thịt như cá nướng tươi hoặc cá rán. Gỡ cá ra, thớ thịt cá có màu hồng sẫm. Khi ăn thấy vị thơm của thịt cá và mùi thơm của thính quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc biệt rất khó tả. Chính vị thơm chua, bùi béo rất đậm đà, thật đưa cơm.
Thưởng thức món cá thính với cơm nóng trong ngày đông se lạnh, bạn sẽ hiểu được lý do tại sao món ăn giản dị đưa cơm này lại có thể níu chân bao du khách ở lại với vùng đất Phú Thọ nồng thắm tình người mến khách phương xa.