“… Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…”
Thơ Giang Nam.
Bọn trẻ con thị xã Phú Thọ có câu đồng dao về các trường trong thị xã: “Trần Phú là chú Lê Đồng, Lê Đồng là ông Sa Đéc, Sa Đéc là con béc dê”. Bọn học sinh Sa Đéc nghe câu này cay lắm, nếu bị bọn trường khác đọc câu này, có thể sẽ là những trận chiến ngoài cầu Trắng hoặc bãi cỏ sau trường Cao đẳng Sư phạm.
Chắc vì gần nhà nên tôi đã được học ở Sa Đéc, gần trường Đảng. Thời tôi học những năm 1987-1991, trường rộng lắm, cây xanh thì nhiều, những giờ ra chơi lao ra cây si già vui chơi thì thôi rồi, quên cả giờ vào lớp. Hồi đó thấy cây si to thế, leo trèo mãi không hết, giờ đi qua thấy chỉ còn trơ trọi gần đường ra cao tốc, nghe nói bọn trẻ giờ không dám chơi vì cây thiêng lắm.
Trước cửa lớp tôi là có những hàng cây bàng già cỗi, sâu rơi nhiều khiến bọn con gái khóc thét khi bị mấy thằng con trai vứt vào người. Hè đến bàng chín vàng, bọn con trai lớp tôi toàn cao thủ leo trèo lại hái bàng cho bọn con gái ăn, lớp vui lắm.
Thời đó khó khăn, hình như trường không có nhà vệ sinh thì phải, ít nhất cũng là cho bọn con trai, giờ ra chơi là một lũ con trai rủ nhau đi “bóp cổ giám đốc nhà máy nước” ở bức tường đối diện sang trường Đảng. Nhiều thằng tò mò nhìn trộm xem hàng của nhau và thằng nào cũng cho rằng của mình ngon nhất. Thế là mở ra cuộc kiểm tra xem ông nào nhất. Bọn con trai rủ nhau một buổi trưa, leo lên trần lớp học, kéo cả ghế băng lên để có chỗ ngồi, mang theo cái thước kẻ, và cuối cùng hình như ông Lưu bốp đạt giải nhất thì phải.
Thời đi học cấp 2 của tôi chắc vẫn là mông muội nhất, lớp tôi toàn tay phá lớp cự phách. Anh em nhà Công-Thành có lẽ bựa nhất, nói chuyện nhiều mà cô Dung nói mãi không nghe, cô ném cho viên phấn chui tọt được vào mồm vừa há ra nói chuyện. Hai anh em hắn nghịch vô kể siết, có hôm nghịch quá cô ghét, xin cô ra ngoài đi vệ sinh không được, tè ngay vào gầm bàn, khai mù cả lớp.
Bọn trong lớp thì cũng chả kém, còn nhớ thầy dạy Địa lý (rất tiếc không thể nhớ tên thầy), giờ chắc thầy cũng đã già lắm rồi, năm nào tới mùa đông, tiết nào thầy cũng bảo: mùa đông là mùa khoe áo, bọn lớp tôi mới hè nhau lên bàn thầy giả vờ hỏi bài, mấy thằng vẩy mực vào lưng áo thầy. Trường kỷ luật lên, kỷ luật xuống nhưng cả lớp quyết không khai. Sau hình như bố Trung Tuân mua tặng thầy cái áo khác. Giờ nhớ lại những trò nghịch ngợm đó mà thấy thương thầy.
Lớp tôi có thằng Thịnh Tường, đẹp trai, khu nhà Dần nên gấu. Năm lớp 6,7 cực hiền, tự dưng lên lớp 8 chỉ thích oánh nhau. Chắc do ảnh hưởng bởi Đôn-ki-hô-tê nên tuyên bố: Vân bổ là người yêu tao, thằng nào động vào ăn đòn ngay. Vân bổ đúng là xinh thật, nên nhiều anh hơn tuổi cũng dính đòn Thịnh Tường.
Thịnh Tường làm đại ca trong lớp được một thời gian thì bọn trong lớp cay lắm. Nhiều thằng hè về xin bố dạy võ để chiến với Thịnh Tường. Riêng nhóm tôi lẳng lặng về nhà Long Điều làm côn, Hậu Hoà lo tìm gỗ lim, tôi lo bào, Long Điều lo nhà cửa nước uống. Anh em học Lý Tiểu Long múa côn loạn xạ, bươu đầu bao lần vẫn mải mê tập, cuối cùng cũng ra dáng lắm. Hẹn gặp Thịnh Tường sau khu tập thể Sơn mài, tôi múa may vài đường nên nố có vẻ nề, sau này không bắt nạt anh em trong lớp nữa. Giờ đọc truyện quân khu Nam Đồng mới thấy, quân khu nhà Dần cũng chả kém cạnh gì.
Tôi học cũng không đến nỗi dốt, nhưng lý sự và cãi thầy cô hơi nhiều. Nhiều lần bị phạt đứng trước cờ tôi đều trốn tiết, lang thang khu trường Đảng, hết giờ chào cờ trèo qua sân vận động thị xã vào lớp học tiếp. Nhờ sự bao dung của các thầy cô mà lũ chúng tôi trưởng thành.
Giờ nhiều đứa đã thành công, đã là những cánh chim bay đi muôn phương nhưng vẫn luôn nhớ về trường cũ, nhớ về tuổi thơ dấu yêu. Thấm thoắt đã gần 30 xa trường, tôi cũng chưa về trường cũ. Thi thoảng về thăm bầm, vội vàng qua ngã tư đèn đỏ, ngắm trường giây lát rồi vụt qua sân vận động, phía dưới cầu Trắng đoàn tàu hú lên từng còi, chầm chậm chuẩn bị vào sân ga… Trong tôi lại văng vẳng câu hát: “…Nhớ ơn trường, chúng ta là học sinh Sa Đéc, nhớ ơn trường làm sao cho xứng danh.“
Xin lỗi nếu bạn nào bị nhắc tên thì đừng chửi tôi nhé. Kỷ niệm tuổi thơ mãi vẫn không phai mờ.
Nguyễn Quang Tùng
Cựu học sinh khoá 1987-1991.