Đêm trung thu thì đám nhỏ lối xóm tụ lại. Đem lồng đèn ra đọ coi ai làm đẹp. Xui xẻo đứa nào cắm cây đèn cầy không chắc bị ngã làm cháy cái lồng đèn, làm “khổ chủ” mặt mày méo xẹo như bánh bèo nhúng nước.
Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần sắp đến trung thu là đám nhỏ trong xóm náo nức lắm, chạy đi xin mấy cây trúc, mua dây kẽm, giấy bóng kiếng về làm lồng đèn. Dễ làm nhất là lồng đèn ngôi sao, khó hơn nữa là lồng đèn hình thỏ, cá chép, bươm bướm. Còn thứ lồng đèn bằng giấy xếp giống cái đàn accordion nữa, cái này khó xếp cho tròn, không khéo nó méo xẹo.
Thời đó, đám nhỏ ít khi xin tiền ba má mua lồng đèn, mà thích tự làm hơn vì theo ý mình và rẻ tiền. Lồng đèn bán ngoài chợ thì do mấy lò làm đồ chơi cũng làm thủ công, đẹp hơn đồ nhà nhưng giá thì mắc.
Có đủ đồ rồi thì hì hụi chẻ trúc thành mấy cái nan mỏng, cột lại bằng dây kẽm làm thành cái khung hình ngôi sao, rồi phết hồ dán giấy bóng kiếng đỏ lên, là thành cái lồng đèn. Cuối cùng là uốn dây kẽm thành cái đế để cắm đèn cầy là xong.
Đứa nào yếu tay nghề thì kiếm cái lon sữa bò không, đục chừng chục cái lỗ dưới đít lon, xin má cái ống chỉ (hồi đó ống chỉ bằng cây) làm bánh xe (không có thì dùng cái lon khác cũng được), kiếm cây trúc dài làm cần đẩy, cột khúc kẽm lớn vô rồi luồn qua lõi ống chỉ, rồi xỏ qua chính giữa cái lon là thành cái xe đẩy. Trong lon thì cắm cây đèn cầy, đẩy đi cái ống chỉ lăn là kéo cái lon quay vòng tròn, ánh sáng lóe lóe, nhìn cũng xôm lắm.
Dễ làm nhứt là kiếm cái lon bia, rọc dọc bên hông lon nhiều đường cách nhau chừng 1 phân, xong đè nhẹ cho nó bung xòe ra, cột dây vô cán, cắm đèn cầy bên trong là thành cái lồng đèn mini. Không “xiền” mua lồng đèn thì chế kiểu vậy cũng có đèn xách đi chơi với bạn bè.
Đêm trung thu thì đám nhỏ lối xóm tụ lại. Đem lồng đèn ra đọ coi ai làm đẹp, còn đứa nào ba má cho tiền mua cái lồng đèn chợ bự và đẹp thì hãnh diện lắm. Rồi cả đám, đứa xách lồng đèn xếp, đứa ngôi sao, con cá, đứa đèn lon, xe ống chỉ tự chế, kéo nhau đi dọc mé lộ nhựa, cũng chẳng hát hò gì như trong truỵện thiếu nhi hay tả, chỉ cười giỡn la ré um sùm thôi. Xui xẻo đứa nào cắm cây đèn cầy không chắc bị ngã làm cháy cái lồng đèn, thứ giấy kiếng nó bắt lửa lẹ lắm, làm “khổ chủ” mặt mày méo xẹo như bánh bèo nhúng nước, đành đi tay không theo tụi bạn.
Đám nhỏ còn có thêm một niềm vui nữa là được ăn bánh trung thu, thứ “đặc sản” quý hiếm không phải lúc nào cũng có. Khoái nhất là mấy cái bánh làm bằng vỏ bột (không có nhân) hình con heo mẹ và mấy con heo con rất dễ thương. Thời đó bánh kẹo còn ít, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có cây cà rem, bịch me ngào đường hay viên xí muội, khúc kẹo kéo hoặc cục kẹo màu loại rẻ tiền, nhưng không phải lúc nào cũng có tiền mua. Lâu lâu được ba má dắt đi ăn kem ly ở tiệm trong thị xã là cả một niềm hạnh phúc.
Chơi trung thu chỉ đơn giản vậy thôi mà vui lắm, không đình đám diễu hành nhưng lại giữ trọn niềm vui tự nhiên của tuổi thơ.
Còn bây giờ, đến mùa trung thu là các tiệm bày bán rất nhiều loại lồng đèn điện tử sản xuất công nghiệp, mẫu mã phong phú, có đèn LED chớp đủ màu và phát nhạc vui tai. Có lẽ đám nhỏ bây giờ ít đứa nào biết làm lồng đèn như ngày xưa, mọi thứ giờ đều có sẵn hết rồi.
Theo Đồng Phước / Báo Thanh Niên