I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THỊ XÃ PHÚ THỌ
Thị xã Phú Thọ được thành lập vào ngày 05/5/1903, khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển lỵ sở của tỉnh Hưng Hóa từ làng Trúc Phê, tổng Thượng Nông, huyện Tam Nông về làng Phú Thọ, Tổng Phú Thọ, huyện Lâm Thao.
Làng Phú Thọ xưa vốn là một làng việt cổ thuần nông, dân cư thưa thớt, tập trung ở 3 khu vực gọi là các động, gồm: động Tiên (phường Phong Châu ngày nay); động Cờ (phường Hùng Vương ngày nay) và động Cao (phường Trường Thịnh ngày nay).
Vào thời Vua Hùng Vương thứ 18, người con trưởng của Bảo Quốc Công đại tướng Ma Khê đã đưa một bộ phận cư dân họ Ma từ núi Đọi (Cẩm Khê) sang cư trú và lập thành động riêng, sau đó hợp nhất với các động của làng, gọi chung là động Phú An. Qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, tên gọi Phú An vẫn được giữ nguyên; khi thì gọi là Phú An Bộ, khi thì gọi là Phú An xã hay làng Phú An. Đến năm 1890, Vua Thành Thái (triều Nguyễn) cho đổi tên động Phú An thành làng Phú Thọ; làng Phú Thọ nằm trong tổng Phú Thọ, huyện Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây.
Ngày 05/5/1903, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển lỵ sở tỉnh Hưng Hóa về làng Phú Thọ và đổi tên tỉnh Hưng hóa thành tỉnh Phú Thọ. Vị trí trung tâm Tỉnh lỵ của thị xã Phú Thọ được thực dân Pháp duy trì và củng cố suốt 42 năm, từ khi thành lập cho đến năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thị xã Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Tỉnh Phú Thọ. Từ thị xã này, Đảng bộ chính quyền tỉnh Phú Thọ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ, củng cố chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân và lãnh đạo toàn dân trong tỉnh trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm giành thắng lợi.
Tháng 02/1968, Tỉnh Phú Thọ và Tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, thị xã Phú Thọ là một trong ba thị xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Từ tháng 11/1996, tỉnh Phú Thọ được tái lập, thị xã Phú Thọ tiếp tục giữ vai trò là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế phía Tây và Tây Bắc của Tỉnh.
Ngày 1/4/2003 Chính phủ đã ra Nghị định số 32/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Phú Thọ, từ đây, thị xã có thêm 3 đơn vị hành chính gồm: xã Hà Thạch, xã Phú Hộ và xã Thanh Vinh. Như vậy, đến tháng 5 năm 2003 thị xã bao gồm 6 xã, 4 phường, tổng diện tích 6.328,65ha, dân số 62.863 người.
II . NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động của Đảng đồng thời mở ra một chương mới trong truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân thị xã Phú Thọ mà khởi đầu là cuộc vận động đấu tranh giành chính quyền từ tay đế quốc, phát xít và bọn tay sai. Ngày 25-8-1945 cùng với nhân dân các địa phương trong tỉnh nhân dân thị xã Phú Thọ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Cuộc khởi nghĩa thành công đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử thị xã Phú Thọ, ngày đổi đời của quần chúng nhân dân thị xã Phú Thọ từ người dân nô lệ đã trở thành người làm chủ thị xã, làm chủ vận mệnh của mình.
Thành tích trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ:
Ngay sau khi chi bộ Đảng thị xã ra đời (4/11/1946) cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Phú Thọ, nhân dân thị xã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng chế độ mới trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, thử thách: Quân tưởng Giới Thạch tràn vào nước ta, chúng đóng quân tại nhiều khu vực ở thị xã Phú Thọ; hậu quả của nạn đói năm 1945, chính sách cai trị “ngu dân” của bọn đế quốc, các tệ nạn xã hội phát triển; thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần 2…
Thực hiện Chỉ thị ” Toàn dân kháng chiến” của Đảng, dưới sự lãnh đạo cña cấp uỷ, chính quyền huyện Thanh Ba, nhân dân thị xã tích cực đóng góp “sức người, sức của” với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với việc triệt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đào hào đắp luỹ, rào làng kháng chiến, đánh địch nhảy dù, quân và dân thị xã còn tham gia chiến dấu và phục vụ chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận, các chiến dịch: Sông Lô (1947), sông Đà (1949), góp phần đập tan cuộc hành quân Ôđian, Pômôn của chúng, bảo vệ vững chắc vùng tự do của tỉnh Phú Thọ. Trong các chiến dịch Hoà Bình Đông Khê, Điện Biên Phủ, thị xã đã đóng góp 300 tấn lương thực, thực phẩm, 100 tấn thịt lợn, 200 tấn lạc, đậu, 2.500 tấn rau, quả…góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Hoà bình lập lại, thị xã được tái lập, cấp uỷ đã lãnh đạo nhân dân thị xã bắt tay vào giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đồng thời vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá của tỉnh, trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại, thị xã Phú Thọ là mục tiêu của không quân Mỹ với 28 lần đánh phá ác liệt và kéo dài, chúng ném hơn 600 quả rốc két xuống Thị xã, gây tổn thất lớn về tài sản và tính mạng của nhân dân. Quân, dân thị xã đã tích cực xây dựng trận địa và hiệp đồng với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn, anh dũng chiến đấu chống trả quyết liệt các đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, cùng với quân và dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của chúng, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của cả nước.
Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong vòng 15 năm (1961 – 1975), toàn thị xã có 1.828 người lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở các chiến trường, trong đó có nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Từ năm 1971 – 1975, nhân dân thị xã đóng góp 1.224 tấn lương thực; riêng 2 năm 1973 – 1974 là 270 tấn thịt lợn, 38 tấn thịt gia cầm…góp phần xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc ta mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tính chung trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, thị xã Phú Thọ có hơn 5.000 thanh niên nhập ngũ hoặc tham gia phục vụ chiến trường, trong đó có 553 người đã anh dũng hy sinh, 652 gia đình liệt sỹ, thương binh, 146 bệnh binh, 8 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Phú Thọ được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu ” Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp: 03 Huân chương Quân công hạng Ba, 02 Huân chương kháng chiến hạng Hai, 01 Huân chương Độc lập Hạng Ba, 13 Huân chương Lao động, 05 cờ thưởng luân lưu của Chính Phủ, 176 bảng vàng danh dự, 1.363 bảng gia đình vẻ vang.
Thành tựu nổi bật trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới
Đất nước thống nhất, cả nước cùng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là : xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ thị xã Phú Thọ đã động viên nhân dân phát huy truyền thống anh dũng trong kháng chiến, khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, đoàn kết, nhất trí, tập trung khai thác các điều kiện thuận lợi và thế mạnh của địa phương để bố trí cơ cấu kinh tế hợp lý, tạo ra bước chuyển biển căn bản về phát triển kinh tế – xã hội của thị xã.
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng – an ninh. Năm 2010, thị xã Phú Thọ được công nhận là đô thị loại III.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND- UBND tỉnh và sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành ở tỉnh, Đảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ đã phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, vươn lên dành được nhiều thành tựu nổi bật: phần lớn các mục tiêu kinh tế đề ra hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã (giá trị tăng thêm, giá so sánh 2010) đạt 12,7% cao nhất trong 6 năm gần đây. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 26,9%, trong đó: thu trên địa bàn tăng 20,3%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại như: Nhà Văn hoá thị xã, Nhà thi đấu đa năng, Quảng trường Bình Minh; các công trình điện chiếu sáng; trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện…được xây mới đã góp phần thay đổi diện mạo của đô thị. Đặc biệt tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thị xã hoàn thành từ năm 2016, cầu Ngọc Tháp, đường Hùng Vương nối trung tâm thị xã với quốc lộ II đã mở ra cho thị xã những thuận lợi để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Mạng lưới thông tin, viễn thông phủ sóng toàn thị xã, đáp ứng tốt nhu cầu về thông tin, liên lạc phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Trong những năm qua, thị xã Phú Thọ tích cực thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; đã có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp được đầu tư đi vào sản xuất, trong đó trung tâm tinh chế, đấu trộn chè Phú Hộ có quy mô lớn nhất cả nước, góp phần tăng giá trị sản xuất trên địa bàn. Chú trọng làm tốt công tác quy hoạch các cụm, khu công nghiệp như: Cụm công nghiệp Thanh Minh với diện tích 30ha; khu công nghiệp Phú Hà với diện tích 350ha tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào xây dựng và kinh doanh. Tính đến năm 2017, đã có 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Khu Công nghiệp Phú Hà, trong đó có 4 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, bước đầu đóng góp cho tăng trưởng chung của thị xã; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn thị xã và các vùng lân cận.
Chú trọng phát triển nông nghiệp cận đô thị và xây dựng nông thôn mới bằng cách làm, bước đi phù hợp. Thị xã đã làm tốt công tác quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất; tập trung thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp; chăn nuôi, thủy sản, giống cây trồng chất lượng cao, sản xuất rau an toàn, trồng hoa… Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, giống vật nuôi đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhân dân đồng thuận cao; Phấn đấu năm 2018, 100% xã đạt chuẩn và thị xã hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý trật tự đô thị, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, đã chỉ đạo xây dựng và tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện quy chế quản lý đô thị trên địa bàn. Thực hiện đề án đặt, đổi tên đường, phố, ngõ phố, số nhà, xây dựng các tuyến phố văn minh; chỉnh trang cải thiện diện mạo đô thị theo hướng hiện đại.
Văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, các thiết chế văn hóa, thể thao được tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển với nhiều loại hình đa dạng, phong phú; 100% khu dân cư đã có nhà văn hóa; 96/107 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa các cấp, tỷ lệ hộ gia đình đạt gia đình văn hóa 87,5%. Giáo dục – đào tạo phát triển đồng bộ ở tất cả các ngành học, cấp học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm đạt trên 95%; năm 2011, thị xã Phú Thọ là một trong hai đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sớm nhất tỉnh. Toàn thị xã đã có 31/33 trường đạt chuẩn Quốc gia; Giáo dục thị xã tiếp tục duy trì vị trí thứ 3/13 huyện, thành, thị về các lĩnh vực công tác.
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh ngày được nâng cao. Hiện thị xã Phú Thọ có 03 bệnh viện (trong đó có 02 bệnh viện của tỉnh đóng trên địa bàn), 01 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực phía Bắc và 01 Trung tâm Y tế với 620 giường bệnh và gần 300 y, bác sỹ cùng với hệ thống trạm y tế ở cơ sở; 10/10 xã, phường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế, trong đó có 6/10 xã, phường đạt chuẩn mức độ II, giai đoạn 2016 – 2020.
Mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách được quan tâm chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,65%; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng lên. Việc chăm sóc người có công, gia đình chính sách, cứu trợ xã hội, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được bảo đảm; thu nhập và mức sống người dân được nâng lên. Công tác quốc phòng, an ninh đạt được kết quả quan trọng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ thị xã vững chắc.
Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới. Trong những năm qua, thị xã đã vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tiễn của thị xã bằng các chương trình công tác trọng tâm, các đề án, nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực phù hợp với từng giai đoạn như: Nghị quyết số 01-NQ/Th.U của Ban Thường vụ Thị ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối vớicông tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án nhà nước thu hồi đất phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thị xã giai đoạn 2015 – 2020”; Nghị quyết số 03-NQ/Th.U của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thị xã Phú Thọ”; Nghị quyết số 05-NQ/Th.U của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã “Về củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ Đảng”; Đề án xây dựng hai xã Văn Lung, Thanh Minh lên phường và Đề án xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh….
Công tác tư tưởng luôn bám sát chủ trương đổi mới và được tiến hành đồng bộ, toàn diện về nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. Công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên được quan tâm, chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tính đến năm 2017, Đảng bộ thị xã có 48 chi, đảng bộ cơ sở (trong đó 24 chi bộ, 24 đảng bộ), 246 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, với trên 5300 đảng viên; trong đó có 10 đảng bộ xã, phường, 38 chi, đảng bộ cơ quan, doanh nghiệp. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đạt trên 70%, không có tổ chức đảng yếu kém.
Tổ chức bộ máy chính quyền và các cơ quan nhà nước được củng cố, kiện toàn hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội có nhiều đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được niềm tin và sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Trải qua 115 năm xây dựng và trưởng thành, ghi nhận những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Ba; Cờ thi đua và Bằng khen của Trung ương, của tỉnh vì có thành tích xuất sắc. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập thị xã, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Phú Thọ vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng.
Nhìn lại chặng đường 115 năm xây dựng và phát triển của thị xã Phú Thọ, trong mỗi giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã với những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, hợp với lòng dân đã mang đến một diện mạo mới cho thị xã Phú Thọ hôm nay. Đây cũng là dịp để các thế hệ người dân thị xã Phú Thọ nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt và tinh thần vượt khó đi lên của Đảng bộ và nhân dân thị xã, tự hào về những kết quả đã đạt được và cùng quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXII, xây dựng thị xã Phú Thọ trở thành thành phố trong tương lai, khẳng định thị xã Phú Thọ là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục phía Tây và Tây Bắc của tỉnh.
Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Thị ủy Phú Thọ – Trang thông tin điện tử thị xã Phú Thọ