Trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ có nhiều điều kiện sống hết mình với đam mê để được cống hiến và làm những công việc yêu thích. Với phẩm chất và đức tính chung là giàu nghị lực, biết biến thử thách thành cơ hội, ở các địa phương trong tỉnh đã có không ít “những bông hoa 9x” vượt qua khó khăn, trở ngại để viết nên câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình.
Mới ở độ tuổi 25 nhưng chị Nguyễn Thị Nhung ở khu 5, xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng đã mạnh dạn bỏ vốn và vay vốn để mở cơ sở sản xuất nước tinh khiết Thanh Bình. Bắt nguồn từ việc chứng kiến đời sống người dân quê mình vẫn còn vất vả nếu muốn sử dụng nước tinh khiết phục vụ sinh hoạt cộng với niềm đam mê kinh doanh và mong muốn phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương, cô gái trẻ Nguyễn Thị Nhung đã thành công khi quyết định khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất nước tinh khiết tại quê nhà. Với hướng đi hợp lý, tính khả thi cao, ý tưởng của chị được mọi người trong gia đình đồng tình ủng hộ.
Năm 2017, chị được tổ chức đoàn hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi cùng với 200 triệu đồng của gia đình để xây dựng cơ sở sản xuất nước tinh khiết; bao gồm hệ thống sản xuất nước đóng bình cao cấp trên dây chuyền tự động sử dụng công nghệ lọc nước nhập khẩu. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền lọc nước này có thể tự vận hành; tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước đầu vào và điện năng tiêu thụ mà hiệu quả sản xuất vẫn cao.
Đồng thời, giúp loại bỏ đến 99,9% các loại độc tố, chất cặn và vi khuẩn có trong nước. Chị Nhung chia sẻ: “Khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất nước sạch đóng bình là súc, rửa bình phải bảo đảm sạch, tiệt trùng. Công đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, nếu súc bình không kỹ thì nước dù đạt chất lượng cũng sẽ có mùi. Vì vậy vấn đề an toàn vệ sinh luôn được cơ sở quan tâm”.
Thời gian đầu, do sản phẩm còn mới nên ít người biết đến, chị Nhung xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể từng giai đoạn, kiên trì đi tiếp thị, quảng bá sản phẩm ở từng nơi. Sau một thời gian, chất lượng và thương hiệu nước uống Thanh Bình từng bước khẳng định được chỗ đứng và được người tiêu dùng chấp nhận. Thị trường tiêu thụ của cơ sở dần mở rộng, số lượng sản phẩm bán ra ngày càng nhiều và ổn định. Sau vài tháng đi vào hoạt động đến nay, cơ sở của chị cung cấp ra thị trường 50 – 60 bình nước loại 20 lít/ngày và được nhiều đại lý trong huyện đặt hàng với số lượng lớn.
Theo lời giới thiệu của Bí thư huyện đoàn Thanh Ba, chúng tôi đến thăm gia đình chị Vũ Thị Hòa (sn 1991) ở khu 4, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba. Ngoài làm tốt nhiệm vụ kế toán Trường mầm non Chí Tiên, trong 3 năm trở lại đây chị Hòa còn là chủ của một vườn đồi rộng hơn 1ha trồng cây ăn quả có múi gồm: Bưởi, cam lòng vàng, chanh… và nhiều cây ăn quả như: thanh long, nhãn, dứa,… với hiệu quả kinh tế cao. Phát triển mô hình trồng cây ăn quả, mỗi năm gia đình chị Hòa thu về từ 150-160 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ở trường chị Hòa được đánh giá là người có tinh thần trách nhiệm trong công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp quý trọng là người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình.
Chị Lê Thị Bích Đào, Bí thư huyện Đoàn Thanh Ba cho biết: “Huyện đoàn đánh giá rất cao mô hình của đồng chí Vũ Thị Hòa, một thanh niên dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Những đoàn viên như đồng chí Hòa sẽ là điển hình để chúng tôi nhân rộng trong tuổi trẻ huyện”.
Tự hào đại diện cho thế hệ 9X được vinh dự là một trong 18 gương thanh niên tiêu biểu của tỉnh năm 2018, chị Nguyễn Thị Bích Hồng, Bí thư chi đoàn xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng là một “bông hoa” rực rỡ trong phong trào phát triển kinh tế lứa tuổi 9X. Chị Hồng đã tìm tòi sáng tạo và xây dựng mô hình “Phim trường thảo nguyên hoa” mang đến hơi thở mới về hình thức kinh doanh cho giới trẻ ở vùng đất Phủ Đoan. Tốt nghiệp ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm 2013, cô gái sinh năm 1991 bắt đầu thực hiện ước mơ của bản thân từ những bó hoa cắt cành như hoa hồng, hoa cúc bán vào các dịp lễ, Tết. Sau đó, chị cùng gia đình mở rộng quy mô trồng các loại cây cảnh, hoa trên diện tích 1.300m2.
Năm 2017, sau khi được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Hồng đã thực hiện Dự án “Xây dựng phim trường thảo nguyên hoa”, là nơi để giới thiệu, trưng bày các giống hoa để những người yêu hoa tìm tới thưởng thức, chụp ảnh và mua về trang trí cho gia đình, đồng thời nơi đây cũng trở thành khu vườn cây mẹ sản xuất hạt giống, nhân giống ghép cành cung cấp cho các nhà vườn với hơn 200 giống hồng ngoại. Ngoài ra chị để dành hơn 1.000m2 trồng các loại hoa thảm, hoa trồng chậu, hoa lớn trang trí công trình. Việc bán hoa, cây cảnh và chụp ảnh từ phim trường mini đem lại cho gia đình chị từ 100-150 triệu đồng/năm.
Nhìn thành quả của những bông hoa 9X đạt được, nhiều người sẽ không khỏi thán phục. Có thành công và cũng có không ít thất bại nhưng họ đều cho rằng, khởi nghiệp là một hành trình rất vất vả nếu có lòng đam mê, kiên trì và sự nỗ lực chắc chắn sẽ gặt hái được thành công.
Theo Thu Giang / Báo Phú Thọ
Độc đáo Lễ hội Đoọc Moong – Mở cửa rừng của người Mường, Yên Lập