Người dân Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ đã trồng chè từ cách đây hơn 100 năm và được chính thức công nhận là Làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh từ tháng 12-2014.
Sau 3 năm được công nhận, làng nghề chè Phú Thịnh đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân có những thay đổi đáng kể.
Làng nghề sản xuất chè truyền thống với 25ha
Làng nghề Sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh ở khu 10 xã Phú Hộ có 25ha trong tổng số 78ha chè của xã với 130 hộ trồng chè (hộ nhiều nhất hơn 2ha chè và hộ ít nhất có 3 sào), trong đó có 39 hộ chế biến chè.
So với các làng chè khác trong tỉnh, làng chè Phú Thịnh có điều kiện thuận lợi để nâng cao năng suất và chất lượng chè vì thường xuyên được cán bộ của Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; trồng thí điểm các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Các giống chè thường được trồng ở đây là LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…
Người dân Phú Thịnh chú trọng áp dụng quy trình an toàn trong chăm sóc và chế biến để sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, có hương thơm, vị đượm đặc trưng nên ngày càng được nhiều khách hàng tìm mua. Một số hộ đã đầu tư máy vò chè, sao chè để nâng cao công suất, giảm sức lao động.
Từ trồng và chế biến chè, thu nhập bình quân của người dân trong làng nghề là 38 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân thu nhập của người dân trong xã, nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã phát triển kinh tế từ ươm bầu chè giống, hiện nay chè giống của làng không chỉ có mặt ở Phú Thọ mà còn được khách hàng ở rất nhiều tỉnh như Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lâm Đồng… ưa chuộng.
Khẳng định thương hiệu làng nghề chè truyền thống
Được công nhận làng nghề đã tạo động lực cho người dân có ý thức hơn trong xây dựng thương hiệu chè Phú Thịnh, bên cạnh những hộ chế biến chè và giao buôn đi các nơi thì một số hộ sản xuất đã gửi sản phẩm đến một số siêu thị, Trung tâm hội nghị tỉnh, các cơ quan đơn vị, tham gia hội chợ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm trong dịp lễ hội Đền Hùng để nhiều người biết đến chè xanh Phú Thịnh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển làng nghề chế biến chè Phú Thịnh vẫn có những khó khăn như máy móc phục vụ cho sản xuất vẫn thô sơ, kiến thức về khoa học kỹ thuật để ứng dụng trong sản xuất chè an toàn của bà con hạn chế… đa phần người dân chưa đổi mới tư duy hướng tới sản xuất hàng hóa, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm của làng nghề chưa tạo được thương hiệu hàng hóa, giá thành chưa cao.
- Xem thêm: Chè xanh Phú Thọ – Đậm đà hương vị trung du.
Để tiến tới sản xuất tập trung, khẳng định thương hiệu của làng nghề, 11 hộ dân trong làng nghề đã liên kết thành lập HTX Sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh với sự hỗ trợ của Liên minh HTX, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng Kinh tế thị xã và các đơn vị liên quan hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, một số máy móc, phân vi sinh, máy hút chân không… để đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm để tạo lập và bảo hộ thương hiệu chè xanh Phú Thịnh.
Ông Nguyễn Hữu Hồng – Trưởng làng nghề kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh cho biết: “Chúng tôi chú trọng tìm kiếm thị trường, chuyển hướng trồng, đầu tư thâm canh chè chất lượng cao, chè đặc sản đúng quy trình kỹ thuật, học hỏi cải tiến kỹ thuật chế biến để đạt tiêu chuẩn chè loại 1”.