Lễ hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước – giữ nước của các Vua Hùng.
Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh của người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
Phong tục giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta, lễ hội được tổ chức long trọng hàng năm với nghi thức đại lễ quốc gia, cùng với sự hành hương “trở về cội nguồn dân tộc” của hàng triệu người từ khắp các nơi trong nước và kiều bào sống ở nước ngoài..
Nguồn gốc của Hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương
Lịch sử ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây ghi nhận trong nhiều văn bản. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10/3 âm lịch hằng năm tại Đền Hùng (nay thuốc thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ).
Đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (quốc lễ, quốc giỗ), tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày,c òn ngày giỗ (11 tháng 3) do dân sở tại làm lễ. Kể từ đây, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh Hội đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương tại Phú Thọ
Những năm gần đây, sau khi Giỗ tổ Hùng Vương được chính thức công nhận là Quốc Lễ. Hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức trong 5 ngày, từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch. Bên cạnh đó, cứ sau 5 năm sẽ tổ chức một lần đại lễ trên khắp cả nước.
Hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức gồm 2 phần: Phần Lễ và Phần Hội.
Phần Lễ được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ vào đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh” (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, đi kèm là nhạc khí từ trống đồng cổ. Tiếp theo đến các cụ bô lão của làng xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương du lịch đền Hùng vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng.
Sau phần lễ là đến phần hội, năm nào cũng tổ chức hội trại văn hóa, cuộc thi kiệu của các làng xung quanh. Với sự xuất hiện của các đám rước linh đình mà không khí lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn.
Hiện nay, ngoài phần lễ hội chính được tổ chức ở khu di tích lịch sử Đền Hùng, tại thành phố Việt Trì trong những ngày từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch sẽ diễn ra nhiều nhiều hoạt động phục vụ lễ hội như: Rước kiệu; trưng bày hiện vật khảo cổ học về thời đại Hùng Vương; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, liên hoan văn nghệ quần chúng, Hát Xoan và dân ca Phú Thọ; thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy…
Ngoài ra, sẽ có tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, Hội thi bơi Chải Việt Trì mở rộng tại hồ Công viên Văn Lang, bắn pháo hoa tầm thấp cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú khác.
Lễ hội Đền Hùng – Điểm hẹn du lịch văn hóa tại Phú Thọ
Trong hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan) – một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Dân gian truyền rằng hát Xoan xưa kia gọi là hát Xuân và có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng.
Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng.
Hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.
Xem lại: Lễ hội đường phố – Giỗ tổ Hùng Vương năm 2017
Comments 4