Kỷ yếu của lớp toán đặc biệt khóa 72-75, Trường cấp 3 Hùng Vương, Phú Thọ. Thầy chủ nhiệm: Nguyễn Áng
Lời tác giả: Với tôi, mọi kỷ niệm của thuở học trò đều đẹp lóng lánh như những viên ngọc, sáng mãi với thời gian và là tài sản chung của mỗi lứa học trò. Với lòng chân thành, tôi xin gom góp những viên ngọc này tặng những thầy cô của Trường cấp III Hùng Vương, Phú Thọ, những Thầy cô đã từng dày công dạy chúng tôi học làm người. Xin tặng những bạn bè của tôi, những người cùng chung với tôi những kỷ niệm thuở học trò… Xin chia sẻ với các học sinh khóa sau, một chút yêu thương của lứa học trò đi trước.
TRỞ VỀ
Tôi trở về thị xã dấu yêu xưa
Con dốc nhỏ có hàng cây long não
Lấp lánh sáng bóng nắng hoa huyền ảo
Mỗi ban mai tôi cùng bạn tới trường
Tôi trở về thời thơ ấu thân thương
Bạn bè cũ có đôi người đã khuất
Nghĩa trang phủ bóng cây rợp mát
Nơi bạn dừng mãi mãi tuổi hai mươi
Hoa lạc vàng mỏng mảnh xinh tươi
Ở lại với bạn tôi hoa nhé
Rưng rưng quá từng cánh hoa nhỏ bé
Như vẫy chào lưu luyến bước người xa
Trường tôi đây trong nỗi nhớ thiết tha
Chẳng còn nữa dấu vết ngày xưa cũ
Vòm xà cừ xôn xao mùa lá đổ
Thả vàng rơi quấn quít ngỡ câu chào
Lớp học xưa giờ ở nơi nào
Ô cửa sổ đu đưa vầng lá biếc
Khi ngồi học chỉ chờ mong hết tiết
Để ào ra nghịch ngợm, nô đùa
Thoáng đâu đây trong xào xạc gió lùa
Tiếng vọng lại của một thời xa lắm
Thầy chủ nhiệm với giọng cười rất ấm
Ánh mắt hiền thật giống ánh mắt cha
Mới thoáng thôi mà mấy chục năm qua
Gặp gỡ bạn thấy vừa quen, vừa lạ
Bao kỉ niệm chợt ùa về hối hả
Lại vô tư ríu rít chuyện trò
Chiều chia tay, bịn rịn phút hẹn hò
Sẽ trở lại miền quê đầy nhung nhớ
Sẽ trở lại mỗi khi mùa phượng nở
Khung trời hoa rưc rỡ tuổi xuân thì.
Tác giả: Vũ ThịThúy Hồng
30/4/2017
Đọc thêm: Cấp 3 làm tôi vương vấn…
KHOẢNH KHẮC – GIA TÀI CỦA THẦY CÔ
Cuối năm chúng tôi học lớp 9, cô Hạnh được chuyển về dạy ở trường. Buổi tối hôm ấy, lũ chúng tôi gồm tôi,Thụy, Quang con, Tiêu, Long cùng thầy ra đón cô và bé An ở ga Phú Thọ. Tài sản của thầy cô ngoài số sách gửi riêng theo đường bưu điện, tất cả chất lên không đầy một xe cải tiến, chỉ nặng vài chục cân. Năm đứa chúng tôi thay nhau kéo chiếc xe nhẹ tênh, vừa đi vừa nghịch…
Thầy cô được trường bố trí ở một gian nhà trong khu tập thể giáo viên của trường, giường ngủ là hai chiếc giường một, mượn tạm của trường, kê sát lại. Ít ngày sau, thầy cùng Đoàn Ngọc Long đạp xe về nhà tôi chơi, vừa để thăm gia đình tôi, vừa định nhờ bố tôi mua hộ một chiếc giường đôi, nhưng không mua được, bởi những qui định ngày ấy quá ngặt nghèo và bố tôi cũng quá liêm khiết, dù ông lúc đó đang làm phó ty lâm nghiệp, kiêm giám đốc Lâm trường Thanh Sơn, trực tiếp quản lý cả vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, trải trên 1/3 diện tích tỉnh Vĩnh Phú. Điều ấy làm mẹ tôi cứ áy náy mãi không thôi.
Cuối năm chúng tôi học lớp 10, thầy ốm, phải đi điều trị tại bệnh viện K74, thị xã Phúc Yên. Thi tốt nghiệp xong, tôi cùng Thụy, Tiêu, Long, Việt có cu Thắng (học sau chúng tôi hai lớp) dẫn đường xuống thăm thầy. Cô gửi cho thầy một nải chuối tiêu nhà trồng, chục trứng… bỏ trong chiếc làn tế cũ, còn chúng tôi đi tay không, chẳng có gì làm quà cho thầy. Đến đầu thị xã Phúc Yên, xấu hổ vì phải xách làn, tên Tiêu đùn cho tôi. Tôi cứ tòng teng xách chiếc làn nhẹ tâng tới tận viện…
Khoảng cuối năm 79, tôi có đến thăm thầy cô, lúc này đã chuyển về trường cấp 3 Kim Anh. Vẫn căn hộ tập thể là một gian nhà lá, vừa ở, vừa dùng để nấu nướng bằng mấy cái bếp dầu ở góc nhà. Chỉ khác là bé An lúc này đã 7 tuổi. Cô đi dạy học, thầy đi cán mì, bé An ở nhà được phân công nấu canh mướp theo một qui trình định sẵn. Bé An chưa biết xem đồng hồ, nước sôi, bỏ mướp vào nồi xong, nó cứ liên tục hỏi tôi “chú ơi, được 5 phút chưa?”. Bữa ấy, tôi ăn cơm cùng thầy cô, cơm độn mì sợi tự cán, bát canh mướp, vài quả trứng tráng…
Năm tháng trôi qua, chúng tôi vẫn hay đến thăm thầy cô, mỗi khi có dịp. Thầy cô không còn nghèo…, và tôi cũng dần hiểu, gia tài của một đời người phải bao gồm cả những tình người, được gặt hái từ những điều tốt lành mà người đó đã gieo trồng trong cuộc sống, đó là thứ tài sản vô giá mà ngày nay, ít người biết trân trọng… Tôi cũng dần cảm nhận được những nhân cách tốt đẹp mà thầy cô đã truyền dạy, để đám học trò chúng tôi lại có thể tiếp tục truyền cho các thế hệ mai sau, để những đức tính tốt đẹp của loài người mãi được trường tồn…
Hàng ngày, tôi vẫn lặng lẽ lên mạng, lặng im chiêm ngưỡng gia tài của thầy cô, một gia tài với vô vàn tình cảm ấm áp mà người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò,… dành cho thầy cô. Một gia tài với tình người ấm áp, nồng hậu, thủy chung… mà những Trịnh Văn Quyết, Phạm Nhật Vượng chắc gì có được… Chúng tôi tự hào và hạnh phúc vì được là học trò của thầy cô…
Hà Nội, ngày 31/3/2017.
Một bài viết của tác giả: Thinh Vu Dinh tại
https://www.facebook.com/TruongTHPTHungVuong/posts/1485413238214953