Mồng 5 Tết Nguyên Đán 2018, tại làng cổ Hà Thạch, xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ) đã diễn ra lễ hội bắt lợn ông Cầu truyền thống của làng.
Lễ hội bắt lợn ông Cầu năm 2018 có sự tham gia đông đảo của hàng ngàn người dân địa phương và thập phương trên cả nước với không khí ngày xuân vui tươi, phấn khởi.
Lễ hội bắt lợn ông Cầu khởi nguồn từ truyền thuyết vào thời vua Hùng, để rèn luyện thể lực của quân sĩ, các vị lạc hầu, lạc tướng trong quá trình luyện quân hoặc sau mỗi lần thắng trận khao quân đã tổ chức những cuộc đi săn lợn rừng, thể hiện tinh thần thượng võ sau đó trở thành truyền thống.
Ông Lê Ngọc Trụ – Trưởng Ban Quản lý di tích đình, đền làng Hà Thạch cho biết, lễ hội bắt lợn ông cầu là đại lễ tế 4 tướng của Vua Hùng (ở đền Trung tối linh tứ – gọi là đền Trung) và tướng Kiều Công Thuận (ở miếu phe Nam – gọi là đền Nam). Đây là lễ hội chỉ riêng có ở làng Hà Thạch, được truyền đời từ ngàn năm nay.
Hàng năm, có hai hộ gia đình được làng Hà Thạch chọn để nuôi, chăm dưỡng 2 con lợn ông Cầu để tế ở hai đền Trung và Nam.
Ông Trần Ngọc Hoàng (55 tuổi) – người nuôi lợn ông Cầu tế ở đền Nam cho hay, ngày 12.12 Âm lịch (năm 2017), một con lợn đực, đen tuyền khoảng 75kg được đưa đến nhà ông. Đến sáng 22.12, dân làng Hà Thạch góp tre, lá cọ làm chuồng. Đến chiều cùng ngày, ban thờ cúng của làng làm lễ, dâng hương sau đó con lợn đực đã tự bước vào chuồng và từ đó trở thành ông Cầu, được dân làng tôn kính. “Nhà” của ông Cầu được làm từ khung tre, lợp lá cọ, trên nóc phải dựng cờ lễ, cửa hướng về phía đền, có võ khí, cờ dựng xung quanh.
Theo ông Hoàng, ngày xưa muốn tìm được lợn đực, đen tuyền rất khó nên người làng phải đi lên vùng bản các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Sơn La… để tìm. Ngày nay, giống lợn Mỹ màu đen tuyền du nhập, được người dân nuôi nhiều nên dễ tìm hơn. Chuồng ở của ông Cầu được bao quanh bằng 3 lớp lá cọ để bảo vệ, tránh rét.
Trước khi làm lễ, lợn vẫn là lợn nhưng sau khi làm lễ cúng, lợn vào chuồng trở thành ông Cầu thì phải được nuôi rất sạch sẽ, ăn cháo hoa và các vật phẩm thờ cúng. Người nuôi, chăm dưỡng ông Cầu cũng phải ăn kiêng, tránh các thức ăn như tỏi, hành, thịt chó, riềng, mẻ, mắm tôm, thịt trâu.
Đến khoảng 14h30 ngày mồng 5 Tết Nguyên Đán hàng năm, ban thờ cúng của làng Hà Thạch sẽ làm lễ cúng sau đó 2 ông Cầu được 24 thanh niên trai tráng đưa vào lồng sắt khiêng rước từ chuồng ra sân vận động. Vừa đi, các thanh niên và hàng trăm người dân theo sau sẽ tung hê ông Cầu tạo không khí sôi động, vui tươi.
Sau một vài nghi thức, hai ông Cầu sẽ được thả ra sân để thanh niên trai tráng vây bắt. Người nào sờ vào lợn Cầu được cho là sẽ hưởng may mắn nên nhiều người đeo bám, vây bắt cho bằng được.
Sau khi bắt được, lợn ông Cầu sẽ được rước ra hai đền Trung và Nam để tắm rửa sạch bằng nước sông Hồng. Tiếp theo ông Cầu được đưa vào đền, người dân thắp hương. Đến 22 giờ cùng ngày, các thủ tục cúng tạ sẽ được ban tổ chức của làng tiến hành. Khi đồng hồ điểm 0 giờ ngày mồng 6 Âm lịch thì lợn ông Cầu sẽ được sẽ thịt để phân phát cho dân làng hưởng lộc đầu năm.
Anh Nguyễn Phương Minh (trú tỉnh Hải Dương) cho hay, rất thú vị khi được chứng kiến lễ hội bắt lợn ông Cầu và thực sự tò mò với những câu chuyện điển tích, truyền miệng về sự linh thiêng của hội ông Cầu mà người dân ở làng Hà Thạch kể. “Tôi thấy lễ hội này sẽ làm cho tình đoàn kết của dân làng ngày càng chặt chẽ” – anh Minh nói.
Nguồn Video: Báo điện tử VTC