Khu di tích lịch sử (DTLS) Quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ), hàng loạt hạng mục được đầu tư, cải tạo, làm mới với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, sẽ thay thế hơn 10.000 m2 đá xanh bằng trải nhựa Asphalt.
Ngày 26/2, có mặt tại Đền Hùng, khắp nơi là hình ảnh máy móc, nhân công đang tất bật thi công nhiều hạng mục. Ngay sát đường lớn, nhiều ô tô, máy múc hoạt động hết công suất, san ủi mặt bằng quanh khu vực giếng Rồng. Cách đó không xa, khu nguyên là nhà bảo vệ cũng chuẩn bị được dỡ bỏ một phần để cải tạo lại. Nhiều diện tích mặt sân đã được lột bỏ, đá chất đống quanh. Từ cổng chính của đền vào sân lễ hội, một hàng cây cọ được trồng mới.
Theo ghi nhận, nhiều người dân sống xung quanh đây đều cho rằng, việc liên tục cải tạo, làm mới một số hạng mục thời gian qua là lãng phí, liệu đã cần thiết phải thay thế, sửa chữa hay chưa? Để thông tin khách quan, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Đức Thọ, Trưởng BQL dự án Khu DTLS Đền Hùng. Ông Thọ cho biết, đang tiếp tục thực hiện các dự án trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể là tu bổ, tôn tạo hạ tầng, cảnh quan trung tâm lễ hội. Theo ông Thọ, đây là việc làm hằng năm. Trong hạng mục đầu tư lần này, sẽ cải tạo lại mặt sân và bãi đỗ xe trung tâm.
“Những năm trước, lượng xe cộ đổ về Đền Hùng rất đông. Năm nay, chúng tôi sẽ sắp xếp lại vị trí bãi đỗ xe hợp lý hơn, tăng diện tích, đảm bảo nhu cầu của người dân. Đồng thời bố trí làm thêm một số nhà vệ sinh, đảm bảo môi trường hơn. Sắp xếp lại hệ thống cây xanh, bồn hoa, thay bằng một số cây trồng bản địa đặc trưng của Phú Thọ như cọ, chè…”, ông Thọ cho biết.
Về việc bóc toàn bộ hơn 10.000 m2 xanh, ông Thọ khẳng định, đây là việc làm cần thiết do quá trình sử dụng có tình trạng cập kênh. Sau khi bóc gỡ sẽ tiến hành trải bê tông nhựa Asphalt. Về nguồn gốc số đá kể trên, ông Thọ cho biết thuộc các dự án triển khai từ trước năm 2015. Đá xanh chủ yếu lấy từ tỉnh Thanh Hoá hoặc granit từ tỉnh Phú Yên.
Cũng theo ông Thọ, kết cấu nền bên dưới giữ nguyên để đảm bảo đi xe điện không bị cập kênh. Lượng đá xanh sau khi bóc ra sẽ tận dụng lát vào các đường nhỏ 2 – 3 mét, xung quanh đền để người dân đi lại. Đơn vị thi công cố gắng làm xong trước 1/3 âm lịch để chuẩn bị lễ hội Đền Hùng 2019.
Có ý kiến cho rằng, khi thi công bãi đỗ xe, dự án đã vô tình phá hỏng khuôn viên giếng Rồng. Về điều này, ông Thọ cho biết, giếng Rồng vốn không được công nhận là di tích, chỉ là giếng cổ của người dân, cách đây mấy năm khi xây dựng bãi đỗ xe mới được trùng tu lại. Giếng vốn được sử dụng lấy nước rửa mặt, chân tay.
Ông Thọ khẳng định, không có việc phá bỏ di tích, chỉ là thu hẹp, đưa tấm bia đề tên gần lại giếng Rồng. Sau đó trồng cây xanh, trải Asphalt làm bãi đỗ xe cho du khách.
Cũng theo ông Thọ, trụ sở trước đây là nhà ở cho bảo vệ nay sẽ được phá bỏ một phần để xây mới một nhà vệ sinh. Theo tìm hiểu của PV NNVN, hiện có khoảng 15 đang đi “ăn nhờ, ở đậu” tại một nhà dân cạnh khu di tích. Trả lời vì sao không bố trí chỗ sinh hoạt cho đội ngũ bảo vệ, ông Thọ nói: “Đã là bảo vệ thì quan trọng là việc thức để canh gác. Còn ăn thì khu di tích có nhà ăn chung nên không cần khu nhà đó nữa”.
Vị này cũng cho biết, mọi việc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Phú Thọ. Các hạng mục đang tu bổ, cải tạo hiện này đều nằm trong dự án trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 với tổng mức đầu tư là 316,2 tỷ đồng. Riêng gói thầu đang thực hiện có tổng trị giá 132 tỷ, nhưng năm 2018 được giao hơn 27 tỷ đồng.
“Năm 2019, chúng tôi đã xin cấp kinh phí 90 tỷ đồng nhưng chưa được giao. Do gấp rút chuẩn bị lễ hội, các hạng mục được thi công trước khi được giao kinh phí. Sau khi hoàn thành và có nguồn tiền về sẽ chi trả cho đơn vị xây dựng”, ông Thọ cho biết.
Theo quy hoạch đến năm 2025, Khu DTLS Đền Hùng rộng 845 ha, được chia thành hai phần là vùng lõi và vùng đệm. Trong đó, khu vực I (vùng lõi) có diện tích 32,2 ha, khu vực II (vùng đệm) có diện tích 812,8 ha.
Cũng theo tìm hiểu của NNVN, đơn vị trúng thầu và đang thi công là Cty CP Xây lắp cơ khí Phương Nam, trụ sở tại TP Việt Trì. Mặc dù có nhiều DN tham gia đấu thầu, nhưng tới nay, Cty Phương Nam vẫn “gắn bó” với khu di tích và thực hiện nhiều hạng mục liên tục từ năm 2016.
Theo Kế Toại / Báo Nông Nghiệp