Đề thi trắc nghiệm Lịch sử trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2019 chia làm 4 cấp độ nhận biết. Thí sinh cần ôn luyện toàn diện kiến thức.
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2019 sẽ diễn ra. Đây là khoảng thời gian các sĩ tử cần tập trung ôn luyện.
Lịch sử là một môn học mà học sinh hay đi theo lối mòn như học thuộc lòng, học tủ. Điều nay luôn mang lại kết quả không cao.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, giáo viên môn Lịch sử – trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương – tỉnh Phú Thọ, với hơn 30 năm kinh nghiệm hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi Quốc gia, thi tốt nghiệp Phổ thông bộ môn Lịch sử đã chia sẻ 5 điều quan trọng giúp các sĩ tử có quá trình ôn luyện môn Lịch sử hiệu quả.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng chia sẻ những kinh nghiệm của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Thuỷ tới các em học sinh và độc giả.
Lựa chọn phương pháp học phù hợp
Với khối kiến thức lớn trong 3 năm học lớp 10, 11, 12 học sinh cần chọn phương pháp học mới mẻ phù hợp cho bản thân thay vì học thuộc lòng.
Có rất nhiều phương pháp học sáng tạo: Lập niên biểu cho các giai đoạn lịch sử, khái quát lại những sự kiện quan trọng, vẽ sơ đồ tư duy,… sẽ rất phù hợp với đặc thù của môn Lịch sử. Đó là hiện hữu nhiều mốc sự kiện, không gian, thời gian.
Học sinh nên kết hợp các phương pháp học với nhau. Ví dụ như lập niên biểu đồng thời khái quát những sự kiện quan trọng trên niên biểu đó.
Phương pháp học vẽ sơ đồ tư duy kích thích sự tập trung của não, giúp người học ghi nhớ lâu.
Khi áp dụng những phương pháp học chủ động này, học sinh sẽ hiểu bài, có hệ thống kiến thức tốt, nhất là sẽ hứng thú ôn tập.
Coi trọng kiến thức nền, kiến thức cơ bản
Đề thi gồm 40 câu trong đó có đến 25 câu nằm ở cấp độ nhận biết và thông hiểu. Nghĩa là 62,5% số điểm của bài thi dành cho phần kiến thức cơ bản.
Do vậy kiến thức nền trong sách giáo khoa sẽ là tài liệu ôn tập tốt nhất.
Bài thi môn Lịch sử sẽ có kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa hiện hành, không nên xem nhẹ bất cứ phần nào.
Từ sách giáo khoa, học sinh trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống của môn học. Học sinh có thể tìm hiểu kiến thức lịch sử qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhưng kiến thức trong sách giáo khoa là kiến thức chuẩn mực nhất.
Sách giáo khoa còn là tài liệu giúp học sinh củng cố, tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức thông qua các bài sơ kết, tổng kết, hướng dẫn ôn tập.
Các học sinh cần tập trung học bám sát kiến thức sách giáo khoa, trả lời đầy đủ các câu hỏi trong sách giáo khoa và sách bài tập.
Trang bị kĩ năng giải thích, phân tích, vận dụng
15 câu hỏi vận dụng trong ma trận đề thi môn lịch sử chiếm 37,5% số điểm toàn bài.
Điều này đòi hỏi học sinh dựa trên cơ sở kiến thức cơ bản, phổ thông để lý giải các sự kiện lịch sử, biết bình luận, nhận xét, đánh giá, chứng minh các sự kiện lịch sử.
Đặc biệt biết liên hệ kiến thức lịch sử Việt Nam với lịch sử thế giới và ngược lại. Từ các sự kiện lịch sử đã qua rút những bài học kinh nghiệm cho hiện tại..
Học sinh muốn đạt điểm cao cần phải có kĩ năng giải thích, phân tích và vận dụng.
Để đáp ứng được những kĩ năng trên, trước hết là phải hiểu bài, vững vàng kiến thức cơ bản. Sau đó mới vận dụng để trả lời những câu hỏi nâng cao.
Học sinh cần tích luỹ kiến thức trong toàn bộ quá trình học, làm nhiều bài tập để trau dồi tư duy.
Không học tủ, học vẹt
Học tủ, học vẹt không phù hợp với tất cả các dạng đề, nhất là dạng đề trắc nghiệm mang tính bao quát kiến thức cao.
Với môn Lịch Sử, học sinh phải nhớ nhiều mốc lịch sử, thời gian, số liệu,… Nhưng học sinh sẽ khó đạt được điểm cao nếu chỉ học vẹt các con số mà không hề hiểu bản chất để vận dụng vào tư duy.
Để ôn tập tốt môn Lịch Sử, các bạn nên học theo trình tự chặt chẽ từ chương, bài, mục trong sách giáo khoa.
Không phải chỉ chọn những phần quan trọng để học mà nên ôn tập có hệ thống toàn bộ kiến thức để dễ dàng liên kết được các vấn đề.
Nên nhớ cách học tủ, học vẹt không những mang đến kết quả thấp cho bài thi mà còn gây hậu quả về lâu dài.
Chăm chỉ, say mê
Lời khuyên thì có rất nhiều, tuy nhiên mọi thứ chỉ là lý thuyết suông nếu các em học sinh không chăm chỉ, say mê. Bởi đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc ôn luyện bất kì môn học nào.
Các em cần chăm chỉ cả khi học trên lớp và ở nhà. Tập trung nghe giảng trên lớp để hiểu bài và nắm được kiến thức cơ bản. Ở nhà hãy dành thời gian để ôn lại và làm các bài tập nâng cao.
Thời gian này các em cần luyện đề hằng ngày. Làm các đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử, không sử dụng tài liệu, tính thời gian và tự chấm điểm.
Việc luyện đề thường xuyên là một phương pháp ôn tập tốt, giúp các em học sinh làm quen dần với kỳ thi.
Chúc các sĩ tử ôn luyện tốt và đạt kết quả đúng như nguyện vọng của bản thân!
Theo Lê Hạnh / http://giaoduc.net.vn