Chiều 13/10, bão số 7 đang di chuyển trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên trong khoảng 170 km từ tâm bão.
Trong 24 giờ tới, bão đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20 km/h. Đến 16h ngày 14/10, tâm bão nằm ngay trên vùng ven biển các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lúc này, sức gió giảm xuống cấp 8-9, giật cấp 11.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão có khả năng đổ bộ vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chiều tối mai (14/10) với sức gió mạnh cấp 8.
Hoàn lưu bão gây mưa lớn
Phân tích đặc điểm của bão số 7, ông Lâm cho biết hoàn lưu bão tương đối rộng, các vùng mây đã bao trùm toàn bộ khu vực bắc Biển Đông, vịnh Bắc Bộ và đảo Hải Nam. Trước và sau khi đổ bộ, bão sẽ gây ra gió giật mạnh, mưa rất to trên đất liền.
Ngoài ra, sự tương tác của hoàn lưu bão với không khí lạnh tăng cường ngày 15/10 khiến mưa lớn xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Các khu vực bắt đầu có gió mạnh khi bão áp sát đất liền chiều 14/10, do rìa bão gây nên.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh tối và đêm nay (13/10), bão số 7 sẽ tương tác với địa hình trên đảo Hải Nam khi di chuyển sâu vào khu vực này. Do đó, cường độ và hướng đi của bão còn tương đối phức tạp.
“Chúng tôi liên tục theo dõi diễn biến của cơn bão này. Đêm nay, xu hướng di chuyển của bão sẽ quyết định khả năng đổ bộ trong những giờ sau đó”, ông Lâm nói.
Chuyên gia cho biết nguy hiểm nhất đối với đất liền là khả năng bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trọng tâm mưa nằm ở các tỉnh đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, tỉnh Hòa Bình, phía nam tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An.
Mưa bắt đầu từ sáng 14/10 và kéo dài đến hết ngày 16/10. Tổng lượng mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm. Các nơi khác không nằm trong khu vực trọng điểm, lượng mưa dao động 100-200 mm.
Chuyên gia cảnh báo các tỉnh miền núi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, khu vực đô thị nguy cơ ngập úng do mưa lớn kéo dài. Đáng lưu ý, tại tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, mưa lớn kèm theo gió mạnh, kể cả trước và sau khi bão đổ bộ. TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) được nhận định là nơi đầu tiên hứng chịu mưa lớn do bão.
Tại Hà Nội, mưa lớn được dự báo xuất hiện từ chiều 14/10, có thể đúng thời điểm tan tầm nên người dân cần lưu ý để lên lịch trình di chuyển cho phù hợp. Tổng lượng mưa trong 3 ngày tới lên đến 200-250 mm gây nguy cơ ngập lụt ở nội đô.
Mưa lớn trở lại Trung Trung Bộ
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định các tỉnh Trung Trung Bộ không chịu ảnh hưởng của bão số 7 nên sẽ giảm mưa từ đêm nay (13/10). Do đó, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam khả năng xuống chậm.
Dù vậy, ngập lụt vẫn chưa thể chấm dứt ở một số điểm như hạ lưu sông Kiến Giang (Quảng Bình), các huyện Hải Lăng, Phong Điền, Quảng Điền (Quảng Trị). Những khu vực này khả năng còn ngập lụt kéo dài do nằm ở vùng trũng thấp.
Ông Long nhận định khoảng ngày 15/10, sau khi bão số 7 suy yếu, một áp thấp nhiệt đới khác di chuyển từ ngoài khơi Philippines vào Biển Đông. Hình thái này có xác suất cao mạnh thành bão, tác động mạnh đến mưa lũ ở Trung Trung Bộ.
Do đó, mưa lớn sẽ trở lại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi từ ngày 16/10 đến 21/10. Trọng tâm mưa lớn vào ngày 16-17/10. Chuyên gia cảnh báo người dân không nên chủ quan khi thấy mưa bắt đầu giảm và lũ xuống dần.
Ông Long cho biết thêm mưa lớn 3 ngày tại miền Bắc khiến lũ trên các sông ở khu vực lên báo động 2-3, đặc biệt là sông Đà, sông Thao và sông Hoàng Long.
Hoàn lưu bão cũng mang theo mưa lên khu vực thượng Lào, tại đây có một số sông nằm trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ An, do đó khả năng lũ ở các sông có thể lên cao.
Theo Mỹ Hà / Zing.vn