Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra và lập biên bản phạt hành chính với trường hợp kinh doanh quần áo trên địa bàn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Phú Thọ vừa tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo K&L, địa chỉ phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ do bà Lê Thị Tuyết Thơ làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán quần áo; trong đó có 41 chiếc áo phông cộc tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Do đó, Đội quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ và gửi công văn yêu cầu giám định đối với toàn bộ số hàng hóa trên.
Sau khi xác minh làm rõ, Đội Quản lý thị trường số 2 xác định bà Lê Thị Tuyết Thơ đã có hành vi vi phạm hành chính về việc bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa 13.940.000 đồng (41 chiếc áo phông nam cộc tay giả mạo nhãn hiệu Adidas).
Với hành vi vi phạm như trên, Đội đã trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Thọ ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên và đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng theo quy định của pháp luật./.
Phát hiện 33.488 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 10/7, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC 03), Công an tỉnh Bắc Ninh và và công an thị xã Từ Sơn kiểm tra 7 cửa hàng kinh doanh quần áo và phụ kiện thời trang tại dốc Baza phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh các mặt hàng quần áo thời trang, túi xách, phụ kiện thời trang, giầy dép có dấu hiệu giả nhãn Burberry, Lacoste, Gucci, Chanel, LV… và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vì vậy, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 33.488 sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang, giầy dép có dấu hiệu vi phạm trên để xác minh làm rõ theo quy định.
Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các sạp hàng tạp hóa nhỏ lẻ đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.
Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm.
Trong thời gian tiếp theo, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện kiểm tra sâu rộng và triệt để hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tại các địa bàn nổi cộm trên cả nước./.
Theo Uyên Hương – https://bnews.vn/xu-phat-16-trieu-dong-vi-pham-kinh-doanh-quan-ao-gia-mao-nhan-hieu/162356.html