Mở đầu năm mới, người dân xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã đón nhận một tin không vui. Vì ban tổ chức không đảm bảo được an ninh của cuộc chơi, phần đánh Phết diễn ra ngày 16.2 (12 tháng giêng) tại Lễ hội Phết đã bị tạm dừng. Hàng trăm thanh niên trai tráng xã Hiền Quan đã đánh trống, hò hét để phản đối quyết định này.
Trong kế hoạch, ban tổ chức đã chia đội hình để thi đấu. Nhưng trên thực tế, hàng trăm thanh niên quá khích đã tràn vào bãi đánh phết để “chơi hôi” với khí thế đầy bạo lực.
Đó là kịch bản chung của nhiều lễ hội. Mọi kế hoạch đều thất thủ trước lượng người đến xem và tham gia quá đông.
Những lễ hội truyền thống, vốn được thiết kế cho một cộng đồng nhỏ như một làng hoặc một vài làng tham gia chung. Ban tổ chức sẽ là các cụ phụ lão cao niên, huy động nhân sự thời vụ là trai tráng trong làng. Mọi thứ diễn ra tại đình làng hoặc một khu đất rộng rãi nào đó.
Tất cả vẫn yên ổn cho đến khi internet lên ngôi.
Người ta bỗng phát hiện ra rất nhiều lễ hội thú vị. Thế là trên những nẻo đường thênh thang mới làm, hàng đoàn ô tô chật ních, những chiếc xe máy kẹp ba, kẹp bốn ùn ùn kéo đến. Từ sự kiện nhơ nhỡ dành cho vài trăm hoặc vài nghìn dân làng, lễ hội truyền thống bỗng hóa thành một sự kiện hàng chục, hàng trăm nghìn người.
Từ một cuộc thi thể thao nhỏ của hàng xóm láng giềng thân quen, hội cướp phết bỗng chốc bùng phát thành cuộc ẩu đả lớn của những người không quen biết. Sự việc vượt dần vượt tầm kiểm soát của ban tổ chức. Trong điều kiện như thế, nét đẹp của cuộc chơi đương nhiên sẽ bị biến tướng.
Sự biến tướng càng được khắc họa sâu thêm trên hệ thống truyền thông. Thích sự giật gân là bản năng tất nhiên của người đọc. Giữa một bài thể hiện cái đẹp và một bài thể hiện cái chưa đẹp của lễ hội… thì số đông người đọc sẽ có xu hướng thích đọc về cái chưa đẹp hơn.
Hình ảnh hỗn loạn ngày đầu Hội Phết Hiền Quan 2019
Ở đây, còn tồn tại khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Các cư dân thành thị có muôn vàn cách để giải trí. Chỉ cần có tiền, một thanh niên thành thị bước ra khỏi nhà là có muôn vàn chỗ để đi chơi. Còn ở nông thôn, sẽ khó hơn rất nhiều để tìm chỗ giải trí, kể cả bạn có tiền.
Vậy nên, rất nhiều độc giả thành thị không thể hiểu nổi tại sao các lễ hội lại đông đến như vậy. Họ cũng không thể hiểu được cảm giác rộn ràng của người dân bản xứ những ngày chuẩn bị lễ hội. Bởi vì cuộc sống của họ đã quá đầy những hình thức giải trí khác.
Sự gay gắt trong những bình luận của độc giả nói lên rằng, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa mọi người trong xã hội đang rất rộng.
Thậm chí có ý kiến còn đề xuất dẹp bớt các thể loại lễ hội vì vừa thiếu văn minh, vừa tốn kém mất thời gian. Rất tiếc, đã là lễ hội bao giờ cũng đi kèm sự ngẫu hứng. Ở đâu có con người, ở đó sẽ có lễ hội dưới những hình thức khác nhau. Cấm cướp Phết thì người ta sẽ đi cướp lộc thánh, cướp hoa tre….
Khi không còn các lễ hội, toàn bộ mạng xã hội sẽ ngập tràn những status về sự cô đơn trong thế giới văn minh, về cách hành xử thiếu tình người, về xã hội máy móc, không có tình làng nghĩa xóm…
Có lẽ chúng ta sẽ cần nhiều lễ hội đặc sắc hơn nữa. Đặc sắc tới mức, mọi người thấy rằng cướp phết Hiền Quan là quá bình thường. Và khi đó, sẽ không còn cảnh khổ sở chen lấn để mong hưởng chút niềm vui lễ hội nữa. Chúng ta đang rất thiếu, chứ không phải là thừa lễ hội.
Tiền nhân có câu: Đừng nguyền rủa bóng đêm, hãy thắp lên một ngọn nến. Thay vì phê phán những lễ hội chưa đẹp, tại sao chúng ta không tạo ra những lễ hội thú vị cho riêng xóm làng, bạn bè, cộng đồng của mình.
Chỉ khi đó, người dân Hiền Quan mới an tâm chơi món cướp phết đặc sắc của quê hương.
Theo Nguyễn Phong Anh / Báo Lao Động