Sau bao năm được canh tác trên đất Phú Thọ, đến nay cây chè đã phát triển mạnh, trở thành cây trồng trọng điểm, đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Theo xu thế thị trường, các vùng chè trong tỉnh đang có những bước chuyển đổi để hòa nhịp. Sản xuất chè an toàn trở thành xu thế tất yếu, tạo ra những giá trị cộng thêm để cây chè phát triển bền vững, dần tạo nên thương hiệu của chè Phú Thọ.
Đi qua những vùng chè, nghe bà con kể lại thành quả sau quá trình canh tác, cải tạo chè, áp dụng kỹ thuật mới, chúng tôi cảm thấy vui lây vì giờ người dân không những sống được mà còn làm giàu nhờ cây chè. Trên những nương chè, câu chuyện của người làm chè khá rôm rả từ vùng thấp đến vùng cao. Đó là những chuyện về giống chè, thu hái chè vụ thu đông, chuẩn bị cho vụ chè tết rồi chè an toàn, chủ trương của tỉnh, của huyện về phát triển cây chè đã mở ra cuộc sống ấm no cho người dân. Đây chưa hẳn là thời điểm thịnh nhất của cây chè, mới gọi là tạm ổn định để có thể yên tâm đầu tư, tạo đà cho những bước tiếp theo trong tương lai với nhiều chủ trương, dự định mới. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, nếu trước đây phần lớn các hộ dân coi việc trồng chè chỉ là nghề phụ bên cạnh trồng lúa, trồng rừng, chưa có sự đầu tư thỏa đáng thì nay trồng chè, đặc biệt là chè sạch tạo hướng đi bền vững, vị thế cây chè trong phát triển kinh tế đã đổi khác. Trên địa bàn tỉnh, cây chè tập trung ở 9 huyện, điều đáng mừng là các địa phương cũng đang gây dựng uy tín cho sản phẩm chè bằng việc tuân thủ sản xuất chè sạch. Dẫu vẫn còn những tồn tại trong phương thức canh tác chè, có nơi chè nguyên liệu chưa đảm bảo nhưng thay đổi tư duy, cách làm cũ đã thành nếp là cả một quá trình và đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu.
Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen, bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh, trồng bằng các giống: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Để nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất chè, tỉnh ta mở rộng diện tích chè an toàn đạt gần 4 nghìn ha.
Về huyện Yên Lập – một trong những vùng chè của tỉnh, đứng từ trên cao nhìn xuống, những luống chè uốn lượn theo hình hài các thửa đất tựa như nét vẽ đầy tinh tế của tạo hóa. Xa xa vạt chè nhô lên như những con sóng xanh rồi lại võng xuống như dải lụa mềm vắt qua các ngọn đồi. Toàn huyện hiện có khoảng 1.500ha chè, sản lượng bình quân đạt trên dưới 15.000 tấn/năm. Huyện đã xây dựng được trên 200ha chè theo tiêu chuẩn an toàn, với diện tích còn lại, bà con cũng tự bảo nhau sản xuất sạch để hướng tới chè an toàn. Nhiều năm về trước, trồng chè sạch đã được đề cập nhưng người dân vốn quen với cách trồng và chăm sóc tự do nên ngại thay đổi. Đã có một vài mô hình triển khai nhưng câu chuyện vẫn chưa có hồi kết khi sản xuất vẫn mạnh ai nấy làm; sản phẩm chè làm ra vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương trôi nổi. Sinh ra trên đất chè, chè nuôi sống bao thế hệ trên đất Yên Lập nhưng nếu cứ làm theo cách cũ thì khó để tồn tại. Ông Đào Kim Phương – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thay đổi tư duy sản xuất chè sạch của người dân bắt đầu từ tuyên truyền, mở lớp cho nông dân học hỏi kiến thức, học tập trung qua lớp tập huấn, học ngay trên đồng ruộng. Sự thay đổi chẳng nói đâu xa có thể thấy ngay trong việc nông dân giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Sản xuất chè theo hướng an toàn, nông dân cần phải tuân thủ những nguyên tắc để đảm bảo cho cây chè sạch bệnh và không tồn dư các chất hóa học. Và người dân cũng nhận ra rằng sản xuất chè an toàn là tiền đề để cây chè phát triển bền vững, đồng thời cũng là yếu tố cơ bản xây dựng thương hiệu chè địa phương.
Cùng với thăng trầm của ngành chè, quá trình phát triển của cây chè trên địa bàn tỉnh từ chè nguyên liệu thuần túy đến chè an toàn hướng đến xuất khẩu là một câu chuyện dài. Đã có thời người làm chè không mặn mà với cây chè vì giá bán bấp bênh, không có đầu ra ổn định, tiếp đến là quy trình sản xuất lạc hậu, không chăm bón nhưng thu hái cạn kiệt khiến chất lượng thấp. Chất lượng nguyên liệu đầu vào thấp là nguyên nhân chính làm chất lượng chè thành phẩm thấp, giá cả và sức cạnh tranh của chè Phú Thọ trên thị trường chưa cao. Rồi có thời kỳ người dân mải mê chạy theo năng suất, coi đó là thước đo giá trị mà chưa chú trọng đến chất lượng và những giá trị gia tăng đi kèm. Năng suất từ 5, 6 tấn/ha được nâng lên gấp rưỡi, người dân đã tạm bằng lòng nhưng khi làm phép tính kinh tế ngay ở cả những nương chè có năng suất tối ưu nhất thì đáp số chưa thể hài lòng bởi cực nhọc là thế mà thu nhập vẫn thấp, chất lượng chưa đạt, có lúc thương lái không thu mua những tưởng phải phá bỏ đồi chè. Bao năm làm chè, chính họ cũng không khỏi ngậm ngùi khi sản phẩm chè họ làm ra không thua kém gì chè của các tỉnh bạn nhưng vẫn phải chịu cảnh “áo gấm đi đêm” vì chưa gây dựng được thương hiệu. Thế nên khi có chủ trương của Nhà nước và các dự án, mô hình khuyến nông sản xuất chè an toàn, người dân mới mạnh dạn làm theo để nâng cao giá trị cây chè, để có thể liên kết với doanh nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu bền vững. Thực hiện rồi người trồng chè mới nhận ra bấy lâu nay tiềm năng lớn của cây chè vẫn chưa được khai thác đúng hướng. Trồng chè an toàn cho năng suất, chất lượng cao hơn và đầu ra ổn định. Mặt khác, thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng kiểm soát chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp chế biến chè đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng chè nguyên liệu vậy nên, việc triển khai các mô hình trồng chè an toàn là đòi hỏi tất yếu.
* Đọc thêm: Nét đẹp đồi chè Phú Thọ.
Bà Nhữ Thị Ngọc Anh – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: “Sản xuất chè theo quy trình an toàn góp phần làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, kiểm soát được chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè. Qua đó, người sản xuất, kinh doanh có sự tham gia tích cực trong hoạt động giám sát, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu chè, gia tăng giá trị sản xuất. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo các địa phương vùng chè cũng như các doanh nghiệp áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, sản xuất theo chuỗi sản phẩm chè khép kín nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ”.
Để nhân rộng chè sạch, trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vùng chè an toàn và bền vững, áp dụng kỹ thuật thâm canh tạo ra sản phẩm nguyên liệu an toàn gắn liền vùng sản xuất với tiêu thụ để từng bước nâng cao sản lượng, giá trị và hiệu quả cây chè. Đó là cơ sở để ra đời các làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè sạch và vùng chè nguyên liệu an toàn.
Từ những mẻ chè trên chảo lửa được xao tay giờ đây đã có những nhà máy chè hiện đại cho ra sản lượng cao gấp nhiều lần và rồi vượt qua sự bó hẹp địa lý, sản phẩm chè Phú Thọ đã dần tạo dựng được thương hiệu, vươn mình đến mọi miền của đất nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Một số doanh nghiệp đã bước đầu thành công trong xây dựng và phát triển thương hiệu chè Phú Thọ như: Công ty TNHH chè Hà Trang, Công ty TNHH chè xuất khẩu Bảo Long, Công ty TNHH chè Phú Hà, Công ty TNHH phát triển Công nghệ và Thương mại Tôn Vinh… Phương thức sản xuất an toàn đã mở ra hướng đi mới, dần xây dựng nên thương hiệu chè Phú Thọ, đây cũng là cơ sở để những người làm chè đặt hy vọng cho một mùa chè mới.