Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, sau 15 ngày xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, số lượng lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là trên 2.000 con.
Hiện nay tại Phú Thọ hầu hết các huyện, thành thị đã phát hiện có ổ dịch bệnh, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi cẩn trọng, không tái đàn ồ ạt.
Tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng dịch, nhất là việc thực hiện “5 không”: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết, không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Theo ông Từ Anh Sơn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, để hạn chế thấp nhất việc phát sinh và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cấp, ngành nhất là cấp xã phải vào cuộc quyết liệt siết chặt quản lý ngay từ đầu vào.
Trong đó, đội kiểm soát lưu động, các chốt kiểm dịch cùng các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn, trong đó đặc biệt là buôn bán, vận chuyển lợn giống không có chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc vào địa bàn.
Ngoài ra, các huyện, thành, thị sớm tổ chức hội nghị với các thương lái, người hành nghề thú y tại cơ sở để phổ biến quy định của pháp luật, đặc biệt là hậu quả pháp lý đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh.
Tăng cường kiểm tra các hộ chăn nuôi lợn nhằm phát hiện sớm lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, xác minh bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đồng thời thành lập các tổ phản ứng nhanh để xử lý khi phát hiện ổ dịch, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Tỉnh Phú Thọ hiện có khoảng 670.000 con lợn và ước số lợn đến tuổi xuất bán khoảng 119.000 con.
Theo Đức Thọ / Báo Công Luận