Một buổi sáng Chủ nhật mùa đông năm 2012. Tôi ngồi ở Cà phê Bến Đá trên bờ sông Hồng, đoạn chảy ngang qua thị xã . Sông Hồng mùa cuối đông nước cạn, từ trên cao chỗ tôi ngồi nhìn xuống, dòng chảy của sông bắt đầu tách ra làm hai nhánh, bao quanh bãi giữa nổi lên giữa sông như một con thuyền lớn đứng yên một chỗ. Bãi giữa chạy dài về phía hạ lưu xa tít, mờ mờ trong sương sớm mùa đông, trên đó ẩn hiện một màu xanh ngát của những luống ngô non đang lớn, ngọn bay phất phơ trong gió đông đìu hiu. Con đường đê quen thuộc chạy dọc theo sông từ Lâm Thao lên đến đây thì đổi hướng, rời bỏ dòng nước đục ngầu của dòng sông Mẹ, rẽ ngoặt chín mươi độ hướng vào trung tâm thị xã. Thiên nhiên ưu đãi cho cái thị xã nhỏ bé này một đặc ân, bờ sông Hồng ở đoạn này cảnh quan thật đẹp, thật nên thơ. Tôi ngồi trầm lặng, chợt ký ức về những năm tháng xa xưa ùa về.Thị xã nhỏ bé này là nơi một quãng đời học sinh của tôi đã trôi qua đầy những kỷ niệm buồn vui…
Thị xã Phú Thọ, tỉnh lỵ của tỉnh Phú Thọ trong thời gian khá dài trước đây, là một thị xã trung du nhỏ bé, hiền hòa, nhưng có lịch sử hơn 110 năm, được chính thức thành lập từ thời Pháp. Thị xã được xây dựng ngay sát bờ sông Hồng, từ thời Pháp thuộc cho đến tận những năm 60 thề kỷ trước là một thị xã sầm uất, trên bến dưới thuyền. Người Pháp sau khi thiết lập bộ máy cai trị ổn định ở Bắc kỳ, đã cho xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai để thông thương với Vân Nam, Trung Quốc. Đường sắt này chạy xuyên qua giữa thị xã. Ngoài ra, các con đường Quốc lộ 32 và Tỉnh lộ nối Sơn Tây, Hòa Bình với các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc như Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, …và Quốc lộ 2 từ Hà Nội lên các tỉnh đó đều chạy ngang qua thị xã Phú Thọ. Người Pháp còn xây dựng một sân bay quân sự dã chiến ở noại ô thị xã phục vụ chiến tranh trong những năm 45 – 54. Khó mà có một tỉnh lỵ nào lại có được điều kiện giao thông tuyệt vời như vậy.
Sông Hồng đoạn chảy qua vùng Phú Thọ được gọi là Sông Thao. Không hiểu từ đâu có xuất xứ tên gọi ấy, có thể vì nó chảy qua vùng có huyện Lâm Thao – nơi tôi sống từ nhỏ cho đến lúc học hết phổ thông. Nhưng cái tên Sông Thao dùng để gọi cho cả một đoạn dài từ các huyện vùng thượng lưu của tỉnh Phú Thọ như Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê …chứ không cho phải chỉ riêng cho đọạn chảy qua Huyện Lâm Thao. Có thể do vùng Lâm Thao ngày xưa từ thời Nhà Nguyễn là một vùng rất rộng lớn, gọi là Phủ Lâm Thao, bao gồm tất cả các huyện phía bắc và tây của tỉnh Phúa Thọ, giáp với các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình…Dù thế nào, tôi thấy cái tên Sông Thao thật là hay, gần gũi và thân thiết với dân vùng này hơn trong đó có tôi. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận từ thời kháng chiến chín năm đã sáng tác một trường ca nổi tiếng về con sông này, đó là bài Du kích Sông Thao.
Nhân tiện nói về sông Hồng, tôi chợt nhận ra vùng Phú Thọ nhà tôi thật may mắn là nằm giữa hai con sông quan trọng của vùng Bắc bộ. Bên này là sông Hồng đỏ rực phù sa, bên kia là Sông Lô nước trong xanh ngắt, hai sông hợp lưu ở vùng Bạch Hạc chảy về xuôi. Đấy là chưa kể còn sông Đà lừng danh cũng chảy qua địa phận Phú Thọ vùng Trung Hà, Hưng Hóa giáp Sơn Tây, đổ vào Sông Hồng ở chính vùng Lâm Thao này. Như vậy Phú Thọ có tới hai ngã ba sông. Và Sông Lô trong kháng chiến chín năm cũng nổi tiếng bởi chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947 và cũng đi vào lịch sử qua bài Trường ca Sông Lô bất hủ của Nhạc sỹ Văn Cao. Tôi sẽ có dịp trình bày cảm nghĩ của mình với hai bài hát này trong dịp khác.
Sông Hồng gắn bó với tuổi thơ tôi hơn các con sông kia, vì đơn giản là nhà tôi ở cách bờ đê Sông Hồng chỉ gần một cây số. Mùa lũ, sông Hồng nước đấy ắp, có khi mấp mé tràn bờ đê, nước chảy cuồn cuộn đổ từ thương lưu về rất hung dữ. Hồi nhỏ, khoảng tháng sáu đến tháng tám dương lịch là mùa nước lũ về, bọn nhóc chúng tôi được nghỉ hè, thường ra bờ đê đứng xem nước lũ. Bập bềnh trôi trên dòng nước cuồn cuộn đỏ phù sa ấy có khi là những đám củi, những xác lợn gà chết trôi từ miền ngược về. Thỉnh thoảng chúng tôi còn thấy xác những ngôi nhà nổi bập bềnh, xoáy tròn theo sóng nước cuồn cuộn, có lúc có cả một cái chum sành to nổi bập bềnh và trôi qua rất nhanh, nó cứ trồi lên hụp xuống nhưng không hiểu sao không bị chìm. Thậm chí, có một lần bọn trẻ con chúng tôi đứng chết lăng không đứa nào dám nói câu gì khi phát hiện một xác người chết đuối trôi lềnh bềnh không xa bờ đê chỗ chúng tôi đứng. Cả bọn sợ hãi ù té chạy không dám lại gần. Nhưng sau đó không nén nổi tò mò, sau khi cái xác chết đuối đã trôi đi chúng tôi lại mon men ra đứng trên bờ đê nhìn ra sông cái vẫn đang cuộn cuộn chảy như không bao giờ hết được nước từ thương nguồn, mang theo trong mình nó bao nhiêu thứ bí ẩn hoang dại của lũ lụt từ miền núi đổ về. Tôi nhớ mùa lũ năm 1971, nước dâng rất cao, mấp mé mặt bờ đê. Chúng tôi đứng xem nước lũ, vừa phấn khích trước những cái lạ lùng bí ẩn kia vừa có cảm giác lo sợ mơ hồ, có cảm giác bất an thế nào đó. Nhưng không đứa nào muốn bỏ về. Lúc đó là khoảng ba giờ chiều. Đột nhiên chúng tôi tiếng la hét ầm ĩ phía thị trấn. Chúng tôi bỏ chạy, tụt xuống chân đê, băng qua cánh đồng về thị trấn, lao đến phía nam thị trấn. Thị trấn Lâm Thao nằm trên một khu gò đất khá cao và bằng phẳng, bao quanh là cánh đồng rộng kéo dài đền tận chân đê sông Hồng. Sông Hồng chảy về đến Lâm Thao thì vòng quanh về phía trái như một vòng tròn, ngoặt về phía Việt Trì. Lúc chúng tôi ra đến khu phía nam thị trấn thì nước đã dâng lên đến tận chân gò. Con đường bao quanh thị trấn, cũng cao như một con đê so với cánh đồng. Từ chân gò đến mặt đường cũng phải cao gần mười mét. Chúng tôi ra đến nơi thì đã có rất nhiều người dân thị trấn và người qua đường đang đứng xem, bàn tán sôi nổi. Người thì im lặng, kẻ thì bàn tán oang oang, nhưng xem ra ai cũng lo lắng. Nhiều người cho biết đê bị vỡ, có người bảo không phải vỡ, mà bị phá, để cứu Hà Nội khỏi bị nước ngập tràn vào vì nước năm nay quá cao. Chỉ có bọn trẻ con chúng tôi là vô tư, thấy vui hết cỡ vì từ bé đến giờ chưa chứng kiến cảnh tưởng lạ lùng thế này bao giờ. Tuy nhiên ai cũng bảo rằng nước chỉ ngập lên khoảng vài ba mét là cùng, không thể ngập lên đến thị trấn được.
Khoảng vài giờ sau, khi nước lên khá cao, ngập kín chân gò, một cảnh tượng kinh hãi diễn ra: hàng đàn rắn và chuột đồng lúc nhúc bơi hối hả từ giữa cánh đồng bây giờ ngập nước trắng xóa, chúng lao vào bờ và nằm lả đi la liệt ở chân gò. Bọn trẻ tinh nghịch lấy đất đá ném chúng, nhiều con bị ném trúng cũng vẫn nằm yên không nhúc nhích. Chắc là chúng ra sức bơi từ rất xa vào bờ để tránh bị chết đuối, giờ không còn đủ sức dù chỉ để bò đi trốn. Rắn lớn rắn bé đủ các kiểu, chủ yếu là rắn nước, rắn ráo, có vài con cạp nong mình vằn loang lổ. Chuột thì thôi đủ các cỡ to nhỏ, con nào cũng run rẩy sợ hãi, đúng như câu thành ngữ ” ướt như chuột lột”..!!!
Nhá nhem tối chúng tôi quay về nhà. Đến khoảng nửa đêm, đang ngủ say bỗng chúng tôi nghe tiếng la hét ầm ĩ. Thì ra là nước sông đã tràn vào tận thị trấn rồi. Tôi tỉnh dậy, chỉ kịp thấy nước đã tràn vào nhà gần đến nửa chân giường, người lớn hét lên kêu trẻ con thoát ra ngoài, chạy về phía đầu trên thị trấn cao hơn, chưa bị ngập. Rồi chỉ khỏa gần một giờ đồng hồ sau, nước ào về cuồn cuộn, dâng lên ngập gần lút mái nhà, chúng tôi lại phải chạy tiếp. Quần áo chăn màn, dồ dùng, sách vở….không kịp chạy, trôi lềnh bềnh khắp nơi. Trận lụt mùa hè năm 1971 ấy đã ghi vào tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi một dấu ấn sâu sắc không bao giờ có thể quên.
Nhưng vào khoảng cuối đông, qua mùa xuân và vào đầu hè, nước sông như biến đâu mất, con sông rộng mênh mông mùa lũ bỗng cạn khô gần hết, chỉ còn lại một dòng nước nhỏ chảy nhẹ hiền hòa men sát một bên bờ. Tôi nhớ có những lần mùa hè, buổi trưa nắng đầu hè chói chang, nóng gắt, lũ trẻ chúng tôi sau khi leo trèo nghịch ngợm đã chán, bèn rủ nhau ra sông tắm và mò tôm. Chúng tôi phải đi bộ qua bãi cát rộng nóng bỏng rãy cả chân, vượt qua bãi giữa sang gần bờ bên kia, nơi dòng sông thu hẹp lại như một con suối nhỏ,. Chúng tôi cả bọn cở trần truồng, nhảy xuống sông bơi lội thỉa thích, nước sông mát lạnh dù vẫn hơi đục. Và thật lạ, dưới đáy sông là nền cát phẳng phiu, lũ tôm he, tôm rảo to bằng ngón tay cứ nằm yên như ngủ trưa không hề động đậy, chúng tôi chỉ việc lặn trồng cây chuối xuống, quờ cả hai tay nhặt mỗi lần cũng được vài ba con rồi nổi ngoi đầu lên bơi vào bờ. Hay như lúc này đây, vào một buổi sáng mùa đông, trời se lạnh, tôi ngồi trên bờ sông trong quán cafe Bến Đá nhìn mông lung ra xa, một màn sương mờ ảo phủ lãng đãng khắp mặt sông, bãi giữa lờ mờ trong làn sương như khói chiều, dòng nước nhỏ như tĩnh lặng nằm ngủ yên bình thản.
Đó là Sông Thao quê tôi.
Ngày xưa ( lại ngày xưa ! ) sông có rất nhiều cá. Các loại cá nheo, cá bò, thỉnh thoảng có cả cá chiên, cá lăng…thịt trắng và thơm ngon, nhiều vô kể. Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn mua vài con về kho hoặc rán lên ăn là chuyện thường. Bây giờ, mỗi lần về quê, tôi bảo các cô em gái tôi tìm mua vài con ăn, các cô ấy cười bảo: ” Bây giờ sông làm gì còn cá nữa hả bác! ” . Buồn thật nhỉ !!!
Buổi tối. Lang thang một mình dạo quanh thị xã. Thị xã miền trung du, chỉ cách Hà Nội khoảng 90 km mà như ở một thề giới khác, nhỏ bé, hiền hòa, yên tĩnh. Thực ra, thị xã cũng đẹp như phần lớn các ” phố núi ” miền trung du khác, phố xá nhỏ, rợp bóng cây, các cây xà cừ cổ thụ che kín đường, đường phố thì uốn lượn lên đồi xuống dốc thật lãng tử!!! Nó khác vẻ đơn điệu của các đô thị đồng bằng. Năm 2010 thị xã kỷ niệm 110 năm thành lập. Như vậy thị xã là do người Pháp lập ra và xây dựng từ hơn 100 năm nay. Trước đây nó từng là một thị xã xinh xắn, sầm uất, trên bến dưới thuyền, tiếng tàu hỏa hơi nước chạy sình sịch ngày đêm. Đến khoảng cuối những năm 60 thế kỷ trước, tỉnh Phú Thọ sáp nhập với Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú, tỉnh lỵ chuyển về Việt Trì, thế là thị xã này như bị bỏ quên. Sau này tách tỉnh ra lại, nhưng tỉnh lỵ vẫn đóng ở Việt Trì. Việt Trì càng được xây dựng, mở mang bao nhiêu thì Phú Thọ lại càng như nhỏ bé đi cũ kỹ đi bấy nhiêu. Tôi đã từng sống ở đây hai năm, khi tôi học hai năm cuối phổ thông tại trường cấp 3 Hùng Vương tại thị xã. Nhân tiện phải nói rằng, Trường Phổ thông Cấp 3 Hùng Vương thuộc trong số ít trường cấp 3 lâu đời ở miền Bắc, nó được thành lập từ năm 1945 ở trong rừng Việt Bắc, lúc đó là trường cấp 3 chung cho gần chục tỉnh vùng trung du và Việt Bắc. Trường Hùng Vương cũng là trong ít trường cấp 3 có lớp chuyên toán đầu tiên trên toàn Miền Bắc, từ năm 1965. Nhiều học sinh cũ của trường sau này đã thành đạt, hoặc rất nổi tiếng. Có lẽ tôi sẽ phải dành riêng một bài viết về trường Hùng Vương sau, bời vì tôi cũng là cựu học sinh chuyên toán của trường.
Tôi đi qua ngã tư trung tâm, đứng trước rạp chiếu bóng. Nó bây giờ như trở thành phế tích, bên ngoài trông cũ kỹ, mốc meođóng cửa im ỉm. Vậy mà cách đây gần 40 năm nó từng là biểu tượng văn hóa, là nơi tụ họp, hẹn hò của đám thanh niên nam nữ mỗi buổi tối. Hồi đó rạp này hay chiếu các bộ phim truyện gọi là tâm lý xã hội của Liên Xô, CHDC Đức,…nói chung là của ” phe ta”. Thỉnh thoảng tôi cũng trốn học buổi tối ra rạp xem mỗi khi có chiếu phim mới được đồn là ” xem hay lắm”. Tôi nhớ những phim như: Sáu người đi khắp thế gian, Oskeola, Sân ga chỉ có hai người, Kỳ nghỉ hè cuối cùng, hay là bộ phim Những kẻ báo thù, Những người hát rong….là xem ở rạp này. Bây giờ trông nó như cái nhà kho bỏ hoang, buồn quá.
Đi một vòng qua cây đa lịch sử, ra cầu Trắng, quành ra ga, quay vê vườn hoa, là hết thị xã. Đường phố vẫn nhỏ bé như xưa, nhà cửa có khang trang hơn, đẹp hơn một chút, nhưng nói chung cũng không thay đổi nhiều. Vườn hoa, nhà ga…vẫn thế, thị xã vẫn đi ngủ sớm. Tối mùa đông lạnh, mưa phùn lất phất, đường phố vắng, lại càng làm cho nó giống như ngày xưa của những năm bảy mươi . Nhớ lại một tối mùa hè năm 1975, tôi và Hồng Hải, bạn cùng lớp, rủ nhau đi xem phim ở rạp thị xã. Hôm đó chiếu bộ phim ” Kỳ nghỉ hè cuối cùng”. Xem phim xong, khoảng 9 giờ tối, ra khỏi rạp, trời mưa, kiều mưa dầm tháng bảy. Tôi với Hải chợt chưa muốn về, bèn rủ nhau đi dạo quanh thị xã. Chúng tôi mặc áo mưa, cứ đi dưới trời mưa rả rích, đường phố không một bóng người, chỉ có mưa rơi xuyên qua ánh đèn đường lờ mờ yếu ớt. Chúng tôi cứ bước chậm rãi, không ai nói câu nào, im lặng đi mãi, hết phố này lại rẽ vào phố khác, …rồi đi qua Cầu Trắng, Vườn Ươm, trời vẫn mưa to. Gần đến ký túc xá, Hải bảo: Phim hay thật nhỉ. Tôi đáp: Ừ, hay, hơi buồn man mác. Bài hát trong phim cũng hay. …. Chỉ thế thôi, mà sao tôi nhớ mãi buổi tối mùa hè đi dạo dưới trời mưa hôm ấy.
Hôm nay vẫn những con đường ấy, trời cũng mưa nhưng lất phất dưới gió lạnh mùa đông. Chỉ khác là có mỗi mình tôi. Nhớ về quãng đời học sinh cấp ba, có nhiều kỷ niệm buồn vui, nhiều bạn bè. Bây giờ họ đều đi xa, không còn ai ở lại thị xã đìu hiu này. Nhiều người tôi chưa gặp lại kể từ ngày ra trường. Bạn giờ ở đâu nhỉ.
Hồi ấy, tôi từng có một mối tình học trò với một cô bé học trò, cả hai đều khờ khạo, ở chính cái thị xã nhỏ bé dễ thương này….
Nguồn: Blog Lê Quang