Mải chơi, lười làm, Hà Văn Đĩnh (SN 1987) thường xuyên tụ tập uống rượu nên hay xảy ra mâu thuẫn với bố, đỉnh điểm là trận đánh tước đoạt mạng sống của nam thanh niên 32 tuổi.
Vụ án mạng con dùng búa đánh bố, bị bố đánh chết vừa xảy ra trên địa bàn xã Văn Luông (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) khiến không ít người bản địa đau xót cho gia đình ông Nguyễn Văn Huân (SN 1951).
Chỉ vì không thể kiềm chế trong lúc cãi vã, Đĩnh đã dùng búa đánh vào đầu bố, khiến ông Huân bị thương. Bực tức vì hành động côn đồ của nghịch tử, ông Huân đã giành lại búa và đánh vào đầu Đĩnh khiến nạn nhân ngã lăn ra đất, nằm thoi thóp và được người thân đưa nhập viện, nhưng không qua khỏi.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Văn Luông cho biết, Đĩnh là duy nhất trong gia đình. Dù đã lớn tuổi, nhưng Đĩnh lười làm, mải chơi, không có nghề nghiệp ổn định. Đĩnh thường tụ tập bạn bè uống rượu.
Thời gian gần đây, sau mỗi lần uống rượu Đĩnh thường xảy ra cãi vã, xích mích với bố. Sau khi nắm bắt được sự việc, phía công an xã đã mời Đĩnh lên viết cam kết, nhắc nhở, nhưng Đĩnh vẫn chứng nào tật đấy.
“Đĩnh thường tụ tập với đám thanh niên hơi “dở người” trong làng. Nhóm này thường bắt ếch, bắt ngóe để nhậu. Đã vài lần phía công an xã nhắc nhở, mời Đĩnh lên viết cam kết không tái phạm việc cãi vã với bố…”, vị lãnh đạo xã Văn Luông nói.
Cũng theo vị lãnh đạo xã này, vì lười làm, mải chơi, nên đến giờ Đĩnh vẫn chưa có vợ con.
Trước đó, khoảng 15h chiều 1/5, Hà Văn Đính (SN 1987) về nhà sau cuộc nhậu, vì ngà say nên Đính gây sự, cự cãi với bố đẻ là ông Nguyễn Văn Huân.
Đính dùng búa đinh lao tới đánh vào đầu bố khiến ông bị thương. Bực tức vì hành động côn đồ, ông Huân đã giành lại búa và đánh vào đầu Đính khiến nạn nhân ngã lăn ra đất, nằm thoi thóp và được người thân đưa nhập viện. Đến khoảng 21h cùng ngày, Đính không qua khỏi vì vết thương quá nặng.
Công an huyện Tân Sơn đang tạm giữ ông Huân để lấy lời khai.
Theo Hoàng Duyên / Báo Gia đình và Xã hội
Người bố dùng búa đánh con tử vong ở Phú Thọ sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng vụ việc con trai say rượu về nhà đánh bố đẻ, bị bố đánh lại tử vong là vụ việc hi hữu nhưng rất đau lòng về đạo nghĩa cha con.
Bởi vậy, nhiều người cho rằng người con như vậy là “nghịch tử”, bất hiếu nên bị cha đánh tử vong. Theo thông tin ban đầu thì “nạn nhân Đính say rượu nên đã về nhà dùng búa đánh bố mình là ông Huân tuy nhiên bị ông Huân giành được búa và đánh lại. Hậu quả khiến Đính tử vong”.
Với thông tin này thì chưa rõ được hành vi của ông Huân có cấu thành tội phạm hay không. Để xác định được trách nhiệm pháp lý của ông Huân thì cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của hai bố con khi vật lộn với nhau.
Làm rõ tư thế và diễn biến hành vi, diễn biến tâm lý của ông Huân khi chống đỡ và đánh lại Đính để làm rõ việc sử dụng vũ lực, đánh lại Đính của ông Huân có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc các trường hợp khác loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy Đính đã dùng búa đánh ông Huân trước, ông Huân đã chống trả lại sự tấn công từ Đính, sau khi ông Huân giật được búa từ tay Đính thì Đính vẫn tấn công ông Huân.
Lúc này, ông Huân đang bị thương tích, không còn cách nào khác buộc phải đánh trả lại Đính dẫn đến hậu quả Đính tử vong thì đây là trường hợp phòng vệ chính đáng. Hành vi của ông Huân trong trường hợp này là sử dụng vũ lực trong trường hợp pháp luật cho phép và trong giới hạn pháp luật cho phép.
Còn trường hợp sau khi giằng giật được chiếc búa từ tay Đính, Đính không còn tấn công ông Huân nữa (ông Huân không còn bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nữa) nhưng vì bực bội, tức tối nên ông Huân đã dùng búa đánh nhiều nhát vào vùng hiểm yếu của Đính đến mức Đính tử vong.
Trường hợp này việc sử dụng vũ lực của ông Huân là quá mức cần thiết, hành vi này có bể bị xử lý về tội giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Điều 126 BLHS 2015:
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”
Vì vậy, cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ hành vi, diễn biến sự việc và ý thức chủ quan của ông Huân để xác định việc sử dụng vũ lực của ông Huân để đánh Đính có vượt quá mức cần thiết hay không, có thuộc trường hợp quy định tại Điều 22 hoặc Điều 24 Bộ luật hình sự hay không.
Nếu hành vi của ông Huân thuộc trường hợp quy định tại Điều 22 hoặc Điều 24 Bộ luật hình sự thì hành vi dùng vũ lực của ông Huân là pháp luật cho phép và ông này được loại trừ trách nhiệm hình sự trong vụ việc này.
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Đời sống Plus / GĐVN