Giai đoạn 2021- 2030, tỉnh Phú Thọ sẽ huy động khoảng 41.000 tỷ đồng, bình quân 4.000 tỷ đồng/năm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Xác định giao thông đi trước mở đường, tỉnh Phú Thọ đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư thêm nhiều công trình giao thông trọng điểm nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tăng cường kết nối vùng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ vừa bổ sung thêm 11 tuyến đường trọng điểm vào mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 nhằm bảo đảm tính kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, khai thác tối đa những vùng có tiềm năng, lợi thế.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai quy hoạch xây dựng một số cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy… để tăng cường kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo người dân sinh sống hai bên bờ sông.
Dự kiến trong giai đoạn 2021- 2030, tỉnh sẽ huy động khoảng 41.000 tỷ đồng, bình quân 4.000 tỷ đồng/năm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Nguồn vốn sẽ được huy động từ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương, bộ, ngành cho các công trình trọng điểm và phát huy nội lực địa phương cho các công trình địa phương.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực triển khai các dự án đường Âu Cơ kéo dài từ IC7 đi Khu công nghiệp Phù Ninh; đường P5 Phù Ninh; xây dựng các tuyến đường đấu nối với các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, đường trục vào các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trước mắt, tỉnh sẽ đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ, Cầu Vĩnh Phú….
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh theo Quy hoạch các đoạn từ Xuân Mai – Tam Nông để giúp tỉnh Phú Thọ có thêm điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp Trung Hà (huyện Tam Nông), Phú Hà (thị xã Phú Thọ) và các cụm công nghiệp dọc hai bên tuyến.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục nghiên cứu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh; tăng cường phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án đang thực hiện đầu tư sớm hoàn thành.
Nhờ tăng cường đầu tư, đến nay hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từng bước hoàn thiện, kết nối cơ bản với các tuyến trục giao thông quốc gia, tạo sự liên thông giữa đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận… góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 đến 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện 35 dự án giao thông với tổng vốn huy động đạt trên 6.000 tỷ đồng. Nhiều dự án giao thông quan trọng được triển khai tạo thành trục giao thông huyết mạch, kết nối tỉnh lộ với quốc lộ, kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với trục giao thông đối ngoại quan trọng.
Như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Trung Hà – Cổ Tiết, Dự án cầu Văn Lang theo hình thức BOT; dự án cầu Mỹ Lung mới trên QL70B tại Km31+325; dự án điều chỉnh tuyến QL32C đoạn qua thành phố Việt Trì…
Đặc biệt tỉnh đã hoàn thành xong 3 nút giao IC7, IC9 kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, các khu công nghiệp và nút giao IC11 kết nối với Quốc lộ 70B tại xã Vô Tranh để phát triển Khu du lịch Đầm Ao Châu, KCN Hạ Hòa, huyện Hạ Hoà. Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn.
Tỉnh Phú Thọ có hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tương đối lớn với trên 10.000km; trong đó, quốc lộ chiếm 2,81%, đường tỉnh 7,31%, đường huyện 7,8%, còn lại là đường liên xã, thôn xóm và đường đô thị. Hiện nay, nhiều tuyến đường bộ của tỉnh chưa đạt quy mô kỹ thuật theo quy hoạch, một số đoạn đã hư hỏng, xuống cấp; nhiều tuyến quốc lộ bị chia cắt bởi hệ thống các dòng sông lớn, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn và phân kỳ đầu tư trong thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả để tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông ở tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, hiệu quả, an toàn; mở đường cho sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững./.
Theo: Lâm Đào An/TTXVN