Phú Thọ đang tìm cách biến di sản văn hoá và thiên nhiên thành tài sản sinh ra doanh thu trong bối cảnh phát triển du lịch về nguồn theo cách làm truyền thống giờ đây đã không còn phù hợp.
Làm thế nào để khai thác ‘mảnh đất vàng’ với thế mạnh đặc thù từ các giá trị văn hoá, lịch sử như đền Hùng và hát xoan đến những danh thắng đẹp như vườn quốc gia Xuân Sơn vẫn là một bài toán mà tỉnh Phú Thọ vẫn đang đau đầu tìm lời giải.
Có một thực tế đáng buồn được các chuyên gia từ Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra là hiện nay, du khách vẫn luôn gắn du lịch Phú Thọ với du lịch đền Hùng và số đông du khách vẫn chỉ nhắc đến đền Hùng khi nói về du lịch Phú Thọ.
Trong khi đó, Phú Thọ có tới 1.372 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích, trong đó có một di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 72 di tích cấp quốc gia, 209 di tích cấp tỉnh, 260 lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ.
Ngoài Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh còn có các thắng cảnh như mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tam Giang, ao Giời – suối Tiên, đầm Ao Châu, mở ra cơ hội phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng.
Các chuyên gia ví von du khách hiện nay dường như đang xem Phú Thọ như một cô gái đẹp mà họ gặp trên đường đi vãn cảnh, chỉ dừng lại ngắm một lúc mà ít khi nảy ý giành thời gian ở lại lâu hơn.
Chính Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng thừa nhận du lịch địa phương đang đối diện với những cản trở như cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa thật sự phong phú, đặc trưng và hấp dẫn khách du lịch; sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng mang dấu ấn của đất tổ cội nguồn còn hạn chế.
Như vậy, dù có thu hút được nhiều du khách nhưng không biết cách giữ chân và mang nhiều trải nghiệm hơn cho họ thì du lịch cũng khó phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
“Chẳng cần gì to tát, nếu như Phú Thọ có được một loại rượu đề tên ‘rượu đất Tổ’ được sử dụng tại bàn ăn của các nhà hàng trên địa bàn tỉnh hay là một thức quà đặc sản để mỗi du khách có thể mua về sau mỗi lần ghé thăm thì cũng có thể mang lại giá trị rất lớn cả về kinh tế lẫn hình ảnh”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gợi ý.
Một vấn đề khác cũng được Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Phú Thọ nhìn nhận là tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch, hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch Phú Thọ còn chưa cao; chưa thu hút được nhiều dự án du lịch từ các nhà đầu tư lớn có tiềm lực để tạo ra sự đột phá.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cho rằng, môi trường đầu tư mà cốt lõi là thái độ vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư vào du lịch của tỉnh.
“Đất lành chim đậu. Lành là thái độ thân thiện với nhau. Lãnh đạo và cán bộ công chức có nghe điện thoại của doanh nghiệp hay không? Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì có cùng đồng hành để tháo gỡ không? Nếu chính quyền có thể làm được điều đó thì doanh nghiệp đã sung sướng lắm rồi bởi người ta đến Phú Thọ đầu tư đâu chỉ cần ưu đãi, đâu chỉ vì tiền mà họ còn làm vì đam mê”, ông Thản nhấn mạnh.
Thái độ ở đây, theo vị doanh nhân này, không chỉ là thái độ của cán bộ công chức mà còn là thái độ của doanh nghiệp và của cả người dân vì cả ba đối tượng này đều hưởng lợi từ việc phát triển du lịch.
Đối với doanh nghiệp, ông Thản nhấn mạnh văn hoá doanh nghiệp, đạo đức của mỗi người từ ông chủ đến nhân viên, luôn coi khách hàng là đối tượng phục vụ hàng đầu. Nếu con người không chuẩn thì có thể dẫn đến kỹ năng không chuẩn và sản phẩm cũng không đáp ứng được.
Còn người dân chính là những người đang giữ trong tay những thứ vô hình lẫn hữu hình tưởng chừng như vô giá trị nhưng lại có thể mang lại nguồn lợi rất cao và có nhiều tiềm năng khai thác như văn hoá bản địa, nếp sống…
Theo đó, ông Thản đề xuất cần nghiên cứu và phát hiện những giá trị có thể khai thác để các bên có thể ngồi lại với nhau và bàn chiến lược, tạo hoà khí và sự thấu hiểu; chỉ có như vậy mới có thể đưa di sản của Phú Thọ thành tài sản làm ra đồng tiền bát gạo cho người dân.
“Vẫn còn tư tưởng chộp giật, dễ bằng lòng, đặt lợi ích gia đình, lợi ích nhóm lên trên mà chưa vì cái chung nên chưa thể đồng bộ trong việc xây dựng hình ảnh và phát triển đồng bộ du lịch Phú Thọ.
Doanh nghiệp và chính quyền cần lắng nghe khách hàng hơn nữa thông qua các doanh nghiệp lữ hành để đưa ra các giải pháp giải quyết những bất cập, chỉnh sửa sản phẩm, đồng bộ dịch vụ…vì tấm gương soi mình của doanh nghiệp, của cán bộ chính quyền cũng chính là xã hội, là đánh giá của khách hàng”, ông Thản nhấn mạnh.
Du lịch trải nghiệm lên ngôi
Theo lãnh đạo của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ, đại diện của Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Thọ cũng như các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Hùng Vương, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng nên được đẩy mạnh phát triển như một chiến lược phát triển du lịch của tỉnh khi du lịch lễ hội hay nghỉ dưỡng giờ đây đã “quá no” rồi.
Nói như vậy không có nghĩa là không phát triển du lịch về nguồn. Tuy nhiên theo ông Thạch, du lịch về nguồn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định đối tượng khách hàng tiềm năng ở đây chính là lớp trẻ để có thể để đổi mới cách làm; vừa gìn giữ được những giá trị dân tộc, vừa đáp ứng được nhu cầu mới của giới trẻ.
Công nghệ đã bão hoà dẫn đến xu hướng du khách muốn tìm những điểm đến gần gũi với thiên nhiên, tìm về những giá trị xưa. Các chuyên gia cho rằng Phú Thọ cần tận dụng được lợi thế của mình để định vị thương hiệu của mình là nơi trải nghiệm đặc trưng miền trung du Bắc Bộ với sự nguyên sơ của cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống và các giá trị văn hoá truyền thống.
Phát triển và đầu tư du lịch là một chuyện nhưng quảng bá du lịch cũng được nhận định là một vấn đề quan trọng. Theo đó, cần tận dụng công nghệ trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá điểm đến; có chương trình hành động tổng thể cũng như tuyên truyền đến các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng về định hướng phát triển du lịch và chiến lược thương hiệu du lịch.
Hay nói cách khác, Phú Thọ cần xây dựng một chiến lược tiếp thị địa phương thật bài bản, chiến lược và hiệu quả để thu hút được du khách trong nước và quốc tế bên cạnh việc xúc tiến đầu tư vào du lịch một cách đồng bộ.
Theo Đặng Hoa – theleader.vn