Ở bệnh viện E (Hà Nội), Tùng Lâm trở thành đứa con chung của các y bác sĩ nơi đây. Mọi người chăm em như chăm chính con đẻ của mình vậy! Mới 7 tháng tuổi cậu bé có khuôn mặt khôi ngô đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật để chống chọi với tử thần.
Vào khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện E, chúng tôi được chị Lưu Hoàng Linh – Trưởng phòng Công tác xã hội kể cho nghe câu chuyện của cậu bé Đỗ Tùng Lâm. Tùng Lâm phải trải qua ca phẫu thuật tim như nhiều em bé khác, nhưng trường hợp của Lâm khiến ai cũng xót xa bởi vốn sinh ra em là một cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh và khôi ngô.
“Khi con vào khoa, ai cũng thương vì nguyên nhân dẫn đến bệnh của con đặc biệt quá. Cậu bé bị vi khuẩn tấn công khiến tim có vấn đề rất nghiêm trọng”.
Chị Linh phải cố gắng lắm mới cầm được những giọt nước mắt để có thể kể cho chúng tôi nghe rành rọt về câu chuyện của Tùng Lâm. Qua tấm cửa kính của phòng cách ly, chị Lựu – điều dưỡng của khoa đang thay băng cho Lâm, chị Lan – y tá thì đứng thật sát, mắt chăm chú nhìn em và nghe từng nhịp thở.
Tùng Lâm từ lâu đã như đứa con chung của các y bác sĩ bệnh viện E, ở đây mọi người ai cũng lo lắng và chăm sóc cho cậu bé như chăm sóc chính con đẻ của mình vậy!.
Để đảm bảo điều kiện vô trùng cho con nên chị Lê Thị Thu Thảo (mẹ của bé Tùng Lâm) không được vào trong. Đứng ngóng tin con ở ngoài cửa khoa, Thảo kể: “Mọi thứ xảy đến đột ngột như trời sập xuống trước mắt em chị ạ. Lúc con được hơn 4 tháng, em thấy con có dấu hiệu sốt và viêm đường hô hấp. Em có cho con lên viện điều trị được 12 ngày thì cắt sốt nhưng chỉ số nhiễm khuẩn rất cao.
Rồi con cứ lịm đi mà chúng em không biết vì sao. Khi con sang đến bên này các bác sĩ phát hiện con bị vi khuẩn tấn công hỏng hết tim”.
Sự việc quá bất ngờ khiến cho cậu bé bắt đầu phải bước chân vào cuộc chiến sinh tử đầy cam go. 3 cuộc phẫu thuật gồm 1 lần mổ tim, 2 lần mổ hoại tử vùng da ở cổ đủ sức quật ngã em. Qua tấm cửa kính của căn phòng vô trùng, chúng tôi bị ám ảnh ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi ánh mắt trong veo trên gương mặt bầu bĩnh, đáng yêu của bé.
“Hôm nay con đỡ hơn được một chút nên chúng tôi vừa tháo một số dây và ống thở ra. Giờ nhìn con trai đẹp hơn nhiều rồi, chứ mấy hôm trước thôi nhìn con tiều tuỵ lắm. Chúng tôi ở đây ai cũng mong con sớm được ra viện chứ không nhìn con đến sốt hết cả ruột gan” – Chị Tạ Thị Lựu, điều dưỡng khoa Hồi sức, bệnh viện E chia sẻ.
Tình trạng của con khiến cho Thạc sĩ, bac sĩ Đỗ Anh Tiến – Phó khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực vô cùng ngại ái. Theo bác sĩ Tiến, “cháu được chuyển cấp cứu sang Trung tâm tim mạch, bệnh viện E trong tình trạng đang thở máy, phù phổi cấp. Qua chiếu chụp và khám, bé được xác định bị tổn thương van 2 lá do nhiễm trùng, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Tim giãn rất to, van 2 lá hở nặng 4/4 và áp lực phổi tăng cao.
Trước tình thế quá nguy cấp, chúng tôi đã phải quyết định mổ cấp cứu ngay trong đêm khi cháu chuyển sang. Khi mổ ra, van 2 lá của cháu bị rách nát hết do nhiễm trùng và không có phương án sửa chữa nên phải thay van mới luôn.
Khó khăn trong cuộc mổ của cháu đó trẻ con vòng van bé, nên chúng tôi đã cố gắng tối đa để thay cho cháu van nào phù hợp nhất có thể. Thay van xong, cháu lại gặp vấn đề hoại tử da ở vùng cổ bên phải nên đã phải mổ cắt lọc da rất nhiều lần. Chúng tôi rất lo sợ trên nền bệnh nhân mổ tim có hoại tử thì nguy cơ nhiễm trùng van tim rất lớn”.
Về chi phí điều trị cho bé Tùng Lâm cũng được các bác sĩ cho biết sẽ là một con số không nhỏ cho dù em đã được bảo hiểm thanh toán nhiều. Đây cũng là vấn đề nan giải mà bố mẹ em đang không biết xoay sở ở đâu ra.
“Trước khi con chuyển sang đây là con đã điều trị tích cực bên viện Nhi TW rồi chị ạ. Ở bên đó con phải tiến hành lọc máu, chi phí rất tốn kém, rồi giờ sang bên này phẫu thuật rồi nằm hồi sức nữa. Bản thân em trước kia làm giáo viên hợp đồng nhưng từ ngày con ốm là em cũng nghỉ, hoàn toàn không có thu nhập gì cả.
Chồng em làm công nhân, tháng được hơn 4 triệu đồng nhưng cũng không làm được trọn tháng vì con cấp cứu là lại bỏ việc lên đây với con. Nhà em nợ nhiều lắm rồi chị ạ, giờ không vay được ai nữa”- Thảo nghẹn ngào, lấy tay quệt ngang dòng nước mắt. Chốc chốc em lại phải bám vào tấm cửa kính để lấy chỗ dựa cho khỏi đổ gục xuống nền bệnh viện.
Trong phòng vô trùng, Lâm vẫn mở tròn to đôi mắt ngơ ngác nhìn như đang kiếm tìm mẹ. Thi thoảng em lại ho, tím tái mặt mày và quặn cả người lên nhưng tuyệt nhiên cậu bé không khóc. Có lẽ em đã quen với việc phải nằm một mình trong phòng bệnh nên đón nhận mọi thứ một cách bình thản, tự nhiên. Ở vùng cổ bên phải vẫn là tấm băng gạt trắng xóa, được quấn cẩn thận bởi đó là ổ nhiễm trùng mà em phải mổ đi mổ lại rất nhiều lần.
“Các anh chị ơi, xin hãy cứu con em. Con mà làm sao, em cũng chết thôi”- Đang chuẩn bị chào tạm biệt gia đình và các bác sĩ để ra về, thì bất giác tiếng của Thảo nghẹn lại, khản đặc với ánh mắt cầu xin khẩn thiết.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Mã số 3503: Em Lê Thị Thu Thảo
Địa chỉ: Tổ 20, Khu Cao Đại, Phường Minh Phương, TP. Việt Trì, Phú Thọ
Số ĐT: 0984845903
2. Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 024. 3. 7366.491/ Fax: 024. 3. 7366.490
Email: nhanai@dantri.com.vn
Theo Phạm Oanh / Báo Dân Trí.