Không trúng tuyển vào Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân yêu thích, Trịnh Ngọc Như Ánh quyết tâm trở thành “cảnh sát môi trường”.
Những ngày cuối tháng 8, sau khi hết giờ làm việc lúc 17h, Trịnh Ngọc Như Ánh mang theo laptop về nhà tiếp tục công việc vào buổi tối. Với thành tích tốt nghiệp thủ khoa, ra trường sớm vào cuối tháng 5, Ánh đã có công việc tốt tại công ty chuyên về ISO. Được làm đúng lĩnh vực yêu thích, Ánh cho rằng đó là điều may mắn mình chưa từng nghĩ tới khi mới bước chân vào Đại học Mỏ – Địa chất.
Như Ánh sinh ra và lớn lên tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Năm cuối cấp ba, em ôn thi cả hai khối A và B, đặt mục tiêu đỗ Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân. Tuy nhiên, dù đạt 24 điểm và cộng cả điểm ưu tiên khu vực, nữ sinh vẫn không đỗ vào trường yêu thích. “Nếu là con trai, mình đã đỗ rồi nhưng điểm của nữ cao hơn nên không được”, Ánh nhớ lại.
Trượt nguyện vọng 1 nhưng Ánh không quá thất vọng vì biết mức điểm đó có thể nộp vào nhiều trường khác. Trong thời gian làm hồ sơ, Ánh cũng tìm hiểu về Đại học Mỏ – Địa chất vì có một số anh chị, người thân học trường này. Nữ sinh cho rằng môi trường là ngành học thực tế và cần thiết, nếu không làm cảnh sát công an nhân dân, em sẽ trở thành “cảnh sát môi trường”.
Sau khi được tư vấn, Ánh nộp hồ sơ vào học khoa Môi trường của Đại học Mỏ – Địa chất. Xác định từng kỳ phải đạt điểm cao để giành học bổng, Ánh thường ngồi những bàn đầu để nghe giảng cho rõ, nhiều bài khó hiểu sẽ ghi âm lời của giảng viên. Vì yêu thích màu sắc, Ánh thường sử dụng giấy nhớ nhiều màu để ghi chú thông tin quan trọng.
Cô gái Phú Thọ quan niệm cần học hiểu chứ không học thuộc, do đó luôn tìm cách diễn đạt, liên tưởng nội dung bài học sang những từ ngữ có thể hiểu và nhớ được. Gần đến ngày thi, Ánh sẽ ghi âm lời ôn tập hoặc tự trả lời các câu hỏi, sau đó nghe lúc rảnh và trước khi đi ngủ. Gần thi, Ánh sẽ học nhóm trên thư viện hoặc ngoài quán café cùng bạn bè. Những lúc căng thẳng hay mệt mỏi, nữ sinh sẽ nghe nhạc kích thích não bộ hoặc nhạc nhẹ để thư giãn.
Hoàn thành năm học đầu tiên, Ánh là một trong số ít sinh viên xuất sắc, đạt trên 3,6/4, giành học bổng Hiệp định 911 của chính phủ Việt Nam và Nga, được hỗ trợ toàn bộ học phí và tiền sinh hoạt trong thời gian học tại Nga. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, nữ sinh quyết định ở lại Việt Nam tiếp tục học tập, tin rằng “nếu có khả năng thì ở đâu cũng có thể thành công”.
Chương trình học của Ánh kéo dài 5 năm nhưng nữ sinh đặt mục tiêu ra trường sớm ít nhất 6 tháng. Em cho rằng nếu ra trường ngay sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ cạnh tranh việc làm sẽ thấp hơn tháng 9, có nhiều thời gian chuẩn bị CV hơn.
Mỗi kỳ, Ánh thường đăng ký vượt môn và chọn những môn liên quan đến nhau. Nữ sinh chủ động tham khảo lịch học các lớp và khóa khác để tìm môn phù hợp, sau đó rủ bạn bè học chung. Đã có lần, Ánh làm đơn xin nhà trường mở riêng một lớp có môn cần học. Vì số bạn bè Ánh rủ vượt 15, trường tạo điều kiện mở lớp. Ánh ra trường sớm nửa năm nhưng do Covid-19, thời điểm tốt nghiệp chậm hơn dự kiến.
Trong hơn bốn năm tại Đại học Mỏ – Địa chất, trải nghiệm đáng nhớ nhất với Ánh là dịp tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên do trường tổ chức. Nữ sinh và ba người bạn từng làm nghiên cứu khoa học lựa chọn đề: “Sản xuất tấm gỗ ép công nghiệp bằng rơm”. Trong một tháng cuộc thi, đặc biệt là khoảng thời gian nước rút, Ánh và các bạn thay nhau ngủ, dậy làm lúc 5h sáng để kịp hoàn thành nghiên cứu. Kết quả ý tưởng của nhóm giành giải nhì và việc được đứng trên một sân khấu lớn, dõng dạc thuyết trình về ý tưởng nghiên cứu trở thành trải nghiệm không thể quên với cô sinh viên năm ba khi đó.
Sau cuộc thi, một vài doanh nghiệp đề nghị hợp tác và sử dụng ý tưởng của nhóm để sản xuất diện rộng. Tuy nhiên, nhóm từ chối vì cảm thấy bản thân và ý tưởng còn nhiều thiếu sót để thực sự đi vào thực tế. Ánh chia sẻ, nếu không tham dự cuộc thi, chưa bao giờ em nghĩ mình có thể làm việc năng suất như vậy, nhất là trong thời gian phải ôn thi hết kỳ. “Sau này nếu có cơ hội, mình cùng các bạn trong nhóm vẫn muốn phát triển sâu và hiện thực hóa ý tưởng này”, Ánh nói.
Cuối năm 2019, Ánh đoạt giải Nhà vô địch sinh thái trẻ khu vực ASEAN (ASEAN Youth Eco-Champions Award), trở thành đại diện Việt Nam duy nhất tại hạng mục trẻ tuổi (Junior). Trong chuyến nhận giải tại Campuchia, Ánh có cơ hội gặp gỡ lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều tiền bối có kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng tại lĩnh vực môi trường.
Từ hiểu biết và trải nghiệm tích lũy trong quá trình học tập và các cuộc thi, Ánh mạnh dạn chọn ISO, vốn ít được quan tâm, là đề tài đồ án tốt nghiệp. Nữ sinh nghiên cứu về công tác quản lý môi trường phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001:2015 dựa trên thuật toán và ma trận. Bằng việc kết hợp phương pháp SWOT và AHP, Ánh chủ yếu tìm đọc và khai thác tài liệu tiếng Anh để hoàn thiện đồ án tốt nhất.
Được giảng viên hướng dẫn kết nối với một công ty chuyên tư vấn về lĩnh vực ISO, Ánh dành thời gian vừa thực tập, vừa nâng cao hiểu biết về chuyên môn và dồn lực viết đồ án trong khoảng 2 tháng. Với đề tài táo bạo, chưa từng có sinh viên Đại học Mỏ – Địa chất nào nghiên cứu, khả năng trình bày lưu loát, trả lời được tất cả câu hỏi phản biện, Ánh đã giành 9,8/10 điểm.
Hướng dẫn Ánh làm nghiên cứu khoa học và đồ án tốt nghiệp, TS Nguyễn Quốc Phi, Phó trưởng khoa Môi trường, đánh giá Ánh có tinh thần tự giác cao và nhiều ý tưởng sáng tạo. Khi Ánh đề đạt nguyện vọng muốn thực hiện đồ án về đề tài ISO, thầy Phi có chút ngạc nhiên vì chưa sinh viên nào làm đề tài này. Thầy tạo điều kiện để Ánh chủ động làm đồ án, còn thầy đóng vai trò cố vấn. “Ánh có khả năng ở nhiều lĩnh vực, gồm cả truyền thông, kỹ sư và các hoạt động cộng đồng liên quan đến môi trường”, thầy Phi nói.
Cuối tháng 5, nữ sinh tốt nghiệp thủ khoa Đại học Mỏ – Địa chất với điểm 3,72/4. Ánh cũng đạt học bổng toàn bộ 9 kỳ học để bù lại học phí, hoàn thành mục tiêu khi mới vào trường. Nhìn lại quãng đời sinh viên, cô gái quê Phú Thọ thấy như một bức tranh nhiều màu sắc tươi sáng, gần như chẳng có gam tối, u buồn. “So với ngày là sinh viên năm nhất, giờ mình đã tự tin hơn, có thể lưu loát trình bày ý tưởng và quan điểm của bản thân”, Ánh chia sẻ.
Với công việc hiện tại, cô gái 23 tuổi mong có thể tiến sâu hơn nữa trong lĩnh vực ISO, đặt mục tiêu trở thành chuyên gia tại mảng này trong ba năm tới. “Những gì mình có hôm nay đều do nỗ lực và cố gắng mà có. Bởi vậy, mình thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại”, Ánh nói.
Theo Thanh Hằng – https://vnexpress.net/co-gai-phu-tho-la-thu-khoa-dai-hoc-mo-dia-chat-4149238.html