Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Phú Thọ thân thương. Ngọn lửa văn học luôn âm ỉ mà mãnh liệt trong tâm hồn cô giáo Nguyệt Hà ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến với trò như một người bạn cổ vũ, đồng hành nên cô thường để học trò gọi mình bằng tên riêng “Hà” và xưng “em”, “con” để xoá đi sợi dây xa cách vô hình giữa cô và trò; từ đó, cô trò sẽ có những thấu hiểu đồng điệu cùng phấn đấu cố gắng vươn lên.
Hành trình bén duyên với Ngữ văn
Xuất phát từ một ngôi trường làng miền trung du Phú Thọ, cô hiểu sâu sắc vai trò cần thiết của người giáo viên gieo hạt giống tương lai cho những học trò xuất thân từ nông thôn.
Tình yêu nghề giáo đến với cô từ rất sớm, cô Nguyệt Hà chia sẻ: “Tôi yêu nghề giáo viên từ nhỏ, năm 1996, tôi đóng vở kịch “Trả lại trang sách cho em” tham gia hội diễn văn nghệ và giành được giải Nhất. Trong vở kịch ấy, tôi đóng vai một cô giáo và không ngờ chính vai diễn ấy đã gắn bó đầy yêu thương và đầy trách nhiệm như bây giờ”.
Cô Hà tâm sự: “Trên con đường lập nghiệp, cũng giống như bất cứ ai vạn sự khởi đầu nan, gặp nhiều khó khăn, kinh nghiệm non nớt, chuyên môn chưa vững, nhưng tôi chưa từng hối hận. Ngay từ đầu, tôi bắt đầu với nghề bằng một tình yêu có thật, thì những trở ngại đó càng làm bản thân rèn giũa cố gắng, mỗi lần thấy nản, lại mở những tờ giấy xinh xinh với nét chữ ngây thơ trò viết tặng, lòng lại đủ phấn khởi để đi tiếp con đường gai góc mình lựa chọn nhưng cũng đầy trái ngọt hoa thơm.”
Cuộc sống của chúng ta đôi khi sẽ xuất hiện những khó khăn, chúng ta can trường bước tiếp hay lấy đó là lí do để dừng lại trên hành trình của mình; tất cả đều là sự lựa chọn của chính bản thân chúng ta.
Trong các bài đọc hiểu và luận, cô Nguyệt Hà thường đưa ra nội dung với học sinh và cũng chính là những sinh viên tương lai để các bạn thảo luận và nhận ra: “Thành công sẽ không bao giờ đến với những con người sống không mục tiêu, không kế hoạch, cách sống đó khác nào thuyền không lái ngựa không cương, được chăng hay chớ, nên ngay từ những năm tháng tuổi trẻ cần phải có kế hoạch cho mình, kế hoạch cụ thể cho năm đầu, năm hai… tất cả việc lớn ở tương lai đều được bắt đầu từ những nền tảng cơ sở nhỏ bé ban đầu đó.
Phải hình thành được những kỹ năng như kỹ năng giải quyết vấn đề, bởi cuộc sống không phải là một bức tranh màu hồng, sẽ nảy sinh những tình huống tốt – xấu, thành công – thất bại…. nếu không tạo dựng kĩ năng giải quyết vấn đề thì chúng ta dễ bỏ cuộc, dễ thoái thác.
Đặc biệt là kỹ năng ứng xử giao tiếp. Sinh viên học sinh là thế hệ năng động, mạnh mẽ và trí tuệ nhưng nếu thiếu kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, thuyết phục thì rất khó để những nhà tuyển dụng, cũng như những người sống quanh mình ghi nhận tài năng…”
Một tâm hồn đẹp, một đôi mắt nghệ thuật tinh anh
Với tâm hồn đầy chất thơ, đôi bàn tay khéo léo, dáng người cao, thanh toát, cô Nguyệt Hà sở hữu nét đẹp trẻ trung nhưng cũng rất đằm sâu của người giáo viên đã đi qua mọi cung bậc của nghề giáo và cuộc đời.
Cô Nguyệt Hà thường chia sẻ những hình ảnh những món ăn được bài trí vô cùng đẹp mắt, thu hút rất nhiều bài báo, phỏng vấn. Mặc dù lịch trình của cô Hà dày đặc nhưng người giáo viên ấy vẫn dành sự ưu tiên cho những “học trò tinh nghịch siêu quậy nhưng cũng siêu đáng yêu” trên hành trình đến với cánh cửa Đại học. Bên cạnh đó, cô còn rất nhiều tài lẻ như cắm hoa, đánh đàn, ca hát, thêu thùa và may vá.
Cô dịu dàng chia sẻ và cũng là gửi gắm đến các bạn trẻ: “Muốn nói nhiều điều với các bạn lắm nhưng trong giới hạn cuộc trò chuyện. Tôi mượn tên một cuốn sách để gửi đến các bạn: Cứ đi lối sẽ thành đường. Tuổi trẻ mà, nhất định phải có trải nghiệm dù đó là thành công hay thất bại đều là phiến đá nâng tầm chúng ta ở tương lại. Hãy vững tin và bước tiếp!”
Theo Vũ Thu Trang – Sinh viên Việt Nam