Trong khi những thương vụ giao dịch lan đột biến lên đến hàng chục tỷ đồng còn đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội thì 1 mầm lan chừng 10cm đã được mang ra đấu giá online được 11,7 tỷ đồng một lần nữa tiếp thêm “lửa” cho cơn sốt lan tại Việt Nam.
Cụ thể, vào 9h20 phút ngày 01/08/2020, anh Trương Quốc Chính (Resort hoa lan Chính Trương, Ba Vì, Hà Nội) đã thông báo tổ chức sự kiện đấu giá hoa lan đột biến và quyên góp từ thiện ủng hộ chống dịch Covid-19.
Thời gian đấu giá từ 9h20-21h20 ngày 1/8/2020 với giá khởi điểm là 0 đồng, bước giá tối thiểu là 50 triệu đồng cho 1 mầm lan chừng 10cm mang tên huyền thoại Bướm đại ngàn.
Trong thời gian 12 giờ mở phiên đấu giá online, người trả giá cao nhất nằm trong khung giờ quy định và thắng cuộc là anh Trần Thế Hưng (một người chơi lan tại Bình Dương) với mức đưa ra là 11,7 tỷ đồng.
Sự kiện này một lần nữa làm dậy sóng cộng đồng những người yêu thích hoa lan Việt Nam với hàng chục cuộc đấu giá lan đột biến khác tiếp tục diễn ra với mục đích ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 bởi các nhà vườn, cá nhân khắp mọi miền.
Anh Trương Quốc Chính (chủ nhân cây lan Bướm đại ngàn) cho biết, toàn bộ số tiền 11,7 tỷ đồng thu được từ sự kiện đấu giá chậu lan Bướm đại ngàn và hơn 3 tỷ đồng do những người yêu lan trong cả nước quyên góp đã được anh gửi về Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 5/8 để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc phòng và chữa bệnh cho người dân.
Theo anh Chính, làm kinh tế nông nghiệp từ hoa lan có sức hút lớn, lợi nhuận cao. “Tôi luôn trăn trở với sự phát triển sinh vật cảnh và mong muốn hoa lan sớm trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao đóng góp tích cực vào nhiệm vụ kinh tế, xã hội của Đất nước như mong ước chính đáng của hàng vạn người yêu hoa lan trên khắp cả nước”, anh Chính chia sẻ.
Nói về sự kiện đấu giá chậu lan Bướm đại ngàn được 11,7 tỷ đồng ủng hộ chống dịch Covid-19, ông Vương Xuân Nguyên – Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho rằng đây không phải là một giao dịch trao đổi hàng hóa thuần túy nhằm mục đích kinh doanh giữa một người bán cây nhận tiền và một người trả tiền nhận cây.
“Mục đích các bên tham gia cùng đồng hành trong công tác từ thiện đã được xác định ngay từ đầu sự kiện đấu giá. Người có cây lan là anh Chính đã tặng cho cộng đồng chơi lan với giá 0 đồng. Còn cộng đồng ai quan tâm đến công tác thiện nguyện đều có quyền trả giá cho sản phẩm đó theo khả năng của mình”, ông Nguyên nhận định.
Theo ông Nguyên, các cá nhân, đơn vị muốn đứng ra tổ chức các cuộc đấu giá nhằm mục đích từ thiện thì nên cẩn trọng trong phương pháp tiến hành, cũng như việc công khai minh bạch thông tin, tài chính để mọi người cùng nắm bắt, tránh việc “rủi ro đạo đức” phát sinh trong các cuộc đấu giá.
“Đối với những sản phẩm, tài sản được đưa ra đấu giá, mà người sở hữu có thu lại một phần giá gốc (không phải là 0 đồng) thì phần giá gốc đó nếu không chứng minh được thuộc đối tượng không được miễn TNCN, TNDN, GTGT thì phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế tương ứng để không ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp của cuộc đấu giá”, ông Nguyên cho hay.
Chia sẻ thêm về thị trường lan đột biến, ông Nguyên cho rằng, trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin chưa thật sự chính xác, gây nhiễu loạn thị trường lan đột biến. Đặc biệt, từ câu chuyện nuôi cấy mô, vận chuyển mầm cây từ Trung Quốc về Việt Nam là chưa xác thực.
“Sắp tới, Viện Di truyền Nông nghiệp sẽ triển khai dịch vụ giám định truy xuất nguồn gốc, giải mã và định danh nguồn gene, xác định tên khoa học cho lan. Đây là chứng thư định danh thực vật giống như “giấy khai sinh” cho các loài lan đột biến mới được phát hiện. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng hơn”, ông Nguyên chia sẻ.
Theo: Tuấn Trung – http://danviet.vn/mam-lan-117-ty-dong-vua-duoc-ban-chuyen-gia-he-lo-ban-chat-that-su-cua-cuoc-dau-gia-5020206813282801.htm