Liên quan đến việc xử lý chất thải nguy hại, đại diện Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình khẳng định những thông tin Công ty tiếp nhận chất thải từ Công ty Gốm sứ Thanh Hà vào 2 năm 2018 và 2019 trong biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành vào ngày 19/10 là hoàn toàn sai sự thật.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về nguồn dầu thải của Công ty Gốm sứ Thanh Hà , ông Nguyễn Đức Truyền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà cho biết: “Trước đây, công ty có sử dụng công nghệ đốt lốp cao su để lấy dầu nung gạch nhưng đã bỏ nhiều năm nay. Hiện, nguồn nguyên liệu để vận hành hệ thống máy móc đã được thay thế bằng dầu diesel.
Chúng tôi đã ký với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc để xử lý chất thải độc hại này và Công ty Môi Trường Xanh yêu cầu đủ 10 khối mới đến chở đi. Nên Công ty sẽ tích vào chờ đến ngày bàn giao Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (có địa chỉ tại Khu 6, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)”.
Điều đáng nói, trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, vị Chủ tịch HĐQT Công ty Gốm sứ Thanh Hà luôn khẳng định công ty đảm bảo tuyệt đối trong việc xử lý chất thải độc hại theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, tại biên bản làm việc của đoàn kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty CTH lại chỉ ra rằng hợp đồng giữ công ty CTH và Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc đã hết hạn từ cuối năm 2017.
Cụ thể, theo như hợp đồng giữa Công ty Gốm sứ Thanh Hà (bên A) ký kết với Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (bên B) có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 đến 31/12/2017 cho thấy, trước mỗi đợt bàn giao chất thải nguy hại, bên A phải báo cáo trước cho bên B ít nhất 1 ngày để bên B có thời gian bố trí nhân lực và phương tiện vận chuyển.
Ngoài ra, hợp đồng cũng yêu cầu bên A phải có trách nhiệm đến cùng với chất thải đã bàn giao, phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng bên B vận chuyển và xử lý chất thải an toàn, hiệu quả và triệt để. Định kỳ có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương về quá trình thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định của nhà nước.
Về đơn giá, Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc sẽ có trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau dính nhiễm thành phần nguy hại, dầu mỡ bôi trơn thải với tổng giá trị trọn gói là 3.000.000 đồng/tháng.
Liên quan đến vụ việc trên, trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Người Đưa tin, đại diện Công ty Môi trường xanh Minh Phúc cho biết, đơn vị này đã hết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà từ lâu. Hiện công ty đã không còn hợp tác làm việc hay liên quan gì đến phía công ty của ông Nguyễn Đức Truyền.
Vậy vì sao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà lại liên tục khẳng định với báo chí rằng đơn vị đã kí với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc để xử lý dầu thải của Công ty và không kí với bất kì đơn vị nào khác về xử lý dầu thải?
Tại một diễn biến khác, cũng liên quan đến sự việc, ngày 19/10, đoàn kiểm tra gồm Công an tỉnh Phú Thọ, Cảnh sát môi trường, sở Tài nguyên Môi trường, Công an phường Thanh Vinh, phòng Tài nguyên Môi trường, thị xã Phú Thọ tiến hành làm việc với công ty CP Gốm sứ Thanh Hà. Theo nội dung biên bản làm việc của đoàn kiểm tra, công ty CTH đã kí hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình để vận chuyển, xử lý.
Trong biên bản có ghi rõ, năm 2018, CTH đã chuyển giao cho Công ty cổ phần phát triển Công nghệ Môi trường 147,5 kg chất thải nguy hại theo bên bản bàn giao ngày 6/12/2018. Đầu năm 2019 đến nay, công ty đã chuyển giao cho Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình 190 kg chất thải nguy hại theo chứng từ chất thải nguy hại số 01/2019/CTH ngày 27/6/2019. Trong biên bản cũng nêu rõ, vấn đề này công ty đã báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi Chi cục bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên môi trường định kỳ 6 tháng/1 lần.
Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên báo Người Đưa Tin, vị đại diện Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình lại cho rằng: “Đúng là công ty đã kí hợp đồng với Công ty Gốm sứ Thanh Hà, tuy nhiên thông tin chúng tôi đến công ty CP Gốm sứ Thanh Hà 2 lần để tiếp nhận 147,5 kg và 190 kg chất thải nguy hại là không đúng.
Cụ thể, từ khi kí kết hợp đồng, chúng tôi mới chỉ đến Công ty Gốm sứ Thanh hà đúng 1 lần vào tháng 6/2019 và chỉ lấy 13 kg bao gồm giẻ dính dầu chứ không có bất cứ 1 kg dầu thải nào cả. Thông tin trên là sai sự thật”.
Trước thông tin này, phóng viên báo Người Đưa Tin tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Đức Truyền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà, nhưng ông Truyền đã khóa liên lạc.
Theo Khánh Ngân – Nguyễn Lâm / www.nguoiduatin.vn