Xôi sắn người Dao là món ẩm thực không thể bỏ lỡ nếu bạn ghé thăm vùng quê Thanh Sơn, Phú Thọ.
Đất đai Thanh Sơn khi xưa cằn cỗi, nắng mưa thất thường, cây lúa nương, cây khoai, cây ngô đều phát triển kém, chỉ có cây sắn là lên xanh tốt. Sắn chính là ân nhân, là cứu tinh của người Dao và xôi sắn là hương vị không thể thiếu trong cuộc sống mỗi đứa trẻ nơi đây.
Nghe các già làng kể chuyện, từ ngày xưa sắn đã trở thành lương thực chủ đạo trong những bữa ăn của bà con, trong chăn nuôi, trao đổi buôn bán… Ngọn sắn non làm rau, làm dưa, củ sắn để luộc, rồi nạo hoặc cắt lát, phơi khô, cất trong bồ dự trữ từ mùa này qua mùa khác, vụ sắn này qua vụ sắn sau.
Đặc biệt, phải nhắc đến món xôi sắn người Dao, vì đây là một món ăn đặc biệt, không chỉ dành cho những bữa ăn hàng ngày, mà nó còn phù hợp khi đón khách hay dịp lễ hội…
Công thức nấu xôi sắn của người Dao, Thanh Sơn, Phú Thọ
Muốn xôi ngon, bước đầu tiên là lựa chọn những củ sắn nây đều, da xoăn, ít rễ bám. Sau khi bóc vỏ, rửa sạch, sắn được nạo thành sợi nhỏ, cho vào khăn sạch vắt qua nước rồi đem trộn cùng với gạo nếp nương đã ngâm và cho vào chõ.
Cũng giống như món xôi cọ người Tày, chõ xôi sắn tốt nhất nên làm bằng sành, đáy chõ được lót vỉ tre đan, thành chõ để thêm vài chiếc lá nếp thơm.
Đặt chõ xôi lên nồi nước trên bếp, trước lúc nổi lửa, người ta không quên xếp lá chuối đều quanh miệng nồi, nơi tiếp xúc với chôn chõ chỉ để lại một khoảng vừa đủ cho hơi nóng từ nồi cách thủy hút lên làm chín xôi.
Xôi chín, đổ dàn đều ra mẹt, hơi bốc thơm lừng, những hạt xôi nếp dẻo, trắng trong, những sợi sắn trắng ngà, bở tơi khiến không ai có thể làm ngơ. Để xôi dẻo, nắm tay không dính, lâu thiu, đồng bào Dao thường quạt cho xôi thật nguội rồi mới ăn hoặc đặt vào giỏ mây để ăn cả ngày.
Có những gia đình để tiện đem xôi sắn lên nương đã lẳn xôi thành từng khúc trông như cổ chiếc chày (còn gọi là xôi sắn lẳn cổ chày), khi ăn dùng dao thái thành từng khoanh tròn. Xôi sắn dẻo thơm chấm muối vừng, muối ớt hoặc ăn kèm cá nướng rất ngon.
Một nhà văn dân tộc Dao ở Phú Thọ, đã viết: “Tôi nhớ nhất những khi mẹ đồ xôi sắn và mấy anh em quây quần xung quanh. Mở chõ xôi chín, mùi thơm lừng của nếp mới tỏa ra khắp gian bếp nhỏ. Vị dẻo quánh, ngọt thơm của những hạt nếp quyện với vị bùi, bở tung của sắn trắng ngần là cảm giác no ấm theo tôi suốt những tháng ngày sau này…“.
Giờ đây, những tháng ngày phải ăn cơm độn sắn hầu như không còn, đồng bào trồng sắn chủ yếu dùng để chăn nuôi. Tuy nhiên, xôi sắn người Dao vẫn là một món ăn truyền thống, đậm nét bản sắc của người dân tại mảnh đất miền trung du bình yên này.