Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc cho biết gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh do sự thay đổi chính sách phát triển của địa phương, trong đó điển hình là Phú Thọ…
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 sáng 26/6, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tin tưởng vào chính sách phát triển Khu công nghiệp của chính quyền địa phương rồi đầu tư.
Sau đó, doanh nghiệp FDI lại gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh do sự thay đổi chính sách phát triển của địa phương.
KoCham nêu một ví dụ điển hình là trường hợp của Công ty Estec Phú Thọ đặt trụ sở tại tỉnh Phú Thọ. Vào tháng 6/2019, công ty này quyết định đầu tư 8 triệu USD để xây dựng nhà máy mới trên cơ sở Dữ liệu quảng bá thu hút đầu tư nước ngoài do tỉnh Phú Thọ phát hành năm 2015.
Tuy nhiên, tỉnh Phú Thọ đã đột ngột thay đổi quy hoạch phát triển Khu công nghiệp dẫn đến khu vực mà doanh nghiệp này đặt nhà máy chỉ là Cụm công nghiệp – Khu công nghiệp của địa phương chứ không phải là Khu công nghiệp.
“Tóm lại, doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khó khăn trong hoạt động kinh doanh do không được chỉ định là doanh nghiệp chế xuất (EPE) – do chỉ các doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp của quốc gia mới có thể xin cấp phép theo Nghị định số 82 của Chính phủ”, Kocham cho biết.
Kocham cũng cho rằng, đây là một trường hợp điển hình gây tổn hại đến niềm tin của doanh nghiệp đối với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tài liệu quảng bá của tỉnh. “Sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các tỉnh trở nên quá nóng, vì vậy, cũng phát sinh trường hợp quảng bá phóng đại hoặc cung cấp thông tin sai lệch. Chúng tôi lo lắng có nhiều trường hợp tương tự như vậy”, báo cáo nêu.
Đặc biệt, thủ tục đầu tiên để chỉ định Khu công nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành là tỉnh lập kế hoạch và có quyền hạn, trách nhiệm nộp lên Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp FDI không còn lựa chọn nào khác ngoài việc căn cứ vào các tài liệu và thông tin quảng bá do tỉnh cung cấp làm cơ sở cân nhắc đầu tư.
Do đó, Kocham kiến nghị, nhằm nâng cao độ tin cậy đối với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cần phải tăng cường quản lý, giám sát ở cấp Trung ương đối với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và các tài liệu quảng bá của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, Chính quyền địa phương cần phải cải thiện biện pháp hỗ trợ hợp lý đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chịu thiệt hại do thông tin cung cấp sai lệch.
“Với công ty Estec nói trên, chúng tôi kiến nghị xem xét phương án đặc cách trao tư cách EPE hoặc kiến nghị lên Chính phủ chỉ định khu vực đó là Khu công nghiệp”, Kocham kiến nghị.
Khoản 10, Điều 2, Nghị định 82 quy định, doanh nghiệp chế xuất (EPE) được định nghĩa là doanh nghiệp hoạt động trong các Khu chế xuất, nằm trong các Khu công nghiệp hoặc Khu kinh tế và sản xuất sản phẩm, xuất khẩu.
Chứng nhận EPE cần thiết cho việc mở rộng quy mô của các nhà đầu tư FDI vì khi chỉ đạt chứng nhận EPE sẽ nhận được ưu dãi như đơn giản hoá thủ tục hải quan.
Tuy nhiên, theo Kocham, việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện được chứng nhận EPE chỉ vì không nằm trong Khu công nghiệp dẫn đến trở lại lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Do đó, Kocham mong muốn được giảm bớt điều kiện chứng nhận EPE tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 114 để có thể cấp chứng nhận EPE cho doanh nghiệp đã đáp ứng một số điều kiện sau khi ban ngành liên quan khảo sát thực tế và chấp thuận mà không phụ thuộc vào doanh nghiệp có nằm trong Khu công nghiệp hay không.
Theo Kiều Linh / vneconomy.vn