Thị xã Phú Thọ, một thị xã bình yên với hơn 115 năm lịch sử, nằm ở bờ hữu ngạn sông Thao (sông Hồng), trung tâm của tỉnh Phú Thọ, vùng đất nối liền các tỉnh Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Thị xã Phú Thọ có diện tích tự nhiên 64,6 km2 với dân số khoảng 72.000 người (tính đến đầu năm 2015), đã từng là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Phú Thọ những năm đầu thế kỷ 20.
Vị trí địa lý thị xã Phú Thọ
Thị xã Phú Thọ thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, là nơi tiếp giáp giữa đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi, trung du. Thị xã nằm cách thành phố Việt Trì 30km, cách thủ đô Hà Nội 90km về phía Tây Bắc và cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai 200km.
Địa giới của thị xã Phú Thọ như sau: Phía bắc và đông bắc giáp huyện Phù Ninh, phía tây và tây nam giáp huyện Thanh Ba, phía nam giáp huyện Tam Nông (bên kia sông Hồng), phía đông nam giáp huyện Lâm Thao.
Thị xã Phú Thọ nằm trong vùng trung du Bắc Bộ, với địa hình bán sơn địa theo dạng bát úp, nằm trên vùng giáp ranh giới giữa Đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi thấp. Địa hình của thị xã Phú Thọ cao dần về phía Bắc và Tây Bắc, thấp dần về phía sông Hồng. Khí hậu tại đây cũng mang bản sắc của vùng trung du Bắc Bộ, 4 mùa rõ rệt.
Hệ thống giao thông tại thị xã Phú Thọ rất phong phú gồm có đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Đường bộ có quốc lộ 2 chạy qua nối Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc. Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua nối trung tâm thị xã với quốc lộ 2 và hàng chục tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ với tổng chiều dài hàng trăm km. Đường sắt nổi bật với tuyến Hà Nội – Lào Cai chạy qua với chiều dài 9,4km. Đường thủy trên sông Hồng có chiều dài qua thị xã hơn 10 km nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Thị xã còn có 1 sân bay quy mô nhỏ do quân đội quản lý, trong quy hoạch có tính đến mở rộng để sử dụng dân sự khi cần thiết.
Mời các bạn cùng khám phá: Địa điểm hấp dẫn tại thị xã Phú Thọ
Lịch sử hình thành thị xã Phú Thọ
Thị xã Phú Thọ là đất trung du thuộc tỉnh miền núi Phú Thọ, vào đời Hùng Vương thứ 18 gọi chung là động Phú An. Suốt trong thời kỳ phong kiến Việt nam tự chủ, từ nhà Đinh đến nhà Tiền Lê, Lý, Hậu Lê, địa danh Phú An vẫn được giữu nguyên. Đến thời nhà Nguyễn, năm 1890 triều vua Thành Thái cho đổi tên làng Phú An thành làng Phú Thọ, thuộc tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi, tỉnh Hưng Hóa.
Trong thời kỳ thuộc Pháp, ngày 5-5-1903, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển lỵ sở của tỉnh Hưng Hóa từ làng Trúc Phê, tổng Thượng Nông, huyện Tam Nông về làng Phú Thọ, Tổng Phú Thọ. Ngày 22-10-1907, lỵ sở của tỉnh Phú Thọ được nâng cấp lên thành thị xã Phú Thọ.
Thị xã Phú Thọ được chọn thành lập chính thức là ngày 05 tháng 05 năm 1903 trên cơ sở làng Phú Thọ.
Làng Phú Thọ xưa vốn là một làn việt cổ thuần nông, dân cư thưa thớt, tập trung ở 3 khu vực gọi là các động, gồm: động Tiên (phường Phong Châu ngày ngay); động Cờ (phường Hùng vương) và dộng Cao (phường Trường Thịnh).
Thị xã Phú Thọ có lịch sử hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm. Thị xã Phú Thọ xa xưa còn được gọi là Ma thành (sau gọi là thành Mè) do Ma Xuân (cháu chắt của Ma Khê) xây dựng. Hậu duệ của Ma Khê cầm đầu Ma tộc truyền đời trấn giữ thành Mè.
Đến thời Loạn 12 sứ quân, thành Mè do Ma Xuân Trường trấn giữ. Sau khi thành Hồi Hồ thất thủ, tướng quân Kiều Thuận chạy sang thành Mè kết hợp với Ma Xuân Trường chống lại Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh đánh chiếm thành Mè. Khi đó Kiều Thuận tử trận, Ma Xuân Trường trốn thoát, sau khi mất được Đinh Bộ Lĩnh vì thán phục uy đức mà truy phong ông là Ma tộc thần tướng.
Ngày nay, dấu tích lịch sử thị xã Phú Thọ vẫn còn còn đó là dấu tích của thành Mè ở phố Phú An có đền thờ Ma Khê. Làng Trù Mật xã Văn Lung thị xã Phú Thọ có đền thờ Ma Xuân Trường và Kiều Thuận.
(Để hiểu thêm về lịch sử thị xã Phú Thọ thời kỳ này, các bạn có thể tìm hiểu thêm qua bài viết: Bí ẩn dòng họ Ma và …)
Từ năm 1903, vị trí trung tâm tỉnh lỵ của thị xã Phú Thọ được thực dân Pháp duy trì và củng cố suốt 42 năm, từ khi thành lập cho đến năm 1945.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, thị xã Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế, chính trị , văn hóa của tỉnh Phú Thọ. Từ thị xã này, Đảng bộ chính quyền tỉnh Phú Thọ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Chính Phủ, củng cố chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân và lãnh đạo toàn dân trong tỉnh trực tiếp tham gia cuộc khánh chiến trường kỳ 9 năm giành thắng lợi.
Tháng 02/1968, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, thị xã Phú Thọ là một trong ba thị xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Từ tháng 11/1996, tỉnh Phú Thọ được tái lập, thị xã Phú Thọ tiếp tục giữ vững vai trò là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng phía Tây bắc của tỉnh.
Sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, thị xã Phú Thọ hôm nay đã và đang bắt nhịp cùng sự phát triển đi lên của đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, thị xã Phú Thọ đã vận dụng một cách linh hoạt, chủ động vào điều kiện thực tiễn của địa phương và đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Diện mạo đô thị của thị xã đã có nhiều khởi sắc, xứng đáng với tầm vóc của một đô anh hùng vừa đậm đà nét đẹp truyền thống vừa hiện đại, văn minh và phát triển.
Hành chính – Y tế – Giáo dục
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, thị xã Phú Thọ đã giải thể phường Trường Thịnh, địa bàn sáp nhập vào các phường Phong Châu, Hùng Vương và xã Thanh Minh.
Hiện nay (cuối năm 2021), Thị xã Phú Thọ có 9 đơn vị hành chính, gồm 4 phường: Âu Cơ, Hùng Vương, Phong Châu, Thanh Vinh và 5 xã: Hà Lộc, Hà Thạch, Phú Hộ, Thanh Minh, Văn Lung.
Hệ thống y tế tại thị xã Phú Thọ có ba bệnh viện công lập trong đó có 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ và 2 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh là: Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ.
Quy hoạch
Lịch sử thị xã Phú Thọ là một vùng đất bình yên và cổ kính. Nhưng hiện nay đã có đề án nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2017 và hướng tới đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020. Thời điểm hiện tại, thị xã đang xây dựng đề án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thị xã Phú Thọ sẽ mở rộng với 5 xã của các huyện xung quanh (xã Hiền Quan, Vực Trường của huyện Tam Nông, xã Lương Lỗ, Đỗ Sơn, Đỗ Xuyên của huyện Thanh Ba) nhập về thị xã vào năm 2030.
Hy vọng thị xã xinh đẹp của chúng ta sẽ sớm bắt nhịp với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, nhưng vẫn giữ được những điều đáng quý trong lịch sử thị xã Phú Thọ.
Comments 4