Chẳng còn gì cho bọn trẻ ăn, anh Dũng đầy chiếc xe lăn vào góc bếp vét nốt bát cơm trắng cuối cùng cho các con ăn khỏi đói. Thương con, anh vừa xúc từng thìa cơm, vừa gạt nước mắt, bên ngoài từng đợt gió mùa thổi thốc vào nhà lạnh tê tái.
Những đợt gió mùa thổi về kéo theo cái lạnh như cắt da, cắt thịt lùa thốc vào ngôi nhà tuềnh toàng, xơ xác của bố con anh Ngô Văn Dũng (Khu Đoàn Kết, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) trong những ngày cả nước đang đón cái Tết cổ truyền.
Trong ngôi nhà anh Dũng dường như hương vị của ngày Tết vẫn còn ở rất xa, không có cành đào, không cây quất hay ngay cả chiếc bánh chưng cũng không nốt, ngày Tết ở đây hiu hắt đến buồn tủi.
Ngồi trong một góc nhà, anh Dũng đang cố dùng tay đẩy bánh xe lăn, giọng anh nghẹn lại: “Vợ em đi rửa bát thuê rồi. Ở nhà chỉ có 4 bố con, các cháu nó thèm khoanh giò và đồng bánh chưng quá nhưng em thì bất lực, chẳng biết làm sao vì em không làm được gì cả”.
Anh Dũng vốn sinh ra đôi chân đã teo tóp nên việc di chuyển phải hoàn toàn dựa vào chiếc xe lăn đi xin được. Hạnh phúc méo mó, se duyên anh với người phụ nữ vốn chậm chạp, bảo gì nghe nấy, lại cộng thêm 3 đứa con chào đời nên cái đói, cái nghèo bao năm cứ bủa vây gia đình họ. Đùm dúm nhau ở làng quê này, anh cũng tủi lắm khi biết phận mình nghèo mà lại sinh đến tận 3 đứa con.
“Cũng có những người thương và hiểu, nhưng cũng có những người trách vì em không làm được mà sinh đông con để giờ chúng phải khổ. Em cũng khao khát có mái ấm gia đình, khao khát có các con nhưng đúng là em nghĩ chưa tròn nên giờ mới để các con khổ thế”.
Anh Dũng kể với đôi mắt đỏ hoe, sắp khóc. Kế bên bố là 3 đứa trẻ mặt mũi lấm lem, vận trên mình bộ quần áo cũ, xộc xệch. Biết bố lại buồn và tủi thân, bé lớn là Ngô Thị Quỳnh (9 tuổi) khẽ vòng tay ôm cổ bố, mặt buồn thiu.
Bé Ngô Thị Chi (6 tuổi) và con trai Ngô Quốc Chính (4 tuổi) thì ngồi lặng thinh, không nói. Cái nghèo và sự thiếu thốn cũng khiến các em trở nên e dè, khép kín, không dám mở lòng.
Nhìn quanh ngôi nhà của anh không có lấy một vật dụng đáng giá. Chiếc ghế gỗ đã mất chân được kê tạm một cách lỏng lẻo lên cái ghế nhựa.
Chiếc giường duy nhất của các gia đình ở góc nhà với lôi thôi đống quần áo chưa được gấp gọn. Phần vì nhà anh chỉ có 1 chiếc tủ quần áo bé tí teo, phần nữa là đồ của mọi người mới mang cho bố con để mặc cho khỏi rét.
Ngồi trò chuyện với anh, chốc chốc gió lại gào rít, thổi thốc vào trong nhà, lạnh buốt. Gió mạnh quá khiến 3 đứa trẻ lại nép vào gần bố, run rẩy và những cái bụng sôi bắt đầu réo lên vì đói.
“Con đói quá bố ơi. Mẹ đến tối mới về, con không chịu được đâu” – Tiếng cậu bé Chính khe khẽ như vừa nũng nịu, vừa bắt đền, rồi em nằm vật ra giường như đang dỗi.
Thấy em trai có lẽ sắp khóc nên hai chị gái cùng vào dỗ, còn anh Dũng điều khiển xe lăn xuống góc bếp để vét nốt bát cơm từ sáng.
Chúng tôi để ý anh lúc này, gương mặt vốn rầu rĩ bỗng sáng lên. Là anh đang cảm thấy may mắn vì còn bát cơm ăn, chứ nếu không có gì thì không biết dỗ con như thế nào nữa.
Bát cơm trắng và không một chút thức ăn nhưng cậu bé Chính ăn ngon lành, thi thoảng hai bé Chi và Quỳnh cũng xin bố một thìa ăn ngấu nghiến. Chúng đều đói và thèm được ăn nhưng trong nhà đã trống trơn không có gì cả.
Chứng kiến giây phút ấy, những người có mặt không ai cầm lòng được. Bát cơm nhanh chóng được vét sạch đến hạt cuối cùng, cũng là khi 3 đứa trẻ lại dụi mắt buồn ngủ. Khẽ nhắc các con lên giường nằm, anh Dũng lúc này mới lăn xe ra ngoài để ngóng ra xa, phía dãy núi trước mặt nhà anh.
“Chắc hôm nay tối muộn thì nhà em mới về chị ạ. Trời lạnh thế này không biết cô ấy có đủ ấm không vì sáng đi chỉ mặc một chiếc áo len mỏng và chiếc áo gió người ta cho”, giọng anh ngậm ngùi nghe buồn đến não nuột.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Anh Ngô Văn Dũng
Địa chỉ: Khu Đoàn Kết, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ
Số ĐT: 0395574785 (Số ĐT chị Ngô Thị Hiền, em gái anh Dũng)
Theo Phạm Oanh / dantri.com.vn