Đến Long Cốc, huyện Tân Sơn du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với những “ốc đảo” chè – nơi được ví như “Vịnh Hạ Long” vùng Đất Tổ.
Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho địa hình, khí hậu thuận lợi để cây chè phát triển, bởi thế mà chè là giống cây thân quen ở đây với “niên đại” gần 50 năm với hơn 600ha. Nhờ sự cần cù, chịu khó cùng với bàn tay tài hoa của những người dân mà đồi chè Long Cốc không chỉ mang lại giá trị sản xuất mà còn là tiềm năng phát triển du lịch.
Về thăm đồi chè Long Cốc, trên con đường uốn lượn với 2 bên là những đồi chè hình bát úp, san sát, trải dài dường như không có điểm kết thúc đưa du khách đến những vị trí “đắc địa” có thể ngắm nơi được mệnh danh “Vịnh Hạ Long vùng Trung du” – nơi “ngự trị” của 4 quả đồi to đẹp nhất nằm liền kề, nối tiếp nhau tạo nên cảnh quan vô cùng mãn nhãn. Cũng ở điểm này, nhìn xuống xã Long Cốc nằm gọn trong thung lũng, lúc ẩn, lúc hiện trong sương.
Mỗi “bát” chè giống như những ốc đảo mang hình thù của những “cụ rùa” thong thả, thẩn thơ, nhấm nháp bầu không khí trong lành, mát mẻ. Mỗi “cụ rùa” thoai thoải, rộng hơn 1ha, rất thuận tiện để chúng tôi vút tầm mắt khám phá xung quanh.
Để “tạo hình” cho đồi chè có tán rộng, vững chãi đòi hỏi kỹ thuật và con mắt nhìn của người dân ngay từ lúc trồng, đặc biệt là lúc đốn tạo tán. Đốn chè là cắt bỏ những cành chè già cỗi, tăm hương, sâu bệnh để thay bằng những cành non sung sức hơn, tạo cho cây chè có bộ khung tán to khỏe, có nhiều vị trí bật búp, tạo tán cao, đều.
Đến Long Cốc, không chỉ được tận mắt khám phá đồi chè đẹp nhất Phú Thọ, tận hưởng không khí trong mát mà còn được thưởng thức những đặc sản đặc trưng miền Trung du, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường.