Trò chơi dân gian được xem là di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, góp phần nuôi dưỡng, hình thành nhân cách từ thời thơ ấu của bao thế hệ. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, không gian của trò chơi dân gian đang dần bị thu hẹp, mai một.
Trò chơi dân gian chỉ còn tại những vùng quê
Hơn 6 giờ sáng mỗi ngày, trẻ em tại một xã vùng cao, huyện Yên Lập lại rủ nhau ra nhà văn hóa tham gia các trò chơi dân gian. Tiếng hò reo, vỗ tay, những nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt ngây thơ, trong sáng khiến cho không gian giữa núi rừng bớt tĩnh lặng và sân nhà văn hóa tuy nhỏ hẹp nhưng cũng trở nên sôi động.
Ở đây không có xe điện, tàu trượt, tàu lượn, đu quay hiện đại như ở thành phố mà các trò chơi của các em chỉ được làm từ những nguyên liệu, vật dụng thô sơ được lấy từ rừng, đồng ruộng, vườn nhà… Những vật liệu giản đơn, mộc mạc phút chốc đã trở thành những thứ đồ chơi dân gian hấp dẫn qua những bàn tay của các anh chị lớn hơn được xem như những người “thợ điêu khắc”, “thợ mộc”, “thợ gốm”…
Do đặc thù là huyện miền núi, chiếc cà kheo từ lâu đã trở nên thân quen, gắn bó với đồng bào dân tộc nơi đây. Vật dụng đó trước đây đã từng đồng hành cùng các em học sinh vượt qua những con suối, đoạn đường ngóc ngách, hiểm trở để tới trường mà quần áo không bị ướt bẩn. Đến nay, cà kheo là trò chơi khiến bọn trẻ thích thú, lắp ghép những đoạn tre thành những chiếc cà kheo. Leo lên chiếc cà kheo mới được hoàn thành, cố gắng giữ cân bằng để bước đi xa nhất có thể.
Cùng với nhóm chơi cà kheo, nhóm đẽo quay (hay còn gọi là cù) cũng thu hút bọn trẻ. Từ những khúc gỗ ổi, táu, găng, sồi, mít… được lấy từ trên rừng, qua bàn tay của những người “thợ điêu khắc” gọt đẽo tạo nên chiếc quay cho bọn trẻ thỏa sức thi đấu. Quay phải đẽo đúng kỹ thuật, đầu nhọn thì mới quay tít được lâu và từ 3 người trở lên là có thể thi đấu, nếu quay ai quay lâu hơn sẽ thắng.
Không kém phần hấp dẫn, nhóm chơi pháo đất cũng rất rôm rả. Tuy trò chơi này đứa nào đứa nấy đều lấm lem bùn đất nhưng bọn trẻ rất thích thú. Từ nguyên liệu đất sét có độ dẻo, những “thợ gốm nhí” khéo léo nhào nặn thành những chiếc pháo đất tròn rỗng như những chiếc bát rồi ném ụp xuống nền đất tạo ra tiếng nổ cùng với những tiếng cười giòn tan…
Trong không khí náo nhiệt của sân chơi, nhóm các bạn nữ khéo léo chơi chuyền que được vót từ tre, kết hợp với quả bưởi non vừa bé lọt lòng bàn tay để thay nhau thi đấu. Nhóm các bạn khác cũng chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan, đá ngựa, kéo co, bịt mắt đánh trống… tất cả đã tạo nên một sân chơi nhộn nhịp đầy ắp tiếng cười.
Đừng để mai một trò chơi dân gian
Bạn sẽ như được trở về thời thơ ấu với những trò chơi hết sức bình dị, giản đơn, mộc mạc, mà trẻ em thành phố giờ khó có được.
Nơi thành thị, hi các bậc phụ huynh quá bận rộn với công việc, cộng thêm việc thiếu không gian, điều kiện, môi trường sống nơi đô thị cũng khiến cho các trò chơi dân gian vắng bóng dần. Có chăng bọn trẻ cũng chỉ được biết đến các trò chơi hiện đại ở các công viên, các trò múa sư tử, rước đèn ông sao, đánh trống, múa lân… của các diễn viên vào mỗi dịp trung thu, lễ Tết chứ không thực sự được hòa mình vào cùng tham gia vào những trò chơi dân gian.
Sự xuất hiện của các trò chơi hiện đại khiến cho các trò chơi dân gian truyền thống dần bị mai một. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trò chơi dân gian không còn hấp dẫn lũ trẻ.
Muốn khơi dậy và phát huy được các trò chơi dân gian thì cần có cuộc vận động và có hình thức tổ chức để các thế hệ đi trước hướng dẫn, truyền dạy lại các trò chơi dân gian cho trẻ nhỏ, đồng thời tổ chức các cuộc thi trò chơi dân gian thường xuyên hơn. Có bảo tồn được giá trị văn hóa của các trò chơi dân gian thì mới giúp trẻ tránh xa máy tính, điện tử, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em.
Bác Hồ từng nói: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Tâm hồn của trẻ như trang giấy trắng, những gì các em học được ở những năm tháng tuổi thơ góp phần nuôi dưỡng, hình thành nên nhân cách cho tương lai. Vì vậy, việc gìn giữ, phát huy giá trị của những trò chơi dân gian là hết sức cần thiết.