Hôm nay là 29 tháng 3, có lẽ là hơi sớm để nói về ngày bế giảng của các em cấp 3. Nhưng tôi sẽ để dành ngày ra trường của K69 Hùng Vương, tôi sẽ về trường, được thấy các em, và cũng là thấy tôi của một năm về trước.
Tôi của giờ này năm trước, vẫn là một cậu bé mộng mơ ngồi trên bậu cửa lớp 12N, mộng mơ nhìn ra tán cây, huyễn hoặc bản thân về một thứ gì đó thật lớn lao, đỗ An ninh, đỗ Sư phạm, đỗ Báo chí,… Tôi không nhớ rõ rằng lúc đó, đứa bạn nào đang đứng cạnh tôi, nhưng tôi nhớ giọng của chúng nó vọng lại, từng tiếng rõ ràng: Giờ này năm sau chúng ta làm gì nhỉ? Tôi vẫn thường trả lời kiểu này: Hoặc là tao đang rong chơi dưới Hà Nội, hoặc tao âm thầm lái xe ôm, có khi lại lấy vợ cũng nên. Lúc đó, chuyện tương lai luôn được đặt trên đầu bút, trên con đường đi học, về qua đôi mắt mơ màng của con bạn cùng bàn. Chuyện tương lai mơ hồ trong tiếng tặc lưỡi của tôi cùng vài thằng lười nhác trong lớp khi bài khảo sát điểm bết bát, là long lanh giọt nước mắt mệt mỏi của đám con mỗi lần trả bài. Cuối tháng ba, đứa nào cũng lo âu về lối ra con ngõ nhỏ đời mình. Có chăng những đứa mộng mơ quên ngày tháng như tôi là không để tâm thôi.
Những ngày cuối tháng ba. Trời vẫn rét. Các môn học phụ dần nhường chỗ, để lại những tiết trống nhiều hơn cho học sinh cuối cấp bài vở, nhưng đa phần đám 12 chúng tôi tận dụng nó để đi ăn sáng, lượn láo khắp trường, nhai những câu chuyện vô vị, xào đảo qua những ngày tháng tưởng như dông dài mãi mãi. Nhưng hóa ra nó cũng đã kết thúc mất rồi.
Trời tháng ba âm u, ẩm ướt. Một góc Hùng Vương rêu phong, cổ kính và bí ẩn như muôn đời về trước. Một buổi chiều trời vẫn mưa phùn, một cái ô, một dáng đi nhỏ thấp thoáng dưới sân trường. Nhớ lớp Văn cô Huệ tối thứ ba, lớp Toán thầy Sơn, thầy Hải. Phải chăng những tháng ngày miệt mài một thời gian biểu : Nhà tới trường, trường tới lớp học ôn thi là để cho những ngày ấy của năm sau và năm sau nữa, nhìn lại, thèm lắm được mệt mỏi trong đống bài tập, trong áp lực?
Tôi không biết đây có phải là những dòng cuối cùng tôi dành cho Hùng Vương những năm tháng ấy hay không nữa, nhưng bây giờ tôi nhận ra, tôi vẫn yêu trường, một niềm yêu, niềm nhớ đã sâu trong tiềm thức. Nhiều lần về trường, không còn là một học sinh của trường nữa, nhưng cái cảm giác bục giảng lớp cũ, ghế đá đám bạn thân hay ngồi tám chuyện, ánh nắng chiều sân bóng sau trường là của mình, mình sở hữu nó, và là sự hiện diện của những thứ tưởng cầm nắm được trong lòng bàn tay.
Cảm giác mình vẫn là đứa con chưa lớn của Hùng Vương là khi, tôi về trường, đám nhỏ tôi chơi cùng những năm tháng trước, vẫy tay chào tôi, một vài thằng sẽ chọc tôi, và tôi, lại trẻ trâu như chưa bao giờ trưởng thành, dồn đuổi chúng nó khắp sân trường, kệ xác vị trí của tôi bây giờ không còn là trẻ con nữa.
Tôi vẫn thèm là đứa trẻ con, được Hùng Vương che chở, ve vuốt những ngày tôi buồn, tôi thất vọng, là những ngày chuyện buồn đến đâu cũng tan biến khi nhìn thấy cái mặt ngố đến lố bịch của thằng bạn thân, là con bà già khó tính mồ côi người yêu ngồi cạnh, là con mặt béo trục béo tròn ngồi kế, cái con mà hiểu tôi hơn cả chính tôi hiểu tôi. À ừ, nhìn xuống bàn dưới, là con lớp trưởng, quan liêu bảo thủ cứng nhắc, nhưng ngu si đần độn chuyện đời, là bí thư lớp xinh gái, quá sức hiền, con culi mẫn cán của bà giáo chủ nhiệm. À đấy quên cô chủ nhiệm, là bản ngã của tôi, là những ý niệm siêu hình của tôi, sẽ bẻ gãy mọi thói vô tổ chức của tôi ngay lập tức. Nhìn xuống dưới nữa, là xóm nhà lá, là lũ lắm mồm, già chuyện nhất trên đời này, là lũ nghịch nhất trên đời này. Nhưng ngang trái làm sao, ngay cạnh cái xóm ồn ào đấy, là xóm cô hồn, những con mọt sách, những tu sĩ ẩn dật với nghệ thuật im lặng đỉnh cao không bao giờ hé lời trong bất cứ sự vụ gì cho dù thiên thạch có làm tuyệt chủng giống loài đi chăng nữa. Những tháng năm thanh xuân nồng nhiệt vậy đấy, nhìn đâu cũng là kỷ niệm.
Và nhìn đâu cũng là tình yêu.
Tình yêu tôi là ở trường Hùng Vương.
Người yêu tôi (từng là) ở trường Hùng Vương.
Vinh quang là ở trường Hùng Vương.
Và hơn tất cả, mọi thứ tưởng lớn lao ấy, giờ nằm ngủ yên trong trái tim mình.
Việt Anh
Học sinh khóa 2013-2016