Bánh Hòn là món ăn truyền thống dân dã, ở mỗi một địa phương thì cách làm bánh hòn khác nhau. Bánh hòn của người Phú Thọ được làm với cách riêng, tạo nên sự độc đáo của món này. Và nổi tiếng nhất là ở các xã Kim Đức, Phượng Lâu và Hùng Lô, thành phố Việt Trì.
Bánh hòn là món dễ ăn bởi hương vị và sự thơm ngon được nhiều người yêu thích và Hùng Lô là một trong những xã nổi tiếng làm bánh hòn.
Bà Nguyễn Thị Hoàn, người làm bánh Hòn đã 50 năm chia sẻ: Bánh hòn là bánh cổ truyền từ đời các cụ đến giờ. Đặc điểm của bánh Hồn là mềm, thơm, ngậy, bánh được làm từ gạo tẻ, ngon nhất là gạo Khang Dân mới thu hoạch xong. Gạo phải trắng, dẻo thì mới quyết định việc vỏ bánh có thơm, mềm hay không.”
Gạo được xay hoặc cho vào cối giã nhỏ thành bột, sau đó rây cho mịn. Dùng các loại lá, quả rừng như: Vỏ quả sở, quả trẩu, lá bưởi bung, cây vừng khô… đốt thành tro rồi cho vào thùng nước ngâm từ 5-7 ngày cho phả ra.
Sau đó đem lọc lấy nước trong rồi cho vào bột, khuấy lên đun cho đến khi nào bột trong, đặc lại thì bắc xuống.
Nhân bánh Hòn là yếu tố quan trọng làm nên hương vị thơm ngon. Nguyên liệu là thịt lợn ba chỉ trần qua, cắt thành miếng, băm nhuyễn với mộc nhĩ, hành lá trộn đều, thêm gia vị, nước mắm vừa đủ, đặt lên bếp xào chín.
Bánh phải nặn ngay khi bột còn nóng, rồi xếp lên chõ để sôi. Khi sôi bánh phải để lửa to, nếu để lửa nhỏ sẽ làm mất độ mềm, thơm. Bánh hấp xong bỏ vào lá chuối, thưởng thức món bánh với nước mắm vắt chanh sẽ cảm nhận rõ được hương vị thơm ngon, đặc trưng của món quà quê Phú Thọ.
Bánh hòn có giá 1000 đồng/chiếc, được bán nhiều ở các chợ quê như Hùng Lô, Kim Đức… Người dân nơi đây hay dùng bánh hòn làm quà ăn sáng, rất ấm bụng và nhiều dinh dưỡng.
Bánh Hòn luôn làm mỗi người con đi xa quê nhung nhớ thứ quà quê bình dị mà dân dã, mang đậm hồn quê Đất Tổ Phú Thọ.
Theo Quỳnh Như / Báo Phú Thọ